► Bắt khẩn cấp 3 đối tượng cầm đầu, kích động trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Nai
► Học viên cai nghiện lại đập phá, cảnh sát dùng hơi cay trấn áp
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc trung tâm cai nghiện Xuân Phú (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, hiện nay cơ sở có gần 1.500 học viên, trong đó 132 chưa có quyết định của tòa án. "Đây là những người sử dụng ma túy được địa phương đưa vào để chờ phán quyết của tòa. Dựa theo quyết định thời gian cai nghiện, họ sẽ được đưa vào loại học viên rồi đưa ra phác đồ điều trị thích hợp", ông Lịch nói.
Cơ sở cai nghiện Đồng Nai tiền thân là Trung tâm lao động giáo dục xã hội rộng gần 5 hecta với 8 dãy nhà, được thành lập vào ngày 10/10/2015. Học viên vào trung tâm bắt buộc đều có quyết định của tòa án cấp huyện, thời gian cai nghiện ít nhất là 12 tháng. Họ được chia ra 4 phân khu để quản lý. Phòng ở từ 20 đến 50 người, tùy diện tích. Mỗi học viên được tiêu chuẩn 40.000 đồng một ngày, trong đó sáng 10.000 đồng, trưa và chiều 15.000 đồng.
Thời gian biểu mỗi ngày và phác đồ điều trị do Bộ y tế quy định chung trong cả nước. Người mới sẽ qua giai đoạn cắt cơn giải độc từ 10 đến 15 ngày với thuốc Seduxen. Sau đó, học viên sẽ tập vật lý trị liệu để phục hồi sức khỏe.
Sáng sớm các học viên được đánh thức để tập thể dục, ăn sáng rồi lao động. Buổi chiều họ được vui chơi, tập thể dục thể thao. Tuy nhiên, những người thuộc khu xã hội (chưa có quyết định của tòa) thì vui chơi cắt nghiện chứ không lao động sản xuất. Cơ sở có vài chục người được phân công trồng rau để phục vụ ăn uống. Những người còn lại thì bóc hạt điều, đan lát, làm gỗ...
"Qua 6 tháng, dựa theo những tiêu chí như sức khỏe, tâm lý, tuân thủ nội quy, trung tâm sẽ xem xét, có văn bản kiến nghị lên tòa án có thể cho học viên về. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tòa án", Giám đốc trung tâm cai nghiện Xuân Phú khẳng định.
Bác sĩ Huỳnh Cao Hải - Phó giám đốc sở Y tế Đồng Nai - cho biết phác đồ điều trị hiện nay áp dụng cho trung tâm cai nghiện này không hiệu quả. "Thuốc Seduxen chỉ gây buồn ngủ thôi. Bộ y tế vẫn chưa có phác đồ chính thức đưa vào các cơ sở này", ông Hải cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hải, số lượng quá lớn nhưng cơ sở chỉ có 10 nhân viên y tế phụ trách, trong đó có một bác sĩ. Sau khi qua cắt cơn ban đầu, nếu các học viên có bệnh thì sẽ được chữa trị, được tăng cường sức đề kháng bằng các loại thuốc bổ, vitamin. "Nếu đúng quy trình thì phải tập vật lý trị liệu, kể cả châm cứu nhưng hiện nay máy móc thiết bị cũng như đội ngũ phục vụ tại cơ sở này chưa có", ông Hải cho biết.
Theo lãnh đạo ngành y tế Đồng Nai, việc đổ xô đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp như ở trung tâm này là không phù hợp, đặc biệt là yếu tố cai nghiện. Người nghiện được đưa vào đây chủ yếu nhằm mục đích cách ly, tránh xa ma túy nhưng như vậy sẽ không có hiệu quả.
"Trong thời gian tới chúng tôi vẫn chưa tìm ra phác đồ phương pháp điều trị mới nhưng sẽ kiến nghị tỉnh cho thử nghiệm thuốc cai nghiện Cesemex, hiện nay một số tỉnh thành làm rất tốt với phương án này", ông Hải nói.
Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội, hiện cả nước có khoảng 220.000 người nghiện ma túy được quản lý bằng hồ sơ, với 123 cơ sở cai nghiện. Trong đó, trung tâm ở Đồng Nai có suất chứa chừng 800 học viên nhưng đã nhận gần gấp đôi. Việc quá tải cùng với cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp là nguyên nhân chính khiến học viên đập phá, đòi trở về.
"Việc đưa các học viên vào đây cũng có nhiều điều chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh lại", ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Lập, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như UBND tỉnh Đồng Nai cho biết thời gian tới cần phải lên phương án quy hoạch, xây mới cơ sở cai nghiện đạt tiêu chuẩn để giúp các học viên cai nghiện, sớm phục hồi sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
Liên tiếp nhiều ngày qua, hàng trăm học viên cai nghiện ở Đồng Nai đập phá cửa, tường rào để trốn ra ngoài. Công an huyện Xuân Lộc đã khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng tại cơ sở này đồng thời bắt 23 nghi can được cho cầm đầu kích động.
>>Video: Vì sao học viên cai nghiện Đồng Nai trốn trại?
Tác giả bài viết: Phước Tuấn
Nguồn tin: