Anh Hồ Văn Hồng (áo kẻ xanh) kể chuyện giải cứu các em.
Chạy trốn khỏi địa ngục trần gian
Chiều 10/7, phóng viên báo Câu chuyện Pháp luật nhận được điện thoại của một người dân xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) về việc có 2 thanh thiếu niên vừa trốn thoát khỏi bãi vàng.
Lần theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến nhà anh Hồ Văn Hồng (41 tuổi, tổ 7, thôn Ngọc Lâm, xã Bình Lâm), người vừa giải cứu và đưa 2 thanh thiếu niên này về nhà.
Em Cụt Văn Toại, một trong hai phu vàng kể, sau Tết Nguyên đán Bính Thân, một người tên là Mão, quê ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đến xã Lượng Minh tuyển người đi làm phu vàng ở Quảng Nam. Vì muốn có tiền phụ giúp gia đình nên Toại, Cầu cùng 5 người khác rời quê hương theo lời của Mão. Khi đi, mọi người hy vọng kiếm được chút ít tiền để làm vốn trở về quê sinh sống.
Cụt Văn Toại xúc động khi nhận quần áo mới ông Ôn mua cho.
Cả 7 người được giới thiệu đến làm tại một bãi vàng ở làng Hồi, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Mão được chủ bãi tên là Phụng trả cho 14 triệu tiền công môi giới lao động. Làm việc chưa được một tháng, nhiều người đã không chịu nổi bởi chế độ lao động hà khắc.
Theo lời em Toại kể, các phu vàng phải làm việc từ 6h đến 23h. Hàng ngày, các phu vàng phải chui vào hầm sâu để đào đất, vác đá, nổ mìn... Mọi người bị bắt làm việc nặng nhọc và làm không ngơi tay. Nếu ai bê trễ hay có ý định nghỉ việc sẽ bị đánh đập. Chủ bãi không cho mọi người ra ngoài, cuộc sống của các phu vàng khép kín trong bãi vàng và bị theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Công việc luôn cận kề với nguy hiểm nhưng các phu vàng lại bị chủ bãi đối xử rất tàn nhẫn. Một ngày, các phu vàng được chủ bãi cho ăn 2 bữa, chủ yếu cơm với rau, thỉnh thoảng mới có vài lát thịt hay cá nục.
Thế nhưng rau cũng không được ăn nhiều, một bó rau muống phải ăn trong 3, 4 ngày. Có hôm, nhóm các em được phát cho 5 con cá nục nhỏ bằng ngón tay để kho nấu. Sau khi thấy các em ăn hết trong một ngày, chủ bãi đã la mắng: “Ăn gì mà ăn nhiều quá vậy!”.
Theo thỏa thuận ban đầu, các phu vàng sẽ được nhận lương với mức 4 triệu/tháng. Tuy nhiên, khi làm được 3 tháng các em vẫn không có lương. Áo quần, dầu gội các em cũng không được phát. Vì không chịu nổi sự bóc lột của chủ bãi mà sau khi làm được 2 tháng, 5 người cùng quê đã trốn về. Riêng Toại và Cầu còn nhỏ nên mọi người không rủ đi, sợ dễ bị lộ.
Tháng 4/2016, Toại cũng tìm cách trốn về. Run rủn cho cậu bé, chưa đi khỏi bãi vàng đã bị chủ bãi bắt lại và đánh cho một trận. Không chịu được đòn roi, Toại phải cầu xin chủ bãi tha cho em và hứa sẽ ở lại làm một năm.
Tuy nhiên, cuộc sống ở bãi vàng như địa ngục trần gian nên Toại vẫn nung nấu ý định trốn. Lúc này, nhóm người cùng quê đã về, chỉ còn mình Toại và Cầu, Cầu lại bé nhỏ nên Toại quyết tâm đưa Cầu cùng trốn với mình. Sáng sớm 6/6, nhân cơ hội chủ bãi say rượu, Toại và Cầu lén bỏ đi.
Ra khỏi bãi vàng, hai cậu bé cứ nhắm theo hướng đường dây điện để ra khỏi cánh rừng. Vì chỉ có một đôi dép nên Toại phải nhường để Cầu đi, còn Toại đi chân đất. Hai thanh thiếu niên cứ bươn rừng mà đi trong nỗi lo sợ sẽ bị chủ bãi bắt lại.
Mệt lả vì đói khát nhưng khi nghĩ đến việc lao động ở bãi vàng là 2 cậu bé lại quyết tâm chạy trốn khỏi địa ngục. Đi mãi cho đến tối vẫn chưa ra được khỏi rừng, 2 phu vàng “nhí” hái lá cây lót dưới đất nằm ngủ.
Em Hồng Văn Cầu.
Sáng sớm 7/6, Toại và Cầu thấy một lán trại giữa rừng keo. Đây là rừng keo của anh Hồng. Theo lời anh Hồng kể, khi thấy 2 thanh thiếu niên đi từ phía rừng Phước Sơn ra với trạng thái mệt mỏi và đói khát, nghi ngờ 2 em này gặp chuyện chẳng lành giữa rừng xanh nên anh Hồng bắt chuyện hỏi han.
Khi biết Toại và Cầu đang trên đường bỏ trốn khỏi bãi vàng, anh Hồng liền dẫn 2 thanh thiếu niên này vào lán trại của mình rồi lấy cơm cho các em ăn. Sáng hôm sau, anh Hồng ra chợ mua dép, quần áo cho Toại và Cầu mặc.
Nhiều trường hợp sau khi phu vàng bỏ trốn, chủ bãi sẽ cho người đi truy tìm để bắt đưa trở lại. Vì vậy, anh Hồng giấu 2 phu vàng nhí trong trại mình trong hai ngày cho mọi việc lắng xuống. Đến đêm 9/7, anh Hồng và một tài xế xe xúc đất chở Toại và Cầu về nhà anh tại xã Bình Lâm.
Lòng nhân hậu của người dân đất Quảng
Trước khi chúng tôi đến thăm Toại và Cầu, nhà anh Hồng đã có rất đông người. Anh Hồng kể, sau khi nghe tin anh giải cứu 2 phu vàng “nhí”, người dân địa phương đã đến chia sẻ, động viên hai em.
Người vài chục ngàn đồng nhưng họ đã góp bằng lòng nhân hậu và sự yêu thương để các em có lộ phí về quê. Anh Hồng vui vẻ nói với chúng tôi: “Người dân góp cho các em được 870 ngàn rồi. Tôi chỉ mong sao các em về nhà được bình an”.
Khi được hỏi về bọc quần áo trên tay, ông Lê Công Ôn (thôn Nhì Tây, xã Bình Lâm) cho biết, đó là quần áo ông bỏ tiền ra mua cho Toại và Cầu. Ông bảo: “Các cháu này đang tuổi ăn tuổi ngủ, đáng lý ra phải được đến trường. Vậy mà trở thành những lao động khổ sai, rất đáng thương. Nếu không thoát khỏi bãi vàng, ngoài công việc nặng nhọc, các phu vàng còn phải đối mặt với nguy hiểm và ma túy”.
Theo lời em Toại kể, bố mẹ em có 5 người con, em là con thứ 3. Bố mẹ em đều làm rẫy nên cuộc sống rất khó khăn. Cũng chính vì vậy, học đến lớp 8 thì em nghỉ để phụ giúp gia đình. Em từng nghe nói đi đãi vàng rất nguy hiểm, nhưng trong làng nhiều người đi đãi vàng trở về và có chút ít tiền nên em cũng muốn đi để giúp đỡ bố mẹ. Khi vào làm ở bãi vàng em mới biết đấy là địa ngục trần gian.
Hơn 5 tháng qua, em không được nhận một đồng lương nào. Điện thoại của em cũng bị chủ bãi thu để ngăn chặn việc em gọi điện về cho gia đình. “Bây giờ nghĩ lại cảnh trong bãi vàng em vẫn còn sợ hãi”, Toại chia sẻ.
Về Cầu, cậu bé này có số phận rất đáng thương. Ba mẹ mất khi Cầu còn nhỏ nên em không được học hành. Cầu có một chị gái nhưng chị có chồng sang Trung Quốc nên Cầu phải ở với người chị họ. Dù thân hình bé nhỏ nhưng Cầu phải mưu sinh để kiếm sống từ rất sớm. Khi đi vào Quảng Nam, Cầu chỉ có một đôi dép cũ nên chẳng bao lâu, dép đứt quai nên Cầu phải đi chân đất làm việc.
“Hôm chạy trốn, cũng may anh Toại thương em mà nhường dép cho em mang, nếu không chân em không biết thế nào. Còn anh Toại, chân anh ấy bị lở loét, sưng lên rất tội nghiệp”. Những ngày làm việc trong bãi vàng, Cầu được giao nhiệm vụ đẩy xe đất và xay đá.
Công việc nặng nhọc nhưng vì sợ chủ bãi đánh đập mà cậu bé với thân hình 35kg đã phải cố vắt kiệt sức của mình làm việc. Khi chúng tôi nhắc đến bãi vàng, đôi mắt em vẫn chưa hết sợ hãi.
Khi mới gặp anh Hồng, Toại và Cầu rất dè dặt. Nhưng đến giờ các em đã vui tươi vì gặp được người tốt. “Anh Hồng cho em mượn điện thoại gọi về nhà. Em đã gọi về cho anh rể, vì ba mẹ em đi làm trên rẫy nên không liên lạc được. Anh rể em bảo em hãy về quê”, Toại kể.
Anh Hồng cho biết, sáng 11/7, anh sẽ đưa Toại và Cầu đi cắt tóc. Sau đó, anh sẽ đưa 2 em ra báo cáo sự việc với chính quyền địa phương. “Ban đầu, tôi nghĩ sẽ cho tiền các em trở về quê. Nhưng anh Ôn khuyên tôi nên báo sự việc để chính quyền địa phương và cộng đồng giúp đỡ các em, đồng thời, tuyên truyền để không còn những trường hợp rơi vào tình cảnh như thế này”.
Tác giả bài viết: Phương Nam