Đối diện với suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử
Ngày 12/4, Bộ tài chính Sri Lanka tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD và đang chờ gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cơ quan này nói thêm, tuyên bố vỡ nợ là để đảm bảo "đối xử công bằng và bình đẳng với tất cả các chủ nợ" trước khi IMF cung cấp chương trình hỗ trợ cho quốc gia thuộc khu vực Nam Á này.
Sri Lanka đang đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử (Ảnh: India Times). |
Được biết, Đảo quốc Ấn Độ Dương này đang vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập. Chính phủ Sri Lanka hiện không còn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện trên diện rộng đã xảy ra suốt thời gian dài.
Ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, các nguồn cung cấp thiết yếu khác, điều này khiến khách du lịch nháo nhào tìm đường rời khỏi đảo quốc xinh đẹp này.
Du lịch vốn là một trong những ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế Sri Lanka, nhưng đang ở giai đoạn dễ bị tổn thương hậu Covid-19. Nền du lịch quốc gia này vừa hồi sinh, nhưng lại bị cuộc khủng hoảng kinh tế làm suy yếu thêm, khiến đất nước chìm trong "núi nợ".
Khách quốc tế nháo nhào hủy tour, tìm đường hồi hương
Sharry và Anita là hai vị khách người Anh đang nghỉ tại một khách sạn 4 sao ở thủ đô Colombo. Nhưng trước tình hình này, cả hai quyết định hủy kỳ nghỉ giữa chừng và tìm cách quay về quê nhà ở London.
"Biểu tình khắp nơi vì thiếu nhiên liệu còn chúng tôi không biết phải làm gì nên sẽ về thôi", Sharry nói.
Vị khách này cũng chia sẻ thêm về trải nghiệm đáng nhớ khi tới đây. "Khi hạ cánh xuống sân bay, chúng tôi đi tàu về khách sạn. Nhưng tàu mới đi được nửa đường thì phải dừng vì cắt điện hơn 4 tiếng. Gia đình ở London cũng lo lắng", Anita cho biết thêm.
Du lịch vốn là một trong những ngành thế mạnh của quốc gia này (Ảnh: Travel). |
Trong khi đó, Ishara, quản lý một khách sạn 4 sao ở Colombo, cho biết, hiện khách sạn không còn vị khách quốc tế nào. Vốn khách sạn có 90 phòng, thì chỉ 30 phòng có người và đều là khách nội địa. Trước đó, các phòng được đặt kín chỗ nhưng đều bị hủy.
Được biết, việc cắt điện 10 - 12 tiếng mỗi ngày tại quốc gia này khiến nhiều nhà hàng, khách sạn phải dùng máy phát điện. Nhưng họ khó lòng duy trì phương án này lâu dài bởi nguồn nguyên liệu đang cạn dần.
"Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ xuất hiện cuộc khủng hoảng việc làm trong ngành khách sạn, du lịch. Các phòng ốc của chúng tôi đều đã bị hủy. Điều tồi tệ nhất là thời gian tới khách sẽ không đến dù hiện đang là mùa làm ăn cao điểm", CEO một khách sạn cao cấp tại thủ đô Colombo, cho biết.
Hành khách tại một sân bay ở Sri Lanka (Ảnh: News). |
Tuy nhiên, vẫn có những du khách quyết định ghé thăm Sri Lanka thời điểm này. Emma Boyle, du khách người Anh là một trong số đó. Cô nắm được tình hình hiện tại, biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng vẫn tới. Emma tiết lộ, khách sạn nơi cô cư trú vẫn hoạt động bình thường, phục vụ bữa sáng với các loại bánh ngọt cùng một số đặc sản địa phương. Nhưng những món nhập khẩu như phô mai, rượu, được xếp vào hàng khan hiếm.
Khi các cuộc biểu tình đang diễn ra rầm rộ, hai vị khách khác là Andy và Edward lại tìm đường về những nơi yên tĩnh hơn tại thị trấn Nilaveli. Họ được người dân địa phương chào đón nhiệt tình.
Được biết, ngành du lịch và khách sạn đóng góp 12% tổng GDP của Sri Lanka. Năm 2019, đóng góp du lịch và lữ hành vào tổng GDP nước này lên tới 12,6%. Con số này tăng từ mức 6% trong năm 2000. Đây là nguồn thu nước ngoài lớn thứ 5 tại quốc gia vùng Nam Á này.
Chỉ vài tháng trước, ngành du lịch tại đây hứa hẹn "hồi sinh" hậu Covid-19. Các nhà điều hành tour nhận định lượng phòng đặt tăng cao vào mùa cao điểm. Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ tháng 3 khi các cuộc biểu tình liên quan tới khủng hoảng kinh tế diễn ra và trở nên cao trào kể từ tháng 4.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí