Giáo dục

Học sinh lớp 1 'còng lưng' học chữ: Sức ép từ kiến thức hay giáo viên?

Chuyên gia cho rằng, năm học mới vừa bắt đầu, không nên ép học sinh lớp 1 đọc thông viết thạo Tiếng Việt sớm mà cần có quá trình và thời gian rèn luyện.

Dù năm học mới 2020-2021 bắt đầu được gần một tháng nhưng nhiều giáo viên, phụ huynh than phiền về kiến thức sách giáo khoa Tiếng Việt 1 quá nặng so với chương trình cũ. Chương trình Tiếng Việt 1 mới tăng thời lượng (tăng 70 tiết), nhiều nội dung học chữ, thuộc chữ, viết chữ... được tích hợp trong cùng một bài khiến học sinh uể oải mỗi khi học chữ.

Giáo viên, phụ huynh ngao ngán

Năm học 2019-2020, chị Lê Phương Chinh (Phú Thọ) không phải chật vật cùng con trai học chữ mỗi ngày nên gia đình xác định năm nay không cho cô con gái thứ hai đi học Tiếng Việt trước. Bởi chị nghĩ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được giảm tải kiến thức, không học nặng như trước đây. Gia đình chị quyết định để con vào lớp 1 tự học chữ trên lớp.

Chị sốc khi sách Tiếng Việt lớp 1 năm nay không dạy vỡ lòng như trước mà đi ngay vào đọc, viết luôn. Nội dung kiến thức sách giáo khoa thiết kế với tốc độ học rất nhanh, cứ một buổi học 2 âm, sau đó ghép vần và viết chính tả luôn. Hết tháng đầu tiên đi học, các em được yêu cầu phải đọc một đoạn văn dài.

Đều đặn mỗi tối ngồi vào bàn học, con gái chị Chinh lại tỏ ra chán nản và uể oải. Con vừa đánh vần chữ, vừa ngáp ngủ. Ví dụ, mẹ đọc mẫu chữ A thì con theo lời nói to chữ A nhưng sau khi con ghi nhớ, tập viết vào vở và đánh vần ráp âm thì lại quên cách đọc.

Ngày nào cũng dạy con học 2-3 tiếng học ở nhà, chị Chinh thấy bế tắc. "Tôi càng giải thích, càng gặng hỏi thì con càng căng thẳng, cứ thế mẹ gào con khóc mếu liên tục", chị nói.

Nhiều phụ huynh còn lo lắng về yêu cầu "đọc hiểu" khi trẻ còn đang học ghi nhớ từng chữ "i tờ". Đa số ý kiến cho rằng chương trình môn Tiếng Việt 1 quá nặng, không phù hợp với năng lực của học sinh. Họ đề nghị Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh nội dung trong thời gian tới.

(Ảnh minh hoạ: T.T)

Cô Nguyễn Thu Lan, giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học quận Hà Đông, Hà Nội thấy áp lực với khối lượng kiến thức môn Tiếng Việt 1 mà cô cho là được thiết kế quá nặng. Với chương trình cũ, mỗi bài Tiếng Việt, học sinh chỉ học một chữ hoặc âm, nhưng trong sách mới mỗi bài sẽ có từ 2 đến 3 chữ, gồm cả âm ghép.

Học sinh lớp cô Lan có hai "nhóm" rõ rệt. Những em học Tiếng Việt trước khi vào lớp 1 sẽ thấy nhẹ nhàng, chủ yếu tập trung luyện chữ đẹp và đọc trôi chảy. Còn các em chưa học trước, đến lớp mới được cô dạy chữ thì lúng túng, đuối hơn hẳn vì không tải hết được kiến thức trong một bài. Hầu như ngày nào cô Lan cũng phải xin thêm giờ để kèm những bạn yếu hơn.

Cô Lan đánh giá, Tiếng Việt 1 mới có tốc độ dạy học chữ rất nhanh. Một bài học gồm nhận biết mặt chữ cái, ráp âm, vần, học thuộc chữ, viết chữ và đọc câu văn cuối bài... Nhiều kiến thức được tích hợp trong cùng một bài giảng khiến cả giáo viên và học sinh cảm thấy khó khăn.

Thời lượng mỗi tiết học 30-35 phút không đủ để các em vừa đọc vừa viết. Để đuổi theo chương trình, cô Lan thường xuyên nhắn tin nhờ phụ huynh kèm con học chữ buổi tối.

Sức ép từ giáo viên

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, bên cạnh các yếu tố chương trình và nội dung sách giáo khoa thì việc các em học nhẹ hay nặng một phần do cách dạy của giáo viên.

Ví dụ, sách giáo viên hướng dẫn thầy cô đánh số thứ tự từng câu trong bài đọc, rồi cho học sinh đọc từng câu, nhưng thầy cô lại yêu cầu học sinh trao đổi với nhau để xác định xem bài tập đọc có mấy câu. Làm sao học sinh lớp 1 có thể trả lời được câu hỏi này? Dạy như vậy vừa quá sức học sinh vừa làm mất thời gian cần cho những việc quan trọng hơn.

Hay như yêu cầu về hiểu, cho đến hết phần Học vần, học sinh lớp 1 chỉ cần làm một câu trắc nghiệm để xem có hiểu bài không thôi vì chưa biết chữ nhiều, nhưng nếu giáo viên thêm câu hỏi tự luận thì học sinh khó làm được.

Ông cho rằng, trong một lớp có em đọc trơn được, có em còn phải đánh vần, có em gặp khó khăn cả đọc lẫn viết là chuyên bình thường. Năng lực trời cho mỗi người một khác. Có em đọc viết chậm, nhưng có khi lại thông minh ở môn khác, hoạt động khác, nên đừng coi việc đọc viết chậm là bi kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó.

Theo GS Thuyết, hiện vẫn có tình trạng các nhà quản lý quá tập trung vào chuyện dạy viết, như thế là không đúng. Chương trình quy định dạy đọc khoảng 60% thời lượng, dạy viết chỉ khoảng 25%; còn 10% dành cho dạy nói, nghe và 5% cho kiểm tra, đánh giá.

Thế nhưng, hầu hết các trường lại quá đề cao việc viết, thậm chí còn đưa yêu cầu “vở sạch chữ đẹp” vào tiêu chuẩn thi đua, khiến giáo viên phải ép học sinh luyện viết quá nhiều.

(Ảnh minh hoạ)

Từ đó, ông đưa ra giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng này giáo viên phải nắm vững mục tiêu của chương trình lớp 1, mục tiêu của từng bài. Thầy cô không nên yêu cầu cao quá đối với học sinh lớp 1.

Dạy mỗi bài, giáo viên phải xác định đích của bài ấy là sau khi học xong, học sinh nhận được mặt chữ, biết đọc và biết viết. Những bài đầu, các em có thể phải đánh vần, có em đọc được, có em không. Giờ mới học chưa đầy 1 tháng, việc đánh vần, thậm chí quên chữ là bình thường.

“Hoàn thành chương trình lớp 1, các em đọc được, viết được là tốt rồi, chưa cần đọc diễn cảm, đọc nhanh hay viết thật đẹp. Người lớn không nên quá nóng vội”, GS nhấn mạnh.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, ở độ tuổi mầm non, trẻ nên được chơi để phát triển năng lực, trí tuệ. Vào lớp 1, nhiều trẻ học tốt hơn bạn là do được học trước chương trình.

Việc tập viết với học sinh cũng chỉ ở mức một dòng, tức khoảng 5-6 chữ. Yêu cầu với học sinh lớp 1 là viết ngay hàng thẳng lối, chữ viết rõ ràng. Mức độ đẹp đến đâu tùy năng khiếu của các em. “Đừng ép học sinh đọc thông viết thạo sớm. Việc học không phải càng sớm càng tốt. Người lớn muốn nhanh, dạy dồn dập nên chuyện học hành mới nặng”, ông Nhĩ nêu.

Tác giả: Hà Cường

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP