Giáo dục

Huy động xã hội hóa trong trường học kiểu 'nhất bên trọng, nhất bên khinh'

Học sinh ngoài phường phải đóng góp xã hội hóa cao hơn học sinh trong phường. Vị hiệu trưởng nhà trường lý giải, đó là do hội phụ huynh thực hiện.

Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Thanh Hóa.

Cách làm này đã được Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Thanh Hóa) thực hiện vào đầu năm học 2022 - 2023.

Trái tuyến phải chịu… trái ngang

Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh của Trường THCS Lý Tự Trọng, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa về việc phải đóng góp tiền xã hội hóa với mức 800 nghìn đồng/em.

Điều đáng nói, nhà trường đưa ra mức thu này để áp dụng cho học sinh ngoài phường (trái tuyến). Còn những học sinh có hộ khẩu trong phường, thì mỗi em chỉ phải đóng góp 450 nghìn đồng.

Nhiều phụ huynh học sinh có con em học trái tuyến ở Trường THCS Lý Tự Trọng cho rằng, họ không thể hiểu nổi vì sao nhà trường lại áp dụng hình thức thu tiền xã hội hóa theo cách phân biệt như vậy.

Theo nhiều phụ huynh, dù con em của họ có hộ khẩu thường trú ở ngoài phường cũng là công dân trên địa bàn TP Thanh Hóa. Trong khi đó, đây là hệ thống trường công lập, chứ không phải là trường tư thục. Vậy tại sao các em phải đóng góp tiền xã hội hóa cao hơn học sinh trong phường?

“Con em chúng tôi xin học trái tuyến vì có nhiều lý do. Có trường hợp do gia đình ở gần trường nhưng khác phường hoặc cha mẹ muốn xin cho con về học ở đây để gần chỗ làm, thuận tiện đưa đón. Bên cạnh đó, cũng có thể do chất lượng giáo dục của ngôi trường ấy tốt hơn trường khác chẳng hạn... vì thế, chúng tôi muốn xin cho con em vào học.

Thế nhưng, khi huy động xã hội hóa, nhà trường lại thực hiện thu của học sinh trái tuyến cao hơn các em trong phường. Đó là một điều bất hợp lý, chưa có tiền lệ ở bất cứ một ngôi trường nào trên địa bàn TP Thanh Hóa từ trước đến nay”, một phụ huynh (xin giấu tên) phàn nàn.

Theo danh mục các khoản mà phụ huynh học sinh phải đóng góp đầu năm học 2022 - 2023 của Trường THCS Lý Tự Trọng, có các khoản như sau: Học phí (2.700.000 đồng/năm); Học thêm ở trường (1.944.000 đồng/năm, gồm 18.000 đồng/buổi x 3 buổi/tuần); Bảo hiểm Y tế bắt buộc (563.000 đồng/năm); Quỹ đội (30.000 đồng/năm); Hội Chữ thập đỏ (12.000 đồng/năm); Nước uống (35.000 đồng/năm); Sổ liên lạc điện tử (50.000 đồng/năm); Photo giấy thi (63.000 đồng/năm); Chụp ảnh (50.000 đồng/năm); Tiền tăm (30.000 đồng/năm); Tiền báo (27.000 đồng/năm); Quỹ lớp (350.000 đồng/năm); Điều hòa (300.000 đồng/năm); Xe đạp (162.000 đồng/năm); Xe đạp điện, xe máy; (315.000 đồng/năm).

Riêng khoản tiền xã hội hóa, đối với học sinh đầu cấp (lớp 6), thì học sinh trong phường nộp 450.000 đồng/em, còn học sinh ngoài phường là 800.000 đồng/em.

“Trăm tội” đổ… hội phụ huynh!

Bảng dự toán kế hoạch các khoản thu đầu năm học 2022 - 2023 của Trường THCS Lý Tự Trọng.

Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Dương Lê Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận, thông tin do phụ huynh phản ánh như trên là có thật. Tuy nhiên, ông Hoàn cho rằng, việc huy động phụ huynh học sinh đóng góp tiền xã hội hóa là do Hội cha mẹ học sinh của nhà trường bàn bạc và thống nhất.

“Khi họp phụ huynh, nhà trường cũng kêu gọi phụ huynh hỗ trợ tiền xã hội hóa ở mức tự nguyện, không cào bằng, không có mức tối thiểu hoặc tối đa. Các phụ huynh cũng đưa ra quan điểm là, con em ở ngoài phường, thì nên đóng góp cao hơn, vì các cháu ở trong phường đã đóng góp nhiều năm để đến bây giờ mới có cơ sở vật chất khang trang như vậy. Vì thế, học sinh khối lớp 6 là con em ở ngoài phường cũng nên đóng góp cao hơn một chút”, ông Hoàn lý giải.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, năm học này, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển 358 học sinh lớp 6. Trong đó, số học sinh trái tuyến xin về học ở ngôi trường này là 140 em.

Khi được hỏi, vì sao học sinh khối 6 là người ngoài phường lại phải đóng góp ủng hộ cơ sở vật chất cao gần gấp đôi học sinh trong phường, Hiệu trưởng đã “đổ lỗi” cho hội phụ huynh nhà trường, rằng: “Khi tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh, Chi hội trưởng phụ huynh có ý kiến rằng, về cơ sở vật chất ở đây là của phường Đông Sơn.

Vừa rồi, phường có hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để sửa chữa, chỉnh trang khuôn viên trường, tăng cường cơ sở vật chất để làm trường chuẩn quốc gia. Nguồn tiền ấy là do nhân dân trong phường đóng góp thuế. Do đó, những học sinh khối 6 là người ngoài phường đến học, thì phải ủng hộ cơ sở vật chất cao hơn”, ông Hoàn nói.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, năm học 2022 - 2023, nhà trường có khoảng hơn 1.400 học sinh. Do đó, để có kinh phí đầu tư tu sửa cơ sở vật chất, nhà trường đã xây dựng kế hoạch huy động tiền xã hội hóa với mức kinh phí dự trù là 460 triệu đồng.

Trong đó, 120 triệu đồng để đóng thêm bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng trượt, trang trí khẩu hiệu cho 2 phòng lớp học; 85 triệu đồng để làm sân thể dục thể thao; 240 triệu đồng để làm cầu thang nối dãy nhà 3 tầng với dãy nhà 2 tầng; 15 triệu đồng để mở rộng mái sửa lại sân khấu.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Thành Đồng - Phó phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa - cho hay, Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND thành phố yêu cầu các nhà trường huy động xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng, không có mức tối thiểu và cũng không có mức tối đa.

Ông Đồng nêu quan điểm: “Đã là học sinh vào trường học rồi thì không được phân biệt là trái tuyến hay đúng tuyến, mà phải huy động trên tinh thần tự nguyện như nhau. Nhà trường không được ép buộc phải đóng góp bao nhiêu, mà tùy điều kiện của từng gia đình học sinh để họ tham gia đóng góp xã hội hóa. Phòng GD&ĐT thành phố sẽ kiểm tra ngay vấn đề này để xử lý”.

Còn ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết, Sở không hướng dẫn các nhà trường thực hiện thu xã hội hóa theo kiểu cào bằng và càng không được phân biệt học sinh trái tuyến với đúng tuyến.

“Việc huy động xã hội hóa là các trường được phép, nhưng không được bổ đầu, chia đều mà phải dựa trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, các tổ chức và lực lượng ngoài xã hội. Nếu nhà trường bổ đầu để thu của học sinh trái tuyến cao hơn học sinh đúng tuyến là sai phạm”, ông Lựu nói.

Tác giả: Hồng Đức

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP