"Vài ngày trước, một khách hàng giận dữ gọi điện tới trung tâm nói rằng kết quả xét nghiệm quan hệ cha con của chúng tôi đã sai", Wang Xufang - giám đốc trung tâm xét nghiệm ADN nói với phóng viên của Sina.
Lần xét nghiệm đầu tiên: Con trai 5 tuổi không phải con ruột
Wang Xufang kể lại rằng đó là một người đàn ông ở Chiết Giang (Trung Quốc) dẫn theo cậu con trai đến trung tâm vào tháng trước và yêu cầu xét nghiệm quan hệ cha con. Theo như lời người đàn ông thì kết quả giám định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc hôn nhân của anh.
Theo thủ tục, có 2 nhân viên ở trung tâm có mặt tại đó, toàn bộ quá trình được ghi hình, quay video, chụp ảnh và người đàn ông cũng được yêu cầu ký các văn bản liên quan. Sau đó, Wang Xufang tiến hành thu thập mẫu máu của hai cha con làm mẫu xét nghiệm ADN, dung tích khoảng 1ml.
Sau 7 ngày đã có kết quả, Wang Xufang thông báo cho người đàn ông đến trung tâm và đích thân đưa anh kết quả. Theo báo cáo, đứa trẻ không phải là con ruột của người đàn ông.
"Tôi tưởng rằng giống như hầu hết các trường hợp giám định khác, sự việc sẽ kết thúc tại đây", giám đốc Wang Xufang nói. Không ngờ, hơn 10 ngày sau, người đàn ông này tức giận gọi điện tới và nói rằng kết quả giám định là sai, chê trách trung tâm làm việc tắc trách.
Người cha dẫn con tới trung tâm làm xét nghiệm ADN nhận kết quả không phải con ruột khiến anh không thể chấp nhận. (Ảnh minh họa) |
Lần xét nghiệm thứ hai: Con trai là con ruột
Sau khi giám đốc Wang Xufang xoa dịu cảm xúc của người đàn ông qua điện thoại đã đề nghị anh quay trở lại trung tâm thẩm định lần nữa. Tại đây, người đàn ông kể về quá trình xét nghiệm quan hệ cha con lần thứ hai.
Hóa ra sau khi nhận được bản báo cáo thẩm định đầu tiên, người đàn ông bị sốc và cảm thấy khó chấp nhận. Lúc này, anh tình cờ nhìn thấy một quảng cáo nhỏ của một công ty sinh học ở Thượng Hải, trong đó ghi rằng chỉ cần gửi mẫu máu qua đường bưu điện có thể tiến hành xét nghiệm quan hệ cha con một cách dễ dàng và thuận tiện. Vì vậy, anh quyết định thực hiện một cuộc thẩm định khác: Bí mật thu thập mẫu máu của mình và con trai rồi gửi chúng đến công ty ở Thượng Hải bằng chuyển phát nhanh.
Sau hơn 10 ngày hồi hộp chờ đợi, anh nhận được cuộc gọi từ bên kia xác nhận đứa trẻ chính là con ruột của mình. Kết quả này phù hợp với tâm lý của người đàn ông nên mới xảy ra sự việc ở đầu bài viết.
Tuy nhiên, giám đốc Wang Xufang tự tin vào chuyên môn của mình trong việc làm xét nghiệm và cảm thấy nghi ngờ với kết quả giám định lần 2 của người đàn ông. Do đó, ông đã đề nghị khách hàng cho xem lại báo cáo thẩm định từ trung tâm ở Thượng Hải.
Sau khi so sánh hai kết quả, Wang Xufang phát hiện ra mẫu ADN của đứa trẻ trong 2 mẫu xét nghiệm vẫn y nguyên nhưng thông tin ADN của người cha trong 2 mẫu lại hoàn toàn khác nhau, khẳng định không phải của cùng một người.
Wang Xufang đã đề nghị người đàn ông làm xét nghiệm ở một trung tâm thứ 3 và nhắc anh phải đích thân tới trung tâm lấy mẫu, không gửi qua đường bưu điện. Kết quả lần 3 sau đó cho thấy người đàn ông không phải cha ruột của đứa trẻ.
Sau khi có kết quả và xem phần so sánh của Wang Xufang, người đàn ông như “ngộ ra” được điều gì đó. Cuối cùng một sự thật đã được hé lộ, hóa ra vợ của anh vô tình phát hiện ra chồng làm giám định xét nghiệm huyết thống nên đã bí mật đổi mẫu máu của chồng với mẫu máu của cha ruột đứa trẻ.
Hầu hết xét nghiệm ADN đều dựa trên mẫu máu và cho kết quả chính xác cao. (Ảnh minh họa) |
Trước câu chuyện của giám đốc Wang Xufang, phóng viên thắc mắc: "Liệu xét nghiệm ADN có nhất thiết phải dùng mẫu máu không? Có thể dùng các mẫu khác như tóc không vì trên phim thường thấy làm như vậy".
Wang Xufang cho biết ngoài mẫu máu, có thể lấy mẫu ADN từ tàn thuốc lá, bàn chải đánh răng... Mẫu cụ thể được sử dụng tùy thuộc vào hoàn cảnh khác nhau của người được xác định.
Còn về mẫu tóc, có một vấn đề mà nhiều người lầm tưởng đó là chỉ cần cắt một phần tóc có thể dùng xét để nghiệm quan hệ cha con. Trên thực tế, với các phương tiện kỹ thuật hiện tại, thông tin ADN không thể được phát hiện từ thân tóc. Tóc có thể dùng làm mẫu xét nghiệm quan hệ cha con phải có nang tóc.
Hiện nay, mẫu máu chiếm khoảng 70% các xét nghiệm quan hệ cha con. Mẫu máu cũng dễ lấy lại không dễ bị ô nhiễm làm ảnh hưởng kết quả.
Tác giả: HOÀNG THÙY
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn