Nỗ lực hàng thế kỷ vẫn theo tục cũ
Mới đây, tại Đồng Văn, Hà Giang, chúng tôi được chứng kiến đám tang của một gia đình người Mông cư trú trong hẻm núi heo hút sát biên giới. Khi chúng tôi đến, thi thể người chết được người nhà hạ xuống từ cáng treo bên hông nhà, làm lễ tiễn và dâng bữa cơm cuối cùng. Trước đó, gia đình đã có ít nhất 3 ngày sinh sống cùng với thi thể người chết ở trong nhà, cúng cơm hàng ngày và ăn uống phục vụ đám ma cùng nhiều thể thức nghi lễ rườm rà khác.
Tiếng khèn Mông và tiếng khóc của người nhà diễn ra lần cuối. Sau đó, những người đàn ông khiêng chiếc cáng đi giật lùi ra khỏi nhà rồi chạy thật nhanh trên con đường đá ra huyệt mộ đã đào sẵn. Những phụ nữ chỉ tiễn chứ không đưa, phải dừng lại ở cửa ngõ. Tại huyệt mộ, thi thể người chết mới được đưa vào áo quan và chôn. Xong nghi lễ hạ huyệt thì toàn bộ tang quyến cũng chạy thật nhanh về nhà.
Giải thích vì sao tồn tại những nghi thức tang ma như vậy, chủ nhà cho biết người Mông có tục kiêng phụ nữ không đi đưa ma. Khi đàn ông khiêng cáng ra huyệt mộ phải chạy nhanh để con ma không biết đường tìm về lại nhà cũ và khi chôn xong cũng chạy thật nhanh để ma không theo về, làm hại người sống. Họ tin rằng có chuyện “ma bắt” về rủ người sống chết theo. Với họ, vẫn tồn tại một sự ám ảnh sợ hãi về chuyện trùng tang truyền đời từ xưa để lại, truyền miệng nỗi ám ảnh từ người này sang người kia mà không có một chứng cứ xác thực nào về điều đó.
Thanh Hóa là địa phương có nhiều nhất trong cả nước số người dân tộc Mông sở tại và người Mông di cư từ các vùng khác tới đây sinh sống tập trung tại các huyện biên giới. Khu vực này cũng chịu ảnh hưởng của nhiều nét văn hóa từ các địa phương khác pha trộn và song song tồn tại. Người Mông vốn là dân tộc có tín ngưỡng sâu sắc và đặc biệt phục tùng quy ước lệ làng, dòng họ nhiều đời không thay đổi.
Đám ma của người Mông ở đây trước kia thường để trong nhà từ 3 - 7 ngày mới chôn cất. Thi thể người quá cố không được cho vào quan tài mà được đặt trên cáng đan bằng tre, treo cao hơn mặt đất khoảng 1m, đợi thầy cúng bấm chọn ngày giờ và phải mang ra tận chỗ chôn cất mới được cho vào áo quan. Trong thời gian đó, vẫn tiến hành các thủ tục cúng, viếng, ăn uống sinh hoạt đông người ở trong gia đình có người chết.
Người dân không theo nếp mới vì việc tuyên truyền chưa hiệu quả
Để giải nghĩa ngọn ngành tục chỉ nhập quan trước khi chôn cất người chết của dân tộc Mông, có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Nhưng có thể thấy điều đó xuất phát từ việc trong lịch sử, dân tộc Mông là tộc người du canh, du cư và sinh sống trên núi cao với gia cảnh nghèo khó. Mỗi khi có người chết, không có tiền mua áo quan mà chỉ bó chiếu hoặc lót lá cây rừng dưới huyệt. Thêm nữa, cũng không có luật tục nào quy định về nơi chôn cất người chết. Bất cứ khoảnh rừng hay chỗ đất trống nào cũng có thể đặt huyệt mộ.
Dần dần về sau, tử thi được bỏ trong quan tài để chôn cất, song quá trình tổ chức đám tang vẫn tuân theo lệ cũ là để bên ngoài và để lâu ngày rất không hợp vệ sinh. Đây là điển hình của thói quen sinh hoạt lâu dần trở thành luật tục mà không ai dám làm trái. Cá biệt còn có những người Mông quan niệm rằng làm trái quy định của tổ tiên là phạm vào lời nguyền, có thể dẫn đến trùng tang, hay những người thân trong gia đình người quá cố có thể lụn bại, đau ốm, chết sớm.
Các địa phương có đồng bào Mông sinh sống đều coi việc vận động người Mông bỏ hủ tục là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tuy nhiên, không địa phương nào khẳng định hủ tục này đã vĩnh viễn bị loại bỏ khỏi cộng đồng. Điều ăn sâu vào tiềm thức của họ chính là những lý giải về gốc gác của tục này chưa được thấu tỏ. Nhiều gia đình người Mông chôn cất người chết theo nếp mới là do họ tuân thủ theo những quy định của chính quyền sở tại, ý thức chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước chứ chưa được tuyên truyền cặn kẽ, có kiến thức đúng dẫn đến thay đổi hành vi.
Đa số các địa phương đều hỗ trợ các gia đình người Mông kinh phí mua áo quan để chôn người chết. Điều này mang lại lợi ích cho cả tang gia, địa phương và cộng đồng người dân ở đó. Với thói quen trông chờ hỗ trợ miễn phí và cũng không phải lúc nào cũng được tuyên truyền giải thích nên người dân vẫn hiểu rằng, họ được hỗ trợ mua áo quan để chôn người chết theo cách phổ thông, chứ không thật sự hiểu ra rằng những hủ tục của chính dân tộc mình cần được thay đổi từ trong ý thức.
Đó là câu trả lời, vì sao công tác tuyên truyền vẫn còn phải tiếp diễn dài lâu để thay đổi nhận thức về một số tập tục, lối sống ở vùng miền núi dân tộc thiểu số.
Tác giả bài viết: Thụy Văn
Nguồn tin: