Theo truyền lại thì thần Long Sơn Thủy Quốc vốn là công chúa của Long Vương, đã có công giúp dân cầu mưa, trừ hạn, do chống lại phép của Thiên đình nên đã bị trời trừng phạt. Bởi có ơn cứu độ nên khi ngài chết được bà con trong vùng chôn cất và cúng bái tử tế, lập đền thờ ngay chính đỉnh núi, nơi cao nhất mà khắp vùng đều thấy được để thờ tự. Đây là một trong những nơi hiếm hoi trên khắp cả nước thờ tụng con gái Long Vương.
Du khách đi trên Quốc lộ 7A qua địa phận xã Công Thành, huyện Yên Thành nhìn xuống phía Nam sẽ thấy một ngôi đền uy nghi trên đỉnh núi.
Trải qua nhiều triều đại, nhận thấy sự linh thiêng của ngôi đền, các vua chúa đã nhiều lần phong sắc cho thần Cao Sơn Cao Các. Đời vua Vĩnh Khánh năm thứ hai (1730) vào đã phong đạo sắc Long Sơn Thủy Quốc. Đến đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), nhà vua cũng phong sắc Long Sơn Thủy Quốc. Về sau, các triều vua nhà Nguyễn cũng nhiều lần phong các đạo sắc với danh thần như trên.
Sau nhiều biến loạn đền có hư hại đi nhiều nhưng vẫn giữ nguyên di tích của ngôi miếu cổ được xây bằng sò, mạch vôi rộng khoảng 20m2, cao 4m. Ngày nay đền đã được phục dựng và được xếp hạng là di tích lịch sử.
Dân cư vùng này ở đây có câu: Nhất Tù Và, nhì Đình Đông, ba Liên Trì. Trong câu nói này thì Tù Và nói đến đền Long Sơn Thủy Quốc, Đình Đông là một công trình đình - đền bái vọng đền Cờn, Liên Trì chỉ ngôi đình thờ Uy Linh Vương là người được thờ ở đền Qủa Sơn. Đền Cờn và đền Qủa Sơn là hai ngôi đền được cho thiêng nhất xứ Nghệ.
Hội đền hàng năm được tổ chức vào thượng tuần tháng 3 âm lịch, chính lễ là ngày mồng 10 trùng với giỗ tổ Hùng vương.
Ngày nay, nhân dân đã ít tin vào chuyện quỷ thần nên lễ hội đền Long Sơn Thủy Quốc được lưu dữ như một nét đẹp văn hóa, gợi nhắc con người nhớ về một thuở khó khăn. Khách hành hương đến đền là để chiêm bái, ngoạn cảnh và có những phút giây thư thái chìm trong mây trời thoát khỏi sự ồn ào cuộc sống.
Một số hình ảnh do phóng viên phuongnamplus.vn.vn ghi lại:
Tác giả bài viết: Nguyễn Cường/Theo Phuongnamplus