Cuộc sống

Khoai tây mua về đừng để trong túi nilon, đây mới là chỗ bảo quản khoai 'bao tươi', tránh mọc mầm

Làm thế nào để bảo quản khoai tây đúng cách là thắc mắc của nhiều người. Nếu bảo quản sai, khoai tây có thể bị hỏng và mọc mầm lúc nào không biết.

Mới đây, Stephanie Booth Home, một người ảnh hưởng trên TikTok, đã tiết lộ một mẹo để giữ khoai tây "tươi lâu hơn rất nhiều" so với thời gian bảo quản thông thường.

Chỗ bảo quản khoai tây tốt nhất

Khoai tây có thể nảy mầm trong vòng một tuần nếu bạn để chúng trong túi nilon.

"Đừng để khoai tây trong túi nilon", Stephanie khuyên. "Túi nilon khiến độ ẩm mắc kẹt bên trong và độ ẩm khiến khoai tây mọc mầm".

Không nên bảo quản khoai tây trong túi nilon.

Bảo quản khoai tây đúng cách nghĩa là đảm bảo có "không khí lưu thông tốt" để ngăn ngừa khoai bị thối, mọc mầm.

Stephanie khuyên mọi người nên bảo quản khoai tây trong một chiếc giỏ mây tre để không khí lưu thông tốt.

Nên bảo quản khoai tây trong giỏ thoáng mát.

Ngoài giỏ mây tre, bạn cũng có thể dùng túi giấy (mở miệng) hoặc túi lưới. Điều quan trọng là không khí lưu thông sẽ giúp ngăn khoai tây mọc mầm sớm.

Các mẹo bảo quản khoai tây khác

Ngoài ra, bạn cần lưu ý bảo quản khoai tây trong bóng tối, tránh xa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Stephanie cho biết việc tiếp xúc với ánh sáng khuyến khích sản xuất chất diệp lục, chất này khiến khoai tây có màu xanh.

Bên cạnh đó, Stephanie nhắn nhủ đừng bảo quản khoai tây này trong tủ lạnh. "Nó khiến tinh bột biến thành đường khử", cô nói.

Cuối cùng, Stephanie khuyến cáo không được để khoai tây gần tỏi, hành và hẹ tây hoặc bất kỳ loại trái cây và rau quả nào khác thải ra khí ethylene. Bảo quản khoai tây cạnh các loại trái cây và rau quả giải phóng khí ethylene sẽ khiến khoai tây bị hỏng sớm hơn nhiều.

"Và một mẹo cuối cùng", Stephanie nói. "Đừng để khoai tây gần bếp. Khu vực đó rất nóng".

Tóm lại, dưới đây là những mẹo bảo quản khoai tây của Stephanie:

- Sử dụng một chiếc giỏ mây tre

- Đặt giỏ ở nơi tối, thoáng mát

- Đảm bảo không đặt gần bếp.

Stephanie nói thêm: "Tôi hy vọng những lời khuyên này có ích".

Nhiều người dùng TikTok cảm ơn Stephanie vì những lời khuyên hữu ích của cô.

Black Crown viết: "Chà. Tôi đã học được rất nhiều điều. Cảm ơn bạn".

Cynthia Maasch bình luận: "Điều đó giải thích tại sao khoai tây của tôi bị hỏng. Tôi đã để chúng trong túi".

Mary Anne Demo viết: "Thích những nội dung như thế này, lẽ ra tôi phải biết điều này rồi. Cảm ơn bạn đã chia sẻ!".

Khoai tây mọc mầm ăn được không?

Theo chuyên trang y tế Healthline, khoai tây chứa solanine và chaconine - hai hợp chất glycoalkaloid được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác, bao gồm cà tím và cà chua.

Với một lượng nhỏ, glycoalkaloid có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, bao gồm đặc tính kháng sinh và tác dụng giảm lượng đường trong máu và giảm cholesterol. Tuy nhiên, hợp chất này có thể trở nên độc hại khi ăn quá nhiều.

Khi khoai tây mọc mầm, hàm lượng glycoalkaloid của nó bắt đầu tăng lên. Do đó, ăn khoai tây mọc mầm có thể khiến bạn tiêu thụ quá nhiều hợp chất này. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài giờ cho đến 1 ngày sau khi ăn khoai tây mọc mầm.

Với liều thấp, tiêu thụ quá nhiều glycoalkaloid thường dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Khi tiêu thụ với số lượng lớn hơn, điều này thể gây ra huyết áp thấp, mạch nhanh, sốt, nhức đầu, lú lẫn và trong một số trường hợp là tử vong.

(Theo Express, Healthline)

Tác giả: Trà My

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP