- Ngày nhỏ, tôi sống với bố. Không ở chung với con gái nhưng mẹ vẫn thường xuyên đến thăm tôi. Giờ tôi đôi lúc cũng hồi tưởng những kỷ niệm xưa kia với mẹ nhưng không nhớ chi tiết hai mẹ con đã nói gì, chơi gì với nhau. Có thể vì lúc ấy tôi còn nhỏ quá, chưa cảm nhận được sâu sắc việc thiếu thốn tình cảm gia đình. Tuy nhiên, nếu được quay lại tuổi thơ, tôi vẫn muốn giữ nguyên mọi thứ, được là chính mình và không thay đổi gì cả (cười).
Điều ảnh hưởng lớn nhất với tôi là được đến học tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội. Ngày đó, những đợt sinh hoạt tập thể, tập huấn kéo dài hàng tháng giúp mỗi đứa trẻ như tôi hiểu thêm về cuộc sống của các bạn khác. Dù sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khác biệt, chúng tôi học được cách biết yêu thương nhau hơn, biết cùng nhau xây dựng tinh thần tập thể. Ở những nơi như vậy, trẻ em vẫn được dạy để sống nội tâm, giàu lòng trắc ẩn và luôn có tinh thần vươn lên trong cuộc sống hơn.
Hồng Nhung chơi đùa cùng hai con trong một sự kiện.
- Chị truyền cho con những bài học về tình yêu thương, tính tự lập ra sao?
- Tôi cố gắng dành thật nhiều thời gian cho con, để có thể hiểu và dạy chúng. Tôi cho con đi học piano từ lúc bốn tuổi, sớm hơn một năm so với bình thường. Để đánh được vài ba nốt nhạc trên đàn piano tưởng chừng đơn giản nhưng các con tôi phải tự luyện tập thì mới có thể thành thạo. Nhờ đó, chúng sẽ học được tính kỷ luật và nhận ra rằng có những việc phải do chính mình làm chứ không thể ỷ lại, dựa dẫm vào người khác.
Tôi cho Tôm, Tép trồng cây, nuôi mèo, rùa, cá... trong nhà. Mới đầu, hai đứa chỉ nuôi vì cảm thấy thích thú. Trong quá trình nuôi, tôi chỉ cho các con thấy chúng phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ thú cưng của mình. Tôi nghĩ rằng trẻ con có yêu thiên nhiên, động vật trước thì mới biết yêu thương, cảm thông đối với con người được.
- Hình ảnh tuổi thơ nào của con từng khiến chị xúc động?
- Năm Tôm, Tép lên hai tuổi, tôi cho chúng mặc áo dài lần đầu tiên vào dịp Tết Nguyên Đán. Cả hai đứa đều thích thú và bỡ ngỡ. Trước đó, chúng chỉ được học ở trường rằng Tết là lúc mọi người diện áo dài, ăn bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ. Đến lúc được mặc thật, Tôm và Tép thích lắm, dù ban đầu còn chút ngượng nghịu, chưa quen.
- Chị nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc cho hai con bằng cách nào?
- Tôi nghĩ việc định hướng vô cùng quan trọng. Chỉ cần được khuyến khích, trẻ sẽ muốn làm tốt hơn những điều người lớn dạy bảo. Việc "hướng đạo" trong nghệ thuật cho các con cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc này cũng cần dựa trên năng khiếu và sở thích của mỗi đứa trẻ. Chúng ta cần giúp chúng tiếp cận nghệ thuật theo một cách tự nhiên nhất, hiểu rằng đó là món quà thượng đế ban tặng chứ không phải công cụ để đạt được sự nổi tiếng hay kiếm tiền.
Thật ra, tôi thấy những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương cha mẹ sẽ luôn có cuộc sống giàu cảm xúc. Điều này thể hiện rất rõ khi các em biểu diễn tác phẩm nghệ thuật nào đó, có thể là một bài hát, một bản nhạc hay một bức tranh... theo cách rất hồn nhiên của trẻ thơ.
Cặp song sinh nhà Hồng Nhung.
- Chị từng tâm sự thường hát cho các con nghe các ca khúc thiếu nhi thuở xưa. Tâm thế khi hát các nhạc phẩm đó bây giờ có gì khác trước?
- Tôi luôn bồi hồi như được sống lại thời thơ ấu và cảm thấy đó như là một món quà thật đẹp mà thượng đế ban tặng. Nhưng có một chút khác biệt, khi hát những bài hát thiếu nhi vào thời hiện tại, tôi nhìn thấy được hình ảnh cô bé Hồng Nhung răng khểnh khi xưa hòa lẫn với hình ảnh của chính mình hôm nay - một người mẹ có hai con.
- Chị chuẩn bị thế nào cho đêm nhạc thiếu nhi dành cho người lớn "Tuổi thơ tôi" sắp tới?
- Cũng lâu rồi, tôi không hát nhạc thiếu nhi mà chỉ toàn hát bài dành cho người lớn. Tôi đã phải nghe lại những bài hát ngày xưa, những bản thu âm ngày trước mình còn giữ lại được. Về phần nhìn, tôi sẽ chọn hai mảng trang phục khác nhau, một phần mang xu hướng của tuổi thơ xưa, phần còn lại có hơi thở hiện đại.
Tác giả bài viết: Thảo Hiền
Nguồn tin: