Phan Nguyên Cương, cựu sinh viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, bản thân ghét bia rượu, tửu lượng của cậu kém, chỉ vài chén là liêu xiêu, mỗi lần về quê ăn Tết là cậu ám ảnh. Tết nhất tiệc tùng liên tục, mà đã ngồi vào bàn là từ chối không được.
Cương đi làm xa, năm chỉ về quê một hai lần, từ người thân, người quen rồi đến những người tên không biết, mặt không hay, ngồi trong bàn nhậu đều chúc cậu một ly như thân thiết lắm. Chúc gặp mặt một ly riêng, chúc tết lại phải ly khác...
“Chỉ cần mình từ chối là thì sẽ nghe nói ngay, mày khinh anh, khinh bác à? Đủ lý do để ép uống, cầm ly thì bị ép phải uống hết... Có những năm tôi bị ép uống đến độ về nôn thốc nôn tháo, lịm mất một ngày mới tỉnh”, Cương nói.
Câu “Mày không uống là mày khinh anh/khinh bác/khinh tao...” dường như xuất hiện trong mọi cuộc vui, nhất là vào dịp tết. Nó như là câu thần chú để ép người khác phải cầm ly, phải dốc 100% và cũng gây áp lực, ép uổng người khác. Tình thương mến thương đâu không biết nhưng ai lên tiếng từ chối là không xong, có thể bị... gây đổ, bị đánh đấm.
Không biết từ bao giờ, ly rượu, lon bia trở thành đại diện tình cảm, sự tôn trọng, quý mến nhau của người Việt. Không ít người xem việc nốc từng két bia, chấp bao nhiêu cũng không say là biểu hiện phong độ, tài năng của mình. Và cũng nhiều người kiệt sức, mệt mỏi vì cách thể hiện quái quở này
Nguyễn Mạnh Hào,kỹ sư công nghệ quê ở Quảng Nam kể, đúng ngày mùng 2 Tết vừa rồi mình bị một người chưa từng gặp mặt đánh đấm vào mặt chỉ vì dám từ chối uống với anh vài ly. Sang ăn tiệc ở nhà ông bác, nhiều thanh niên trong xóm ngồi nhậu từ trưa đến tối, Hào sang chúc Tết, uống một ly rượu và nói mình chỉ uống một ly này, chúc chung tất cả mọi người.
Ngồi được một lúc thì một số người trong bàn nhậu bắt đầu đẩy ly sang Hào. Hào đưa tay khước từ thì một thanh niên là bạn của ông anh họ hất cả bình rượu vào mặt Hào rồi lao vào cậu đấm đá cho rằng Hào đi làm ở thành phố về nên chảnh, khinh người.
Đôi khi Hào cũng muốn uống một vài chén với anh em cho có không khí nhưng đã uống thì rất khó ngưng, mọi người thường ép nhau uống đến độ ộc ra rồi uống tiếp. Ở thành phố cũng hay bị ép uống, về quê nhìn những can rượu hàng chục lít, nhìn vỏ lon bia nằm lê liệt là Hào thấy rùng mình.
"Nam không tha, nữ không buông", đến các bạn nữ cũng là nạn nhân bị ép uống. Lê Thu Anh, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho hay, những ngày Tết cô đi ăn uống ở đâu mà rót nước ngọt là bị cho ra rìa, bắt đổi sang bị rượu bằng được.
Nhất là đi họp lớp, gặp bạn cũ... thì hò nhau ép uống, các bạn trai ra sức đả kích, ép uống các bạn nữ. Hay các bạn nữ ham vui, có tửu lượng tốt cũng ra sức kéo bè kéo cánh để ép các bạn nữ khác phải uống.
“Có những bạn nữ từ chối không được, uống xong nằm nôn thốc nôn tháo, nằm vật người ra. Tình cảm đâu mà chẳng thấy trò chuyện, chia sẻ, kết nối... chỉ thấy dô và dô. Chúng ta đang yêu bia rượu hơn yêu nhau”, Hoài nói.
Khi uống và ép mọi người uống, người ta đã bất chấp bao nhiêu hậu quả do bia rượu chỉ đường dẫn lối như đánh nhau, tai nạn giao thông... mà nhiều người phải trả giá bằng cả mạng sống.
Người Việt tiêu thụ bia rượu ở mức độ cao, cùng với đó số người chết, thương tích trong ngày tết vì tai nạn, vì ẩu đả... cũng đua theo bia một cách ê chề và xấu hổ. Trong đó, chắc chắn không ít thanh niên đang trong độ tuổi lao động.
Tác giả bài viết: Lê Đăng Đạt
Nguồn tin: