Thông tin từ Sở GDCK TP.HCM cho biết, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chiếu xạ An Phú (APC) Võ Thùy Dương đăng ký mua 500 ngàn cổ phiếu APC thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 3/4/2018 đến 2/5/2018.
Hiện tại, bà Võ Thùy Dương đang nắm giữ trực tiếp 3,66 triệu cổ phiếu APC, tương ứng tỷ lệ 30,98%. Nếu giao dịch diễn ra thành công, chủ tịch APC sẽ nâng sở hữu lên 4,16 triệu cổ phiếu, tương ứng 35,22% cổ phần.
Nếu tính cả các cổ đông liên quan, nhóm cổ đông của bà Võ Thùy Dương đang nắm giữ trên 70% cổ phần APC.
Quyết định mua vào của bà Võ Thùy Dương diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu APC vừa trải qua một tháng 3 tồi tệ với hơn chục phiên giảm sàn sau khi đón nhận thêm 1 cú sốc mới. Cổ phiếu giảm giá hơn 50%, từ mức 80.000 đồng/cp về mức 37.000 đồng/cp.
Nếu so với cuối 2017, mức giảm giá còn lớn hơn. Khi đó APC có giá trên 90.000 đồng/cp.
|
Trong khoảng 3 năm qua, APC liên tục trải qua những cú sốc. Từ vị thế một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực chiếu xạ (thủy sản và nông sản), Chiếu xạ An Phú liên tục đi xuống, bị nhóm cổ đông của đối thủ yếu hơn thâu tóm và đang ngày càng chứng kiến lợi nhuận suy giảm.
Cuối năm 2014, APC đã bị đối thủ chính nắm quyền kiểm soát và ĐHĐCĐ bất thường đã đồng ý ủy quyền cho HĐQT tiến hành nghiên cứu, đàm phán, xây dựng đề án hợp nhất An Phú và đối thủ là Công ty TNHH Thái Sơn, 1 doanh nghiệp cũng trong lĩnh vực chiếu xạ, yếu hơn nhưng đã nắm 50% cổ phần APC.
Trước đó, giữa tháng 9/2014, 3 cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 40% vốn cổ phần của APC là CTCP Transimex Sài Gòn (TMS), SSIAM và Công ty Cao su Bà Rịa Vũng Tàu đã bán hết số cổ phiếu APC mà các công ty này đang nắm giữ.
Tại ĐHCĐ bất thường cuối 2014, chủ tịch HĐQT APC khi đó là Võ Hữu Hiệp cho biết số cổ phiếu mà các cổ đông lớn bán ra đã được Công ty TNHH Thái Sơn gom hết. Bốn trong tổng cộng 5 thành viên HĐQT khi đó đã từ nhiệm.
Cú sốc gần đây nhất mà cổ đông APC phải trải qua là việc cổ phiếu này giảm giá 50% trong tháng 3/2018 sau khi công ty đề xuất bán cho đối tác chiến lược 6 triệu cổ phiếu với giá "rẻ như cho" chỉ 20.000 đồng/cp, trong khi thị giá cổ phiếu khi đó gần 80.000 đồng.
ĐHCĐ thường niên của APC hôm 16/3 đã không thông qua tờ trình phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược bởi các cổ đông lo ngại đối tác chào bán chiến lược Torus Capital Investments mới chỉ được thành lập cuối 2017, quy mô quá nhỏ với 4 nhân viên và vốn chưa tới 20 triệu đồng Việt Nam.
APC sau đó đã điều chỉnh kế hoạch phát hành với số lượng phát hành cho cổ đông chiến lượng giảm một nửa, chỉ còn 3 triệu cổ phiếu. Mức giá chào bán cũng thay đổi, tăng lên 40.000 đồng, thay vì 20.000 đồng/cp như đề xuất ban đầu.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu vẫn chưa thể tăng trở lại, vẫn quanh ngưỡng 37 ngàn đồng/cp.
Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến một trường hợp tương tự: Vicostone (VCS) chấp nhận để đối thủ mới thành lập thâu tóm và chốt lại bằng việc trở thành công ty con của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa).
Đại gia Hồ Xuân Năng, hay còn gọi là “Năng Do Thái” người đứng sau cú thâu tóm kinh điển cách đây hơn 3 năm, hiện sắp thành tỷ phú USD từ tay trắng với túi tiền khoảng 600 triệu USD.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền nội ngoại vẫn dồn dập đổ vào. Trong quý 1, khối ngoại rót gần nửa tỷ USD vào các cổ phiếu. VN-Index hiện liên tiếp lập kỷ lục cao lịch sử mới.
Nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn tiếp tục tăng giá, trong đó có những cái tên quen thuộc như Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Petrolimex (PLX) và một số cổ phiếu ngân hàng lớn như: BID, CTG, VCB…
Thị trường được dự báo còn tiếp tục sôi động khi tiến trình thoái vốn nhà nước vẫn tiếp diễn và TTCK sắp đón nhận thêm nhiều DN có quy mô lớn lên sàn như: TPBank, FPT Retail, Hải Phát Invest...
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 2/4, VN-index tăng 22,15 điểm lên 1.196,61 điểm; HNX-Index tăng 2,94 điểm lên 135,4 điểm. Upcom-Index tăng 0,25 điểm lên 60,92 điểm. Thanh khoản đạt 310 triệu cổ phần. Giá trị đạt 9,2 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet