Xã hội

Hơn 40 năm đan mái tranh lợp nhà Bác Hồ

Tháng 9 lịch sử, dòng người từ khắp mọi miền của Tổ quốc lại hành hương về quê Bác, nơi có mái nhà tranh giản dị gắn liền với tuổi thơ của vị Cha già dân tộc.

Thế nhưng ít ai biết, để có những mái tranh lợp nhà cho Bác là biết bao tâm huyết của người đàn ông đã lặng lẽ làm hơn 40 năm qua. Đó là ông Nguyễn Văn Hùng, trú ở xã Kim Liên huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Những ngày tháng 9 lịch sử, kỷ niệm lại ùa về khiến ông Hùng lâng lâng niềm xúc động, tự hào khi được làm công việc đánh mái tranh lợp nhà cho Bác Hồ.

Cũng như bao thanh niên ở làng quê khác, tháng 2/1975, ông Hùng lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Năm 1979, ông trở về quê hương rồi tham gia làm Công an viên. Thời điểm đó, bố ông là cụ Nguyễn Văn Điều làm bảo vệ nhà Bác Hồ từ năm 1968. Hằng năm cụ Điều cùng vài người khác thay tranh lợp mái nhà Bác.

Lớn lên, ông Hùng cũng học theo việc đánh tranh từ bố mình. Về sau, hai bố con ông đảm nhận công việc thay tranh cho nhà Bác mà không nhờ ai nữa.

123
Ông Hùng hằng ngày vẫn cần mẫn bên những lá mía, phên tranh để lợp mái cho nhà Bác Hồ.


Cứ hai năm, Ban quản lý Bảo tàng Khu di tích Kim Liên lại tiến hành thay mái tranh một lần. Mái tranh được làm từ tre và lá mía. Muốn có được lá mía ưng ý, ông phải đi hết nơi này đến nơi khác để lựa chọn cẩn thận. Gần một đời gắn với nghề đan, theo ông Hùng, lá mía ở huyện Diễn Châu là đẹp hơn cả.

Để có được những mái nhà tranh, mà hàng ngày du khách mọi miền được ghé thăm cũng mất khá nhiều thời gian. Trước tiên người thợ đo kích thước cần dùng cho mỗi mái và chẻ tre ra làm từng thanh nhỏ, đem hơ qua lửa rồi phơi khô, sau đó mới đem ngâm nước khoảng 15 ngày thì vớt lên và tiến hành đánh theo thứ tự. Lá mía sau khi đã phơi khô sẽ đem ra phơi sương qua nhiều đêm để lá nở ra, có độ dai. Tiếp theo khi nguyên liệu đã đầy đủ và chất lượng mới đem đan theo hai hàng thẳng tắp. Để đan được đúng kích cỡ, ông chuẩn bị một chiếc hom đan bằng gỗ có chiều dài 1,65m.

Sau khi đan đủ số lượng cần, người thợ sẽ nhằm ngày đẹp nắng mà lợp lên mái. Cùng giúp ông còn có thêm ba người thợ phụ. Mất khoảng 4 ngày thì ông lợp xong các ngôi nhà ở cả quê nội và quê ngoại Bác Hồ. Ngoài nhận việc lợp tranh các ngôi nhà trong Khu di tích Kim Liên, ông còn tham gia lợp nhà cụ Phan Bội Châu.

32128129
Ông Hùng trong một lần lợp mái nhà tranh Bác Hồ.

Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: “Cứ hai năm Ban quản lý di tích lại thay mái tranh nhà Bác một lần. Cuộc đời ông Hùng đến nay đã trên 40 năm leo lên nóc nhà Bác Hồ để lợp lại mái tranh. Công việc này thì nhiều người cũng có thể làm được, thế nhưng để đánh được mái tranh đẹp, kỹ thuật như ông Hùng là rất hiếm có”.

Đối với ông Hùng còn sức khỏe, còn được cán bộ Bảo tàng tin tưởng giao nhiệm vụ là ông còn tiếp tục làm. Mỗi lần lợp xong mái nhà tranh mới cho Bác, trong lòng người đàn ông này lại cảm thấy vui sướng nhường nào.

Bây giờ khi sức khỏe đã yếu đi nhiều, điều mong muốn và cũng là nỗi trăn trở bấy lâu đó là mai này ai sẽ thay ông đan tiếp những mái tranh để lợp nhà cho Bác. Cả cuộc đời của ông và bố mình đều hết lòng cho công việc bảo vệ và tôn tạo, gìn giữ những di tích của Kim Liên. Đối với ông, những việc làm đó tuy rất giản dị, bình thường nhưng đó là tấm chân tình của người con Kim Liên để tưởng nhớ về Người.


Tác giả bài viết: Công Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP