Thông tin này được ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp cho biết tại họp báo thường kỳ quý 4/2018 của Bộ Tư pháp sáng nay.
Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp |
Chưa rõ đúng sai
Theo ông Ba, liên quan đến việc cấm ghi âm, ghi hình quy định trong nội quy tại trụ sở tiếp công dân ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội khi thông tin báo chí phản ánh, Bộ Tư pháp đã vào cuộc xem xét.
"Việc các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp ban hành các nội quy tại trụ sở tiếp công dân là việc thực hiện quy định thẩm quyền trách nhiệm. Ví dụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, quy định tại khoản 6 điều 12 của luật Tiếp công dân", ông Ba nói.
Với trường hợp của UBND TP Hà Nội, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba cho hay, trong quá trình xem xét Cục có rà soát tổng thể. Hiện nay, cấp tỉnh có 62/63 địa phương ban hành nội quy tiếp công dân.
"Nhưng nội quy quy định không ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người tiếp công dân thì chỉ có một số cơ quan. Có một số bộ và 28 địa phương ban hành quy định này, tuy cách thể hiện có sự khác nhau về câu chữ, nhưng đại ý người dân không quay phim, chụp ảnh khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân", ông Ba thông tin.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết thêm, quy định này được các nơi ban hành rải rác các năm, Hà Nội mới ban hành, còn các địa phương khác có nơi ban hành từ lâu.
"Tức là quy định này đã thực hiện từ nhiều năm, nhưng gần đây dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều sau văn bản của Hà Nội", ông Ba cho biết, khi xem xét về nội dung và thẩm quyền, việc Chủ tịch Hà Nội ban hành nội quy như vậy là thuộc thẩm quyền được giao.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật giải thích thêm, luật Tiếp công dân không quy định cụ thể, không có việc cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm…
"Về văn bản của Hà Nội không quy định cấm, nhưng yêu cầu khi công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải được sự đồng ý của người tiếp công dân", ông Ba cho rằng, các luật liên quan cũng không quy định cụ thể, giới hạn nội dung quy định tiếp công dân.
Thanh tra Chính phủ cần rà soát
Theo ông Ba, quy định nội quy tiếp dân không thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật mà được ban hành theo thể thức hành chính.
"Vì vậy việc xem xét tính pháp lý, có phù hợp hay không, trước hết thuộc chính trách nhiệm của cơ quan ban hành nội quy, và có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ - cơ quan được Chính phủ giao tham mưu phụ trách việc tiếp công dân", ông Ba cho biết.
Còn Cục kiểm tra văn bản được giao hậu kiểm các văn bản của các bộ, tỉnh. Ở đâu có quy phạm pháp luật được quy định trong luật Văn bản quy phạm pháp luật, do các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chính quyền các tỉnh hay những người không có thẩm quyền mà lại ban hành thì cục sẽ xem xét, phân xử tính đúng sai của văn bản.
"Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm của một cơ quan nhà nước trước vấn đề được người dân quan tâm, chúng tôi đã vào cuộc xem xét. Chúng tôi khuyến nghị trực tiếp với các đơn vị chức năng trong việc xem xét, rà soát kỹ quá trình thực hiện quy định này để có giải pháp cho phù hợp về tính pháp lý, hợp lý, sự chặt chẽ để đảm bảo thực thi vì chỉ có một số tỉnh có quy định này", ông Ba nói.
Ông Ba cho rằng, Thanh tra Chính phủ cũng cần có rà soát báo cáo Thủ tướng để có giải pháp phù hợp, làm sao bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tại trụ sở, cũng như đảm bảo tính tôn nghiêm, văn minh trong phòng tiếp công dân.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet