Trong lúc chờ các trường đại học công bố điểm chuẩn tuyển sinh dựa vào điểm thi THPT quốc gia, hàng nghìn người đã chắc suất vào đại học theo con đường xét tuyển học bạ.
Phương thức tuyển sinh này có từ lâu nhưng những năm gần đây, nó trở nên phổ biến hơn, không còn giới hạn ở các trường “tốp dưới” như quan niệm của nhiều người.
Phương thức xét tuyển học bạ ngày càng phổ biến ở các trường với chỉ tiêu tuyển sinh từ 10% đến 70% tổng chỉ tiêu. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Hàng nghìn thí sinh không thi cũng đỗ
Năm nay, cả nước có khoảng 100 trường tuyển sinh theo phương thức xét điểm quá trình học THPT, chiếm từ 10% đến 70% tổng chỉ tiêu của trường.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức này là “điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với trình độ đại học”.
Hai năm gần đây, bộ bỏ quy định điểm sàn. Các trường tự chủ hơn trong tuyển sinh, bao gồm việc xác định điểm chuẩn học bạ. Nhiều trường lấy điểm chuẩn thấp hơn mức 18 (điểm sàn năm 2017).
Năm nay, điểm trúng tuyển học bạ của các trường dao động trong khoảng rộng. ĐH Phú Xuân (Huế) lấy 16,5 điểm cho tất cả ngành học. ĐH Lạc Hồng (TP.HCM) lấy điểm chuẩn từ 18 đến 24.
Với ĐH Tài chính - Marketing (TP.HCM), thí sinh có điểm trung bình từ 6,37 được tuyển thẳng hệ đại học chương trình chất lượng cao. Các chương trình quốc tế, đào tạo đặc thù và đào tạo đại trà của hệ đại học có điểm trúng tuyển cao hơn, từ 6,7 đến 7,28.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) duyệt điểm trúng tuyển theo trung bình cộng kết quả học tập cả năm lớp 10, 11 và lớp 12 bậc THPT từ 8 đến 9,07.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng việc đánh giá kết quả học tập ở THPT chuẩn chỉ, đáng tin cậy rất quan trọng. Việc tùy tiện nâng điểm để học sinh vào đại học bằng được sẽ làm khổ các em trong tương lai và hệ luỵ kéo theo là chất lượng giáo dục phổ thông sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Nó cũng ảnh hưởng xấu đến đào tạo nhân lực do mất cân đối trình độ đào tạo, khối giáo dục nghề nghiệp khó tuyển sinh. |
Ngoài ra, nhiều trường khác như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hiến lấy điểm chuẩn khoảng 6-6,5 điểm/môn.
Với hình thức xét tuyển học bạ (hoặc xét tuyển thẳng kết quả học tập), hàng nghìn thí sinh đã trúng tuyển. Trong đó, hơn 2.000 thí sinh đỗ vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Ở Học viện Tài chính, con số này lên đến 3.700 em và trường vẫn còn đợt xét tuyển khác.
Việc các trường lấy điểm đầu vào khá thấp theo hình thức xét học bạ gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Không ít ý kiến nghi ngại rằng phương thức xét tuyển này dễ xảy ra tiêu cực, bởi phụ huynh có thể bỏ tiền "làm đẹp" học bạ cho con.
Nỗi lo này dường như được "tiếp sức" khi năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương dính gian lận về điểm số, không ai dám chắc điểm học bạ không thể thay đổi. Lập luận của không ít người là đi thi có người tổ chức, giám sát còn xảy ra tiêu cực như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, huống hồ là xét học bạ.
"Để trường chủ động đầu vào, quan trọng là siết đầu ra"
Trao đổi với Zing.vn về việc tuyển hơn 2.000 thí sinh từ phương thức xét học bạ, ông Nguyễn Thiện Duy, Chánh văn phòng ĐH Kinh tế TP.HCM, khẳng định nhà trường làm đúng với đề án tuyển sinh đã công bố. Con số 2.000 thí sinh chiếm 30% chỉ tiêu năm nay.
Ông giải thích trường có nhiều tiêu chí phụ đi kèm như phải là học sinh giỏi 3 năm liên tiếp, điểm trung bình môn Tiếng Anh từ 8 trở lên… Ngoài ra, mỗi ngành còn có tiêu chí phụ riêng đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và công khai với thí sinh, xã hội.
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc thay đổi tư duy, cần quan tâm quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra hơn là chỉ lo điểm đầu vào. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Về việc số lượng thí sinh được tuyển thẳng tăng mạnh so với các năm trước, ông Duy cho hay sau một thời gian đào tạo, nhà trường nhận thấy những sinh viên được chọn từ phương thức này có kết quả học tập tốt nên ĐH Kinh tế TP.HCM muốn mở rộng tuyển sinh.
“Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển của trường rất nhiều, không đến nỗi không tuyển được 5.000 chỉ tiêu, nên nói trường vơ vét nguồn tuyển là không đúng”, Chánh Văn phòng nhà trường khẳng định.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng nỗi lo chất lượng xuất phát từ lối tư duy tồn tại hàng chục năm nay, là phải chuẩn đầu vào thông qua thi… Nhưng theo ông, đầu vào qua thi cử chưa phải yếu tố quyết định chất lượng vì còn cả quá trình học tập mấy năm ở đại học.
Cùng quan điểm, TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Mỹ (IAE), cho rằng nhiều người quen với cụm từ “thi đại học” nên cảm thấy xét tuyển bằng học bạ không đúng. Việc chỉ quan tâm đầu vào mới thực sự hạn chế, chứng tỏ năng lực đào tạo của đại học kém.
“Đầu vào nên để các trường chủ động. Cơ quan quản lý cần siết đầu ra, xem tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, đáp ứng được nhu cầu không”, ông Minh nói.
Về câu chuyện người phải thi kẻ chỉ xét học bạ có công bằng, TS Đàm Quang Minh cho rằng việc thiếu đồng đều trong đánh giá giữa các trường, thậm chí tình trạng “thả lỏng điểm” không phải vấn đề đáng lo ngại.
Ông cho biết ở Mỹ, các trường không thống nhất nhưng không ảnh hưởng tới việc đại học tuyển sinh dựa trên kết quả học tập. Đại học cộng đồng còn rất “mở”, ai đăng ký đều được học. Họ không hạn chế cơ hội học lên của học sinh, cũng không lo lắng về việc đánh giá quá trình học phổ thông không đúng thực chất.
Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác cũng không tổ chức thi, chú trọng xét quá trình học. Do đó, tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ phù hợp xu thế và cần thiết.
Vấn đề của nước ta hiện nay là tỷ lệ học sinh vào đại học còn thấp so với khu vực và thế giới. Người học ít vào đại học mà chọn xuất khẩu lao động là xu thế ngược, rất nguy hiểm, dù trước mắt, nó có thể tốt.
“Nếu cứ định kiến như vậy, bao giờ tỷ lệ mới tăng được. Mỗi năm, hàng nghìn học sinh Việt Nam du học bằng học bạ. Tại sao ra quốc tế dễ mà trong nước lại khó”, ông Minh đặt câu hỏi.
Tác giả: Nguyễn Sương - Minh Nhật
Nguồn tin: zing.vn