Kinh tế

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, du lịch bị cưỡng chế vì nợ thuế

Hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, du lịch... vừa bị cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế vì các khoản nợ ngân sách quá hạn.

Một dự án của Sơn Kim Land ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đáng chú ý, trong danh sách bị cưỡng chế nợ thuế có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, có tên tuổi với số nợ thuế từ hàng chục tới hàng trăm tỉ đồng.

Thị trường khó khăn, nợ thuế tiền tỉ

Danh sách 100 DN nợ thuế mà Cục Thuế TP.HCM đã công bố mới đây cho thấy tổng số tiền thuế nợ lên đến 7.861 tỉ đồng. Chiếm phần lớn trong số nợ này là các DN liên quan lĩnh vực bất động sản.

Có hai DN bất động sản nợ trên 1.000 tỉ đồng là Công ty CP đầu tư Golden Hill với số thuế nợ 1.289 tỉ đồng. Xếp thứ hai là Công ty CP địa ốc Sông Tiên với số thuế nợ hơn 1.010 tỉ đồng.

Nhiều công ty có tên tuổi khác cũng nợ thuế hàng trăm tỉ đồng như Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn nợ 616 tỉ đồng, Công ty CP Hưng Thịnh Land nợ hơn 555 tỉ đồng, Công ty CP Phát triển kinh doanh nhà 446 tỉ đồng, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cũng nợ thuế gần 300 tỉ đồng.

Góp mặt trong danh sách này còn có Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi, Công ty CP đầu tư Danh Khôi Holdings, Công ty CP đầu tư và phát triển Sơn Kim..., trong đó Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh nợ thuế hơn 210 tỉ đồng, Tập đoàn Danh Khôi nợ 100 tỉ đồng còn Danh Khôi Holdings nợ 91 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư và phát triển Sơn Kim nợ thuế hơn 87 tỉ đồng.

Tại Đà Nẵng, nhiều DN bất động sản cũng bị cưỡng chế thuế bằng hình thức cưỡng chế tài khoản theo danh sách công khai trong tháng 8-2023 của Cục thuế TP Đà Nẵng gồm: Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Phú Gia Thịnh, chủ đầu tư dự án khu đô thị New Da Nang City, nợ 162,1 tỉ đồng; Công ty CP địa ốc Viễn Đông Việt Nam 72,2 tỉ đồng; Công ty TNHH I.V.C (DN có liên quan Vũ "nhôm") 55,1 tỉ đồng...

Theo đại diện một DN bất động sản trong số này, từ sau dịch COVID-19 tình hình kinh doanh rất khó khăn. Dù DN đã áp dụng nhiều ưu đãi, giảm giá nhưng vẫn không bán được, khách hàng vẫn chờ mức giảm sâu hơn.

Dự kiến khó khăn còn kéo dài sang năm 2024 - 2025, DN này cho hay đang tìm mọi cách trả dần nợ thuế bởi nếu bị cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn thì không thể tiếp tục kinh doanh.

Các DN bị cưỡng chế thuế chủ yếu là do nợ thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng. Thông tin DN bị cưỡng chế cũng khiến không ít khách hàng tại các dự án đang triển khai dang dở lo lắng.

Nhiều DN chậm bàn giao, phát sinh tranh chấp, nay chủ đầu tư vướng nợ thuế, hy vọng nhận sổ đỏ của khách lại càng xa vời.

Doanh nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng lao đao
Nhóm DN xây dựng, đầu tư khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cũng bị cưỡng chế thuế nhiều. Hầu hết các DN này nợ thuế do tiền thuê đất tăng cao, không có khả năng chi trả, như tại Đà Nẵng là Công ty CP khách sạn và du lịch Thiên Thai, chủ đầu tư khu du lịch Aryana, nợ 123,9 tỉ đồng; Công ty CP phát triển đô thị du lịch Quảng An Đà Nẵng, chủ đầu tư khu du lịch biển The Song, 65,3 tỉ đồng; Công ty CP Mỹ Phát, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Olalani Resort and Condotel, 26,9 tỉ đồng; Công ty CP Biển Tiên Sa, 12,9 tỉ đồng.

Trước thực trạng nợ thuế tăng cao, Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế cũng như công khai danh sách các DN nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo quy định hiện nay, người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ từ 1 - 30 ngày, cơ quan thuế sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử yêu cầu nộp thuế.

Nợ từ 31 ngày trở lên sẽ ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến từng người nộp thuế, yêu cầu nộp ngay tiền thuế. Nếu nợ từ 91 ngày trở lên sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản. Nợ thuế từ 121 ngày, cơ quan thuế sẽ thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết hiện rất nhiều DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, khó khăn và bị cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn.

Họ không thể phát hành hóa đơn, khi cần phải mua từng tờ hóa đơn lẻ và phải nộp 18% trên giá trị hóa đơn lẻ xem như một biện pháp thu nợ dần. Tuy nhiên, do quá khó khăn nên các DN này chấp nhận.

Nhiều tên tuổi bị cưỡng chế thuế

DN bị cưỡng chế thuế theo danh sách công khai trong tháng 8-2023 của Cục Thuế TP Đà Nẵng còn có Công ty CP Regal Group, nợ 56 tỉ đồng; Công ty CP đầu tư Quốc Bảo, 37,4 tỉ đồng; Công ty CP Danh Khôi miền Trung nợ 16,4 tỉ đồng; Công ty CP PPC An Thịnh Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án căn hộ và khách sạn Wyndham Soleil Đà Nẵng, 10 tỉ đồng; Công ty TNHH Empire Hospitality, dự án Cocobat Đà Nẵng, 7,3 tỉ đồng; Công ty CP Tập đoàn đầu tư GAIA, 4,9 tỉ đồng...

Bên cạnh đó là các DN ngành khác: Công ty CP đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước, chủ đầu tư khu du lịch cao cấp ven biển Non Nước, nợ 10 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng nợ 32 tỉ đồng...

Thu hồi lớn, khoanh và xóa nợ cũng nhiều

Trong nửa đầu năm nay, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành 45.473 quyết định cưỡng chế thuế. Tổng số nợ thuế đã thu hồi được là 12.709 tỉ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về khoanh nợ, xóa nợ thuế không còn khả năng thu theo nghị quyết số 94 của Quốc hội, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã khoanh nợ cho 119.975 lượt người nộp thuế với số tiền 4.658 tỉ đồng.

Lũy kế, UBND TP.HCM đã ban hành 329 quyết định xóa nợ cho 17.232 lượt người nộp thuế với tổng số tiền chậm nộp là 499,9 tỉ đồng. Tổng cục Thuế đã ban hành 12 quyết định xóa nợ cho 12 lượt người nộp thuế với tổng số tiền chậm nộp là 78,8 tỉ đồng.

Trước đó, sơ kết sáu tháng, Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết nợ thuế tại TP.HCM lên đến 53.022 tỉ đồng.

Đáng chú ý, nợ thuế tăng đột biến 12.672 tỉ đồng do nợ từ các công ty địa ốc. Trong đó, Công ty quốc tế Thế Kỷ 21 nợ nhiều nhất 6.146 tỉ đồng, Công ty Thuận Việt nợ 2.696 tỉ đồng, Công ty Xuyên Việt Oil nợ 1.531 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH phát triển Quốc tế Thế Kỷ đang là chủ đầu tư dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, TP Thủ Đức. Đây cũng là một trong bảy dự án trọng điểm mà TP.HCM "quyết liệt" tháo gỡ vướng mắc.

Trong khi đó, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thuận Việt được UBND TP.HCM giao thực hiện dự án 1.330 căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, dự án này với tên gọi New City Thủ Thiêm sau đó bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra Công ty Thuận Việt tự ý thay đổi thiết kế từ dự án tái định cư sang nhà ở thương mại trái luật.

Tác giả: Tấn Lực - Ánh Hồng

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP