Xe

Hé lộ “góc khuất” từ vụ kiện nhà phân phối Mercedes Benz tại Việt Nam

Ông Nguyễn Trung Kiên kiện Công ty TNHH Ô tô Ngôi sao Việt Nam (Vietnam Star Automobile - gọi tắt là VSA) - nhà phân phối ủy quyền của thương hiệu Mercedes Benz tại Việt Nam đòi hoàn trả 400 triệu đồng. Từ vụ việc này đã hé lộ nhiều “góc khuất” tại VSA.

Chuyển tiền hộ

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn của ông Nguyễn Trung Kiên (ngụ Quận 7, TP HCM) với nội dung “tố” VSA (địa chỉ 811-813 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, Quận 7, TP HCM) đang “giam” số tiền 400 triệu đồng của mình gần 2 năm qua từ việc chuyển tiền thanh toán hộ.

Công ty TNHH Ô tô Ngôi sao Việt Nam (Vietnam Star Automobile) - nhà phân phối ủy quyền của thương hiệu Mercedes Benz tại Việt Nam đang bị nhân viên cũ kiện.

Theo trình bày của ông Kiên và hồ sơ thể hiện, vào thời điểm ông Kiên còn là nhân viên kinh doanh ở VSA, ông được đồng nghiệp là Phan Võ Phúc Dũng (ngụ phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM) nhờ thanh toán số tiền 400 triệu đồng cho khách hàng Phan Hoàng Q, người mua xe Mercedes S450 của VSA để chốt chỉ tiêu kinh doanh tháng và hẹn sau 2 ngày sẽ hoàn lại.

Do tin tưởng đồng nghiệp nên ngày 30/11/2018, ông Kiên đã đồng ý chuyển khoản số tiền 400 triệu (2 lệnh chuyển khoản lần lượt 300 triệu và 100 triệu đồng) đến tài khoản của VSA với nội dung: Thanh toán xe S450 Phạm Thị Thùy Dương - Phan Hoàng Quân, số tiền 400 triệu đồng.

Sau khi hoàn tất giao dịch trên, ông Dũng không những không hoàn trả lại cho ông Kiên như đã hứa hẹn mà còn tự ý nghỉ việc ở VSA.

Biết được sự việc, ông Kiên đã chủ động liên hệ với lãnh đạo VSA với mong muốn được công ty cùng hợp tác giải quyết vụ việc trên. Qua đó, bước đầu được biết ông Dũng đang “bể nợ” và đã đi khỏi địa phương, cho tới nay vẫn chưa thể liên lạc được.

Sau đó, ông Kiên đã chủ động gặp và làm việc trực tiếp với ông Phan Hoàng Quân - người mua xe S450 trên từ VSA thông qua môi giới là ông Dũng. Qua trao đổi, ông Quân xác nhận đã nộp đủ tiền và nhận xe về mà không hề có bất cứ khoản vay mượn nào từ bên ngoài. Điều này cũng đã được ông Quân thể hiện tại đơn xác nhận sự việc gửi TAND Quận 7 vào ngày 12/9/2019.

Văn bản xác nhận của ông Quân gửi Tòa.

Trong đơn ông Quân trình bày, ngày 02/11/2018, ông Quân đã thanh toán bằng tiền mặt số tiền 1 tỷ đồng cho thủ quỹ của VSA, được thể hiện trên phiếu thu số 007853. Các đợt tiếp theo, ông Quân đã thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, cho tới ngày 28/11/2018 đã hoàn thành trách nhiệm tài chính với VSA (tức trước khi ông Kiên chuyển khoản 400 triệu đồng cho VSA 2 ngày - PV) và nhận xe vào ngày 30/11/2018.

Ông Quân xác nhận, trong tất cả các lần thanh toán, ông không nhờ chuyển hay vay mượn số tiền 400 triệu đồng của ông Nguyễn Trung Kiên hay bà Phạm Thị Thùy Dương, vì chính bản thân ông Quân đã tự thực hiện nghĩa vụ thanh toán đủ tiền cho cho VSA.

Đồng thời, ông Quân cũng làm thư yêu cầu VSA xem xét chuyển trả số tiền trên cho ông Kiên hoặc bà Dương (vợ anh Kiên, người đứng tên chuyển khoản cho VSA).

Hé lộ nhiều góc khuất

Theo ông Kiên, tuy sự việc đã rõ ràng là vậy nhưng phía VSA đã bác bỏ đề nghị việc hoàn trả lại số tiền 400 triệu đồng liên quan tới công ty.

Theo đó, tại văn bản số 01/HS-2019 của VSA, công ty cho rằng: Ông Kiên dùng số tiền này cho ông Dũng vay để ông Dũng thanh toán cho VSA. Do vậy, người chịu trách nhiệm thanh toán số tiền trên cho ông Kiên là ông Dũng chứ không phải VSA.

Văn bản số 01/HS-2019 của VSA gửi ông Kiên.

Đến ngày 12/7/2019, phía VSA mời ông Kiên họp và thông báo sa thải với lý do: Ông Kiên chuyển khoản tiền vào VSA khiến VSA ghi nhận sai lệch thông tin dẫn đến tổn thất cho công ty hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Kiên thì VSA không cung cấp bằng chứng nào cho cáo buộc này. Cũng tại cuộc họp, đại diện Công đoàn VSA đã không đồng tình với việc sa thải trên.

Đến ngày 29/7/2019, ông John Lloyd With, Tổng giám đốc VSA đã mời ông Kiên đến thương lượng. Theo tài liệu băng ghi âm và ông Kiên cung cấp cho biết, phía VSA đồng ý hoàn trả số tiền 400 triệu đồng nhưng kèm với điều kiện ông Kiên phải viết đơn thôi việc và ký cam kết không đi làm cho các công ty đối thủ của VSA trong vòng 3 năm.

Với điều kiện này, ông Kiên cho rằng phía VSA đã gián tiếp nhận nghĩa vụ “hoàn trả 400 triệu đồng” chứ không phải “phủi” trách nhiệm như văn bản 01/HS-2019 mà họ đã trả lời ông trước đó.

Do không đồng ý với điều kiện này cũng như cách giải quyết của VSA, ông Kiên đã kiện VSA ra TAND Quận 7 để đòi lại số tiền 400 triệu đồng mà anh cho rằng bị VSA chiếm dụng từ tháng 11/2018.

Ngoài việc cho rằng VSA đang có dấu hiệu chiếm giữ trái phép số tiền 400 triệu đồng, ông Kiên còn bức xúc đặt dấu hỏi lớn về việc quản lý giấy tờ, phiếu thu và quy trình mua bán của VSA.

Vấn đề được ông Kiên đặt ra ở đây, tại sao việc quản lý tiền thanh toán của khách hàng lại để xảy ra sai xót như vậy? Số tiền chênh lệch ấy sẽ được xử lý như thế nào? Trách nhiệm của VSA trong công tác quản lý và điều hành nhân sự ra sao trong vụ việc trên?...

Được biết, VSA đã có đơn tố giác gửi Cơ quan CSĐT Công an TP HCM về việc ông Phan Võ Phúc Dũng đã có hành vi gian dối, giả mạo chữ ký, phiếu thu, hợp đồng mua bán của công ty để thu và chiếm đoạt tiền của khách hàng,…

Thông báo của TAND Quận 7.

Sau khi thụ lý đơn tố giác, Cơ quan điều tra đã ra thông báo tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác nêu trên để chờ kết quả giám định chữ ký, chữ viết, con dấu trên các tài liệu hồ sơ. Cùng với đó, TAND Quận 7 cũng ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của ông Kiên để chờ kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ.

Liên quan vụ việc, để có thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ và gửi nội dung xác minh cho VSA. Hiện đơn vị đã tiếp nhận và sẽ phản hồi sau.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tác giả: Bạt Phong

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP