Tuy nhiên, việc bồi thường thì hoàn toàn trái ngược...
Khi tiến hành nâng cấp, mở rộng QL 1A, hàng ngàn ngôi nhà của người dân tại bị ảnh hưởng |
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh có chiều dài 315km với tổng mức đầu tư 19.909 tỷ đồng. Trong đó có 8 dự án dài 206km với kinh phí đầu tư 12.660 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ, 4 dự án khác dài 109km có tổng mức đầu tư 7.249 tỷ đồng được triển khai bằng vốn xã hội hóa theo hình thức hợp đồng BOT.
Xuyên suốt quá trình thi công, dù phải đối mặt với không ít vấn đề (vốn ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ; vừa thi công, vừa khai thác, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối; việc mở rộng dự án đã làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân và các cơ quan, đơn vị trong phạm vi công trình...), nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của các đơn vị tham gia, dự án đã sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm 12 tháng.
Tình trạng nứt, lún xảy ra thường xuyên |
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc tiến hành chi trả kinh phí đền bù, hỗ trợ đối với những đối tượng bị ảnh hưởng lại hoàn toàn trái ngược. Sự việc không được giải quyết dứt điểm khiến các hộ dân hết sức bất bình, kéo theo đó là tình trạng khiếu kiện xảy ra liên miên.
Khảo sát thực tế cho thấy, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A trực tiếp làm lún, nứt, thấm dột đến nhà cửa của hàng ngàn gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tiến hành kiểm tra, thẩm định, đơn vị chức năng xác nhận có tổng cộng 3.602 hộ dân tại 2 huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương bị ảnh hưởng, qua đó sẽ được đền bù hơn 31 tỷ đồng, trong số này trách nhiệm phía bảo hiểm trên 15 tỷ đồng, phần còn lại thuộc về nhà thầu (Ban Quản lý dự án 1 thuộc Bộ GT-VT).
Theo dự kiến, chậm nhất đến quý I/2016 việc chi trả sẽ chính thức hoàn tất, tuy nhiên diễn biến thực tế lại vô cùng gian nan. Chỉ tính riêng tại 2 xã Quảng Phong và Quảng Ninh (Quảng Xương) đã có khoảng 300 hộ dân vẫn ngày đêm mòn mỏi ngóng chờ đền bù.
Trao đổi với PV, ông Bùi Ngọc Mạch, trú tại thôn Trung Phong (xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương) tiết lộ, các gia đình trong diện bị ảnh hưởng đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng trình bày sự việc, đề nghị vào cuộc quyết liệt để chủ đầu tư có phương án chi trả kinh phí đền bù. Tuy nhiên, những gì ông và người dân nhận được chỉ là lời hứa hẹn sáo rỗng.
Ông Bùi Ngọc Mạch rất bức xúc về việc chủ đầu tư chậm trễ chi trả tiền bồi thường |
“Dự án đã hoàn thành từ đời tám hoánh nào rồi mà công tác bồi thường lại không được đếm xỉa gì đến nơi, thiết nghĩ việc nhận tiền đền bù là thỏa đáng với những thiệt hại mà chúng tôi phải gánh chịu, chẳng hiểu nguyên cớ vì đâu mà việc này không được xử lý đến nơi đến chốn”, ông Mạch bức xúc.
Lâu nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh (cùng thôn Trung Phong) luôn sống trong tâm trạng bất an khi căn nhà đang ở có thể gặp sự cố bất kỳ lúc nào: “Khi thi công, do quá trình rung lu đường với cường độ mạnh nên ngôi nhà nứt toang hoác hết cả, giờ chỉ còn cách phá đi xây lại mới đảm bảo an toàn, khổ nỗi kinh phí biết lấy đâu ra. Chúng tôi mong mỏi sớm nhận được câu trả lời thỏa đáng, chứ như thế này sống thế nào được”. |
Tác giả: VIỆT KHÁNH
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam