Hương ước truyền miệng
Chúng tôi gặp ông Vi Dương Cảnh trong lúc vị cựu chiến binh này đang cuốc bộ dọc con đường mòn bao quanh cánh rừng săng lẻ ở bản Quang Thịnh (xã Tam Đình, huyện Tương Dương). Người đàn ông 62 tuổi thoăn thoắt bước qua những mỏm đá, ánh mắt hướng vào cánh rừng như đang đếm từng gốc cây.
Ông Cảnh hiện là 1 trong 11 hộ dân được giao bảo vệ rừng săng lẻ, mặc dù cánh rừng này do Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương quản lý hơn 20 năm nay.
“Một mình kiểm lâm giữ rất khó, phải có dân bản cùng tham gia. 11 hộ luân phiên, mỗi ngày 2 người có nhiệm vụ tuần tra. Nếu phát hiện điều gì bất thường sẽ trình báo ngay cho lực lượng kiểm lâm”, ông Cảnh nói và cho biết thêm, tổ bảo vệ rừng này được thành lập từ năm 2016, lựa chọn từ những người uy tín, có tâm huyết với rừng nhất ở bản Quang Thịnh.
Không chỉ với rừng săng lẻ, họ còn có nhiệm vụ bảo vệ hơn 170 ha vùng đệm của cánh rừng mà họ vẫn gọi là “rừng cấm” này.
Riêng cánh rừng săng lẻ hơn 70 ha nhiều năm nay không chỉ trở thành biểu tượng du lịch của huyện Tương Dương, mà còn là đại diện cho tinh thần, ý chí giữ rừng không biết mệt mỏi của bản làng người Thái ở đây.
“Bây giờ nó chuẩn bị trở thành khu du lịch sinh thái rồi. Nhưng ít ai biết rằng, để giữ được nó đối với người dân là cả một cuộc chiến dai dẳng với lâm tặc”, ông Cảnh kể. Ngôi nhà ông Cảnh nằm ngay sát Quốc lộ 7, sát sau nhà là những cây săng lẻ cổ thụ cao chót vót.
Nói về công lao giữ cánh rừng này, người ta thường hay nhắc đến cụ Vi Chính Nghĩa - nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Cụ Nghĩa vừa mất cách đây 2 năm ở tuổi 87. Tuy nhiên, ông Cảnh và các bậc cao niên ở đây cho biết, cụ Nghĩa chỉ là một trong những người con của bản Quang Thịnh tiếp nối truyền thống giữ rừng săng lẻ đã có từ nhiều đời nay.
“Cụ Nghĩa là chú ruột của tôi. Trước khi cụ lập chòi giữa rừng để quản lý, bản này cũng đã có hương ước bảo vệ nó. Chúng tôi xem đó như rừng cấm, rừng thiêng vậy”, ông Cảnh nói.
Theo ông Vi Võ Tuấn - Trưởng bản Quang Thịnh, trước đây xung quanh khu vực này có rất nhiều săng lẻ, mọc chủ yếu thưa thớt, sau đó bị dân làng đốn hạ để lấy đất làm rẫy, dựng nhà.
“Chỉ riêng cánh rừng hiện tại là đặc biệt, vì nó mọc dày đặc, san sát nên cây cao chót vót, thẳng tắp, nhìn rất đẹp. Ở đây vốn được xem là “chảo lửa Đông Dương” vì nắng nóng cao điểm vào mùa hè, nhưng cứ vào rừng là khí hậu lại mát rười rượi. Vì thế nên từ xa xưa, cha ông chúng tôi đã có hương ước truyền miệng phải giữ được cánh rừng”, ông Tuấn nói.
Theo kiểm đếm hiện nay, mỗi ha có đến 240.000 cây săng lẻ loại lớn. Cánh rừng hơn 70ha tương đương gần 17 triệu cây chen chúc nhau, mỗi cây cao từ 30 - 40m. Có những cây, 3 người ôm không xuể. “Bây giờ mới làm con đường tuần tra bao bọc cánh rừng, còn trước đây ranh giới của nó là các khe suối.
Dân ở đây muốn làm nhà cũng không ai dám vào cánh rừng đó để chặt mà chấp nhận đi xa. Ai cũng ý thức được lời răn dạy của người đi trước. Vả lại, vào rừng chặt cây nếu bị dân làng phát hiện sẽ bị phạt rất nặng”, ông Tuấn nói thêm.
“Hộ vệ” của rừng
Năm 1964, “báu vật” của người dân bản Quang Thịnh đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Lúc này, Lâm trường Tương Dương xin UBND tỉnh Nghệ An khai thác rừng săng lẻ. Lập tức, Vi Chính Nghĩa, một người con của bản đang làm Bí thư Huyện ủy gửi đơn xin giữ lại cánh rừng này và được tỉnh chấp thuận.
Đến năm 1989, bản Quang Thịnh chính thức có hương ước bằng văn bản với những điều cấm để bảo vệ cánh rừng. Theo đó, người dân trong bản không được chặt hạ săng lẻ với bất kỳ lý do nào, không được chăn thả gia súc vào rừng.
“Nếu muốn đốn gỗ làm nhà, người dân phải trình qua bản xem xét. Rồi bản sẽ chỉ định chặt bao nhiêu gỗ, chặt ở cánh rừng nào thì mới được chặt. Ngoại trừ rừng săng lẻ hiện nay thì không được đụng vào”, ông Vi Dương Cảnh nói. Ngoài ra, người dân trong bản cũng có trách nhiệm thường xuyên tổ chức vào rừng dọn dẹp, phát quang những cây dây leo bám vào săng lẻ.
Ông Cảnh cho hay, có lần một người dân trong bản trong lúc thiếu gỗ làm nhà, đã lén lút vào rừng chặt một cây săng lẻ kéo về. Vụ việc bị dân làng phát giác, hộ này sau đó phải bán trâu để nộp phạt.
Hương ước đã bảo vệ được cánh rừng không bị dân làng chặt hạ làm nhà, lấy đất làm rẫy, lâm trường cũng không thể khai thác vì tỉnh đã cho phép huyện giữ lại. Nhưng với lâm tặc từ địa phương khác, cánh rừng săng lẻ như một “miếng mồi ngon”.
Quốc lộ 7 chạy xuyên qua cánh rừng hơn 1km, chỉ cần ít phút, lâm tặc có thể đốn hạ những cây cổ thụ ven đường chất lên xe, “cao chạy xa bay”. Căng thẳng nhất là giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà hầu hết cánh rừng xung quanh đã bị tàn phá thành những đồi trọc thì rừng săng lẻ là nỗi thèm khát của biết bao lâm tặc.
Khu rừng lúc này đã thuộc sự quản lý của Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương. Trước sự nhòm ngó của lâm tặc, Hạt quyết định giao ông Cảnh làm chòi giữa rừng để bảo vệ. “Tôi vào đó bảo vệ nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng lâm tặc lén lút chặt phá còn xảy ra”, ông Vi Dương Cảnh nhớ lại. Hạt Kiểm lâm huyện sau đó phải “cầu viện” cụ Vi Chính Nghĩa. Lúc này cụ Nghĩa đã nghỉ hưu, về quê ở bản Quang Thịnh sinh sống.
“Cụ Nghĩa sau đó xin huyện một khoảng đất nhỏ giữa rừng săng lẻ, cạnh Quốc lộ 7 để dựng chòi canh, đưa luôn cả vợ ra đó sinh sống. Cụ rất khỏe, ngày nào cũng cuốc bộ trong rừng để tuần tra. Là người rất có uy tín ở địa phương, thời gian đầu có một vài trường hợp vi phạm bị cụ phát hiện trình báo cho kiểm lâm xử phạt rất nặng nên lâm tặc dường như “khiếp vía” cụ, không dám bén mảng tới khu rừng”, ông Cảnh nhớ lại.
Từ đó đến nay, cánh rừng săng lẻ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Năm 2008, lúc này cụ Nghĩa đã “chùn chân, mỏi gối”, khó khăn trong việc tuần tra nên cụ xin nghỉ, giao việc bảo vệ rừng cho một người khác uy tín trong bản.
Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho cụ Vi Chính Nghĩa.
Trưởng bản Quang Thịnh cho hay, sau khi cụ Nghĩa mất, ngôi nhà giữa rừng của vợ chồng cụ vẫn được giữ nguyên mặc dù không có ai ở. Nhớ đến công lao của cụ, dân làng vẫn thường xuyên tới đây lo hương khói.
Năm 2007, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư 70, hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn. Thông tư này áp dụng với các cộng đồng cư trú trong rừng hoặc gần rừng với mục đích thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng. Huy động nguồn nhân lực cộng đồng dân cư bằng việc kết hợp giữa truyền thống của cộng đồng với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kế thừa, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.
Chúng tôi gặp ông Vi Dương Cảnh trong lúc vị cựu chiến binh này đang cuốc bộ dọc con đường mòn bao quanh cánh rừng săng lẻ ở bản Quang Thịnh (xã Tam Đình, huyện Tương Dương). Người đàn ông 62 tuổi thoăn thoắt bước qua những mỏm đá, ánh mắt hướng vào cánh rừng như đang đếm từng gốc cây.
Ông Cảnh hiện là 1 trong 11 hộ dân được giao bảo vệ rừng săng lẻ, mặc dù cánh rừng này do Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương quản lý hơn 20 năm nay.
“Một mình kiểm lâm giữ rất khó, phải có dân bản cùng tham gia. 11 hộ luân phiên, mỗi ngày 2 người có nhiệm vụ tuần tra. Nếu phát hiện điều gì bất thường sẽ trình báo ngay cho lực lượng kiểm lâm”, ông Cảnh nói và cho biết thêm, tổ bảo vệ rừng này được thành lập từ năm 2016, lựa chọn từ những người uy tín, có tâm huyết với rừng nhất ở bản Quang Thịnh.
Không chỉ với rừng săng lẻ, họ còn có nhiệm vụ bảo vệ hơn 170 ha vùng đệm của cánh rừng mà họ vẫn gọi là “rừng cấm” này.
Riêng cánh rừng săng lẻ hơn 70 ha nhiều năm nay không chỉ trở thành biểu tượng du lịch của huyện Tương Dương, mà còn là đại diện cho tinh thần, ý chí giữ rừng không biết mệt mỏi của bản làng người Thái ở đây.
“Bây giờ nó chuẩn bị trở thành khu du lịch sinh thái rồi. Nhưng ít ai biết rằng, để giữ được nó đối với người dân là cả một cuộc chiến dai dẳng với lâm tặc”, ông Cảnh kể. Ngôi nhà ông Cảnh nằm ngay sát Quốc lộ 7, sát sau nhà là những cây săng lẻ cổ thụ cao chót vót.
Nói về công lao giữ cánh rừng này, người ta thường hay nhắc đến cụ Vi Chính Nghĩa - nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Cụ Nghĩa vừa mất cách đây 2 năm ở tuổi 87. Tuy nhiên, ông Cảnh và các bậc cao niên ở đây cho biết, cụ Nghĩa chỉ là một trong những người con của bản Quang Thịnh tiếp nối truyền thống giữ rừng săng lẻ đã có từ nhiều đời nay.
“Cụ Nghĩa là chú ruột của tôi. Trước khi cụ lập chòi giữa rừng để quản lý, bản này cũng đã có hương ước bảo vệ nó. Chúng tôi xem đó như rừng cấm, rừng thiêng vậy”, ông Cảnh nói.
Theo ông Vi Võ Tuấn - Trưởng bản Quang Thịnh, trước đây xung quanh khu vực này có rất nhiều săng lẻ, mọc chủ yếu thưa thớt, sau đó bị dân làng đốn hạ để lấy đất làm rẫy, dựng nhà.
“Chỉ riêng cánh rừng hiện tại là đặc biệt, vì nó mọc dày đặc, san sát nên cây cao chót vót, thẳng tắp, nhìn rất đẹp. Ở đây vốn được xem là “chảo lửa Đông Dương” vì nắng nóng cao điểm vào mùa hè, nhưng cứ vào rừng là khí hậu lại mát rười rượi. Vì thế nên từ xa xưa, cha ông chúng tôi đã có hương ước truyền miệng phải giữ được cánh rừng”, ông Tuấn nói.
Theo kiểm đếm hiện nay, mỗi ha có đến 240.000 cây săng lẻ loại lớn. Cánh rừng hơn 70ha tương đương gần 17 triệu cây chen chúc nhau, mỗi cây cao từ 30 - 40m. Có những cây, 3 người ôm không xuể. “Bây giờ mới làm con đường tuần tra bao bọc cánh rừng, còn trước đây ranh giới của nó là các khe suối.
Dân ở đây muốn làm nhà cũng không ai dám vào cánh rừng đó để chặt mà chấp nhận đi xa. Ai cũng ý thức được lời răn dạy của người đi trước. Vả lại, vào rừng chặt cây nếu bị dân làng phát hiện sẽ bị phạt rất nặng”, ông Tuấn nói thêm.
“Hộ vệ” của rừng
Năm 1964, “báu vật” của người dân bản Quang Thịnh đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Lúc này, Lâm trường Tương Dương xin UBND tỉnh Nghệ An khai thác rừng săng lẻ. Lập tức, Vi Chính Nghĩa, một người con của bản đang làm Bí thư Huyện ủy gửi đơn xin giữ lại cánh rừng này và được tỉnh chấp thuận.
Đến năm 1989, bản Quang Thịnh chính thức có hương ước bằng văn bản với những điều cấm để bảo vệ cánh rừng. Theo đó, người dân trong bản không được chặt hạ săng lẻ với bất kỳ lý do nào, không được chăn thả gia súc vào rừng.
“Nếu muốn đốn gỗ làm nhà, người dân phải trình qua bản xem xét. Rồi bản sẽ chỉ định chặt bao nhiêu gỗ, chặt ở cánh rừng nào thì mới được chặt. Ngoại trừ rừng săng lẻ hiện nay thì không được đụng vào”, ông Vi Dương Cảnh nói. Ngoài ra, người dân trong bản cũng có trách nhiệm thường xuyên tổ chức vào rừng dọn dẹp, phát quang những cây dây leo bám vào săng lẻ.
Ông Cảnh cho hay, có lần một người dân trong bản trong lúc thiếu gỗ làm nhà, đã lén lút vào rừng chặt một cây săng lẻ kéo về. Vụ việc bị dân làng phát giác, hộ này sau đó phải bán trâu để nộp phạt.
Hương ước đã bảo vệ được cánh rừng không bị dân làng chặt hạ làm nhà, lấy đất làm rẫy, lâm trường cũng không thể khai thác vì tỉnh đã cho phép huyện giữ lại. Nhưng với lâm tặc từ địa phương khác, cánh rừng săng lẻ như một “miếng mồi ngon”.
Quốc lộ 7 chạy xuyên qua cánh rừng hơn 1km, chỉ cần ít phút, lâm tặc có thể đốn hạ những cây cổ thụ ven đường chất lên xe, “cao chạy xa bay”. Căng thẳng nhất là giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà hầu hết cánh rừng xung quanh đã bị tàn phá thành những đồi trọc thì rừng săng lẻ là nỗi thèm khát của biết bao lâm tặc.
Khu rừng lúc này đã thuộc sự quản lý của Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương. Trước sự nhòm ngó của lâm tặc, Hạt quyết định giao ông Cảnh làm chòi giữa rừng để bảo vệ. “Tôi vào đó bảo vệ nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng lâm tặc lén lút chặt phá còn xảy ra”, ông Vi Dương Cảnh nhớ lại. Hạt Kiểm lâm huyện sau đó phải “cầu viện” cụ Vi Chính Nghĩa. Lúc này cụ Nghĩa đã nghỉ hưu, về quê ở bản Quang Thịnh sinh sống.
“Cụ Nghĩa sau đó xin huyện một khoảng đất nhỏ giữa rừng săng lẻ, cạnh Quốc lộ 7 để dựng chòi canh, đưa luôn cả vợ ra đó sinh sống. Cụ rất khỏe, ngày nào cũng cuốc bộ trong rừng để tuần tra. Là người rất có uy tín ở địa phương, thời gian đầu có một vài trường hợp vi phạm bị cụ phát hiện trình báo cho kiểm lâm xử phạt rất nặng nên lâm tặc dường như “khiếp vía” cụ, không dám bén mảng tới khu rừng”, ông Cảnh nhớ lại.
Từ đó đến nay, cánh rừng săng lẻ dường như vẫn còn nguyên vẹn. Năm 2008, lúc này cụ Nghĩa đã “chùn chân, mỏi gối”, khó khăn trong việc tuần tra nên cụ xin nghỉ, giao việc bảo vệ rừng cho một người khác uy tín trong bản.
Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho cụ Vi Chính Nghĩa.
Trưởng bản Quang Thịnh cho hay, sau khi cụ Nghĩa mất, ngôi nhà giữa rừng của vợ chồng cụ vẫn được giữ nguyên mặc dù không có ai ở. Nhớ đến công lao của cụ, dân làng vẫn thường xuyên tới đây lo hương khói.
Năm 2007, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư 70, hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn. Thông tư này áp dụng với các cộng đồng cư trú trong rừng hoặc gần rừng với mục đích thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng. Huy động nguồn nhân lực cộng đồng dân cư bằng việc kết hợp giữa truyền thống của cộng đồng với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kế thừa, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.
Tác giả: Tiến Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Nguồn tin: Báo Nghệ An