Dự án thủy điện Suối Choang vẫn đang dang dở sau hơn 10 năm khởi công xây dựng. Ảnh: Nhật Lân/Báo Nghệ An |
Ngày 22/2/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông đã có thông báo số 76-TB/HU thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Huyện uỷ về Dự án thuỷ điện Suối Choang.
Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông, ngày 19/2/2021, cơ quan này nhận được văn bản số 124/UBND-TN ngày 19/2/2021 của UBND huyện về việc báo cáo tình hình thực hiện Dự án thủy điện Suối Choang tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Qua xem xét, Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông đã thống nhất với đề xuất của UBND huyện về thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Trước đó, UBND huyện Con Cuông đã có văn bản 124/UBND-TN gửi đến Ban Thường vụ Huyện ủy, theo văn bản, dự án thủy điện Suối Choang được khởi công từ tháng 10/2009, đến năm 2017 được UBND tỉnh gia hạn để tiếp tục thực hiện, đến tháng 11/2017, dự án tiếp tục được thi công. Đến nay, đã hoàn thành về cơ bản phần xây dựng, đang tiến hành hoàn thiện phần nhà máy và lắp máy.
Dự án này được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ĐTM tại quyết định 4915/QĐ-UBND.ĐC ngày 29/9/2009. Tuy nhiên, qua làm việc với chủ đầu tư, kiểm tra thực địa của cơ quan chuyên môn, đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư mới cung cấp cho UBND huyện nội dung ĐTM và chấp hành chưa đầy đủ các nội dung ĐTM đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.
Theo UBND huyện Con Cuông, dự án đã kéo dài từ năm 2009 đến nay, nhân sự quản lý thay đổi; các văn bản về quản lý bảo vệ môi trường có nhiều thay đổi; khu vực quy hoạch xây dựng thủy điện có diện tích rừng tự nhiên. Chủ đầu tư có cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường và các yêu cầu của quyết định 4915/QĐ-UBND.ĐC ngày 29/9/2009 khi đưa dự án vào vận hành thử nghiệm.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm ở dự án thủy điện Chi Khê, ĐTM dự án thủy điện Suối Choang được phê duyệt từ lâu, khu vực quy hoạch thực hiện dự án có diện tích rừng tự nhiên, theo đó, UBND huyện Con Cuông đã đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông cho ý kiến chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện.
Được biết, Dự án thủy điện Suối Choang được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Đầu tư và phát triển điện MECO vào ngày 7/4/2009. Dự án có quy mô công trình cấp IV, công suất lắp máy 4MW, với tổng mức đầu ban đầu hơn 74,5 tỷ đồng. Theo Giấy chứng nhận đầu tư, dự án sẽ được thực hiện trong 2 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư, tuy nhiên, sau hơn 10 năm được khởi công xây dựng dự án đến nay vẫn còn dang dở.
Chủ đầu tư là ai?
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Đầu tư và phát triển điện MECO được thành lập năm 2008, do ông Nguyễn Ngọc Bình (SN 1957 – Hà Nội) làm người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT.
Ban đầu, Công ty này có vốn điều lệ gần 44 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập gồm: CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MECO JSC) nắm giữ 89% cổ phần; ông Nguyễn Ngọc Bình nắm giữ 8,67% và số cổ phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Bình Dương. Đến ngày 8/12/2017, công ty này có thay đổi lớn về số cổ phần, khi ông Nguyễn Ngọc Bình trở thành cổ đông chi phối với 60%, MECO JSC chỉ còn lại 5%.
Được biết, MECO JSC được thành lập ngày 30/11/2005, có cùng địa chỉ với CTCP đầu tư và phát triển điện MECO, công ty này cũng do ông Nguyễn Ngọc Bình làm Chủ tịch HĐQT.
MECO JSC là chủ của nhiều công trình thuỷ điện như: Nhà máy thuỷ điện Văn Chấn (57MW) ở Yên Bái, Dự án thuỷ điện Nậm Hoá 1, 2 ở tỉnh Sơn La, Dự án thuỷ điện Khánh Khê (57MW) ở tỉnh Lạng Sơn… và hàng loạt dự án bất động sản như: Khu đô thị Long Hưng 92,5ha (1.500 tỷ đồng) ở tỉnh Hưng Yên, Khu đô thị MECO CITY 14ha ở quận Từ Liêm – Hà Nội, Khu Nhà ở cao tầng và văn phòng 102 Trường Chinh hơn 21.000m2 (800 tỷ đồng) ở quận Đống Đa – Hà Nội…
Năm 2020, MECO JSC đạt doanh thu 125 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1,2 tỷ đồng, đẩy lỗ luỹ kế tới cuối năm lên tới 326 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ ở mức 575 tỷ đồng. Hoạt động thua lỗ trong nhiều năm khiến cổ phiếu MCG của MECO JSC hiện chỉ được giao dịch quanh mức 2.500 đồng/CP.
Tác giả: VĂN DŨNG
Nguồn tin: nhadautu.vn