Theo trình bày của ông Nghĩa, vợ chồng ông có 4 người con (3 gái, một trai). Quá trình sinh sống tạo lập được khối tài sản chung bao gồm một lô đất hơn 500m2 ở phường Đại Nài. Trên đất này xây 3 ngôi nhà, mở tiệm bán kẹo cu đơ nổi tiếng nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình còn có một lô đất hơn 100m2 ở xã Thạch Bình.
Năm 2008, vợ ông qua đời mà chưa kịp lập di chúc. Các thành viên trong gia đình thống nhất lập một "biên bản họp gia đình", thống nhất chia cho người anh cả miếng đất hơn 100m2 ở xã Thạch Bình, cùng nửa tỷ đồng. Mảnh đất hơn 500m2, nằm trên quốc lộ 1A (phường Đại Nài) chia cho 3 con gái.
Vài năm gần đây, ông Nghĩa chuyển về ở với cháu nội trên miếng đất ở Thạch Bình do bố cô này giao lại. Trong 3 con gái, một người vào miền Nam định cư, 2 người còn lại đang sống trên miếng đất tại phường Đại Nài, mở tiệm bán kẹo cu đơ do người con tên Tình làm chủ.
Do nhiều vướng mắc với chính quyền, miếng đất ở phường Đại Nài dù đã ở nhiều năm song chưa được cấp sổ đỏ. Ông Nghĩa cho hay, năm 2014, khi có cơ hội làm sổ đỏ, ông ra văn phòng công chứng để hủy "biên bản họp gia đình" lập trước đó, chuẩn bị hồ sơ để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên mình, song bà Tình không chấp nhận.
"Tôi muốn làm sổ đỏ để chia phần thừa kế miếng đất này ra 5 phần, gồm tôi và 4 con. Tuy nhiên, các con gái phản ứng nên chưa thể làm, tôi làm đơn khởi kiện chia thừa kế nhờ TAND TP Hà Tĩnh giải quyết", ông Nghĩa nói.
Sau nhiều lần hòa giải bất thành, năm 2016, TAND TP Hà Tĩnh đưa vụ kiện ra xét xử. Tuy nhiên tại phiên tòa, bà Tình có đơn khiếu nại, yêu cầu thụ lý giải quyết đơn khởi kiện một văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Tĩnh vì hủy "biên bản họp gia đình" theo yêu cầu của bố, đồng thời trình đơn yêu cầu tuyên bố ông Nghĩa mất năng lực hành vi dân sự.
Tháng 9/2016, TAND TP Hà Tĩnh không chấp nhận nội dung khiếu nại này của bà Tình, cho hay ông Nghĩa từ chối giám định năng lực hành vi do đang khỏe mạnh và minh mẫn. Đối với vấn đề kiện văn phòng công chứng, tòa cho rằng trong trường hợp này bà Tình không có quyền khởi kiện, theo quy định tại điều 186, Bộ luật tố tụng dân sự.
Không đồng ý với phán quyết đó, bà Tình gửi đơn lên tòa cấp cao. Phiên tòa từ đó tới nay chưa hẹn ngày mở lại.
Mái tóc bạc phơ, ông Nghĩa nói với VnExpress, lúc quyết định kiện con gái ông đã suy nghĩ, trăn trở nhiều tháng. Khi con gái yêu cầu tòa trưng cầu giám định về năng lực hành vi của mình, ông đã từ chối ngay. "Tôi còn sinh hoạt, làm thơ ở hội người cao tuổi thì không thể lẩn thẩn được", ông nói và cho hay nếu con rút đơn yêu cầu giám định năng lực hành vi, ông sẽ hủy vụ kiện, còn không sẽ theo đuổi đến cùng.
Bà Tình cho hay, gia đình bà có truyền thống gia giáo, bản thân từng là hiệu trưởng về hưu, bố là người có uy tín, được mọi người quý trọng. Việc hai bố con đưa nhau ra tòa như ngày hôm nay là điều bà không mong muốn. Bà cho rằng "có người xúi giục bố đâm đơn kiện và việc này ít nhiều liên quan đến tình hình kinh doanh của tiệm kẹo cu đơ".
"Ai đời bố lại đi kiện con. Tôi làm đơn đề nghị tòa tuyên bố mất năng lực hành vi đối với ông là muốn mọi việc trong ấm ngoài êm. Nếu bố mất năng lực hành vi thì việc ông kiện con gái được hiểu do lẩn thẩn nên làm vậy. Khi đó vụ kiện sẽ kết thúc, còn nếu không danh tiếng ông tạo dựng cả đời sẽ đổ sông đổ bể", bà Tình lý giải.
Người con 55 tuổi giữ nguyên lập trường muốn "trong ấm ngoài êm" nên vẫn yêu cầu tòa cấp cao thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố mất năng lực với bố, khẳng định quyết tâm theo đuổi vụ kiện.
"Suy cho cùng, ai thắng trong vụ kiện này cũng đều là thua. Hay ho gì chuyện bố con kiện nhau, dẫn tới việc 'làm trò cười cho thiên hạ' như thế này. Nhưng tôi không thể làm khác, thương hiệu kẹo cu đơ trên miếng đất này do tôi tạo ra, gia sản cũng do vợ chồng tôi gầy dựng, không thể chia'', bà Tình nói và khẳng định có cơ sở để thắng kiện.
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Tĩnh cho hay, theo luật, ông Nghĩa có quyền khởi kiện, tài sản do vợ chồng gây dựng thì có quyền đòi chia. Khi thụ lý tòa sẽ xem xét trên hai vấn đề: Xác định tài sản riêng của ông Nghĩa trong khối tài sản chung với các con và xác định tài sản riêng của ông này trong tài sản người vợ để lại. Khi con gái yêu cầu tòa tuyên bố ông Nghĩa mất năng lực hành vi, ông có quyền từ chối giám định, bởi luật chưa bắt buộc. Tuy nhiên nếu để vụ kiện kéo dài thì ông sẽ bất lợi do tuổi ngày càng cao. Về vấn đề liên quan 'biên bản họp gia đình', trong khi phân xử tòa sẽ xem xét nó có giá trị pháp lý hay không. Việc bà Tình yêu cầu khởi kiện văn phòng công chứng sẽ làm kéo dài thời gian xử lý vụ án. |
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Tác giả bài viết: Đức Hùng
Nguồn tin: