Giáo dục

Hàng ngàn sinh viên sư phạm thất nghiệp do trường nào đào tạo?

Trong khi các trường đại học sư phạm chủ chốt chỉ đào tạo khoảng 1/3 tổng số sinh viên sư phạm thì các trường địa phương lại đào tạo gấp 2-3 lần.

Đó là thực trạng mà các chuyên gia đã nêu ra tại buổi làm việc mới đây giữa Đại học Đà Nẵng và Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Đại học địa phương đào tạo ngành sư phạm tràn lan

Phó giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, qua các con số báo cáo về tình hình sinh viên sư phạm sau khi ra trường thất nghiệp có đến 170.000 - 200.000 người.

Hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, cuộc sống của giáo thì khó khăn. Ảnh: TT

Chính điều này làm cho các trường sư phạm hết sức lo lắng. Câu lạc bộ các trường đại học sư phạm (gồm 12 trường đại học sư phạm trên toàn quốc) đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cũng như tìm giải phải để nâng cao chất lượng của giáo dục đào tạo.

“Cứ theo công thức là cắt giảm quy mô đào tạo là 10-20%/năm, năm nay cắt giảm 20% chỉ tiêu. Nhưng một số trường địa phương không phải chuyên về sư phạm nhưng họ đào tạo số lượng gấp 2-3 lần chúng tôi” thầy Trang nói.

Trong đó, nhiều Trường đại học địa phương đào tạo ngành sư phạm một cách ồ ạt. Như Đại học Quảng Bình: 1.200 sinh viên/năm, Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi): 1.100 sinh viên/năm, Đại học Hà Tĩnh: 1.000 sinh viên/năm…

Trong khi Đại học Sư phạm Huế, một trong những cái nôi đào tạo giáo viên của miền Trung cũng buộc phải cắt giảm và chỉ còn 1.000 sinh viên/năm.

Các chuyên gia cũng đặt vấn đề, vậy hệ quả đó là do đâu? Bộ Giáo dục và Đào tạo không kiểm soát, khống chế được số lượng tuyển sinh của các Trường sư phạm địa phương.

“Lý do là Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấp kinh phí cho các trường này hoạt động. Chính các địa phương là đơn vị cấp kinh phí cho trường này và để tồn tại thì họ đặt hàng cho các trường đào tạo giáo viên.

Tôi không dám nói chất lượng các trường đó như thế nào, nhưng tôi chắc chắn là không thể bằng các trường chuyên đào tạo về sư phạm” vị chuyên gia này nêu.

Khống chế chỉ tiêu đào tạo sư phạm ở các trường địa phương

Tại buổi làm việc, thầy Trang cho rằng, cần phải có cơ chế giám sát, khống chế chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm ở các Trường Đại học địa phương. Mục đích của việc này là nhằm để đảm bảo chất lượng cũng như số lượng của giáo viên.

“Các trường địa phương đã đào tạo như thế rồi (đào tạo nhiều) mà còn khi ra trường địa phương đó cũng tạo điều kiện đặc biệt trong công tác tuyển dụng.

Ví dụ như ở tỉnh A thì quy định Sở Nội vụ chỉ tuyển giáo viên ở trường của địa phương đó, chứ không tuyển ở đại học khác” thầy Trang nói.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, cơ chế “ưu ái người nhà” như vậy sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng cũng như nâng cao chất lượng giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tái cấu trúc các trường sư phạm nhưng nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng, không biết đào tạo giáo viên ở các trường đại học địa phương sẽ như thế nào?

Góp ý để cải thiện tình trạng thất nghiệp “khủng” của sinh viên sư phạm, thầy Lưu Trang đề xuất thay đổi cách “ưu ái” cho sinh viên ngành này.

Theo đó, không nhất thiết phải miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm mà thay đổi bằng cách khác để họ có thể yên tâm học tập, rèn luyện tốt trong trường sư phạm.

Đó là tạo điều kiện cho sinh viên có việc làm khi ra trường, nâng cao đời sống, thu nhập cho giáo viên.

Làm sao cho giáo viên có thể sống được với mức lương của mình. “Cách thức này hay hơn so với miễn giảm học phí.

Chúng ta nên mạnh mẽ đề nghị với Quốc hội thay vì miễn giảm học phí bằng một chế độ đãi ngộ cho giáo viên khi đi làm” thầy Trang nói.

Thầy Trang cũng như nhiều chuyên gia khác đã nêu lên thực tế trên và mong muốn Quốc hội xem xét, cân nhắc khi đề cập đến giải pháp tìm lối ra cho ngành sư phạm.

Tác giả bài viết: TẤN TÀI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP