Nếu không muốn trở thành nạn nhân của các hacker, người dùng cần bỏ ngay những thói quen dưới đây:
Sử dụng chung tài khoản với người khác
Việc sử dụng chung tài khoản mạng xã hội hay các dịch vụ trả phí đã không còn là một điều quá xa lạ hiện nay. Mặc dù việc chia sẻ tài khoản với nhau có thể giúp người dùng tiết kiệm được khối thời gian và không ít chi phí nhưng đây cũng chính là nguyên nhân khiến chúng ta dễ dàng bị đánh cắp thông tin.
Có thể, máy tính của bạn được cài đặt những phần mềm bảo mật cao cấp nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa là bạn bè hoặc người thân sử dụng chung tài khoản của bạn được trang bị những phần mềm tương tự. Chưa kể, những người không rành công nghệ thường rất dễ bị lừa bởi những quảng cáo có chứa malware, gián tiếp để lộ thông tin cá nhân của tài khoản mà bạn đang sử dụng.
Xem phim hoặc các chương trình truyền hình lậu
Với sự phát triển bùng nổ của Internet hiện nay thì việc thưởng thức những bom tấn điện ảnh ngay trên máy tính của bạn đã không còn quá khó khăn như trước nữa. Thậm chí, bạn có thể xem chúng một cách miễn phí, chấp nhận giảm chất lượng hiển thị so với phiên bản chiếu rạp hoặc trả phí.
Những trang web phát phim không rõ nguồn gốc là cơ hội cho hacker. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Tuy nhiên, chính những dịch vụ phát sóng hay stream phim như vậy lại là cơ hội để kẻ gian lợi dụng và “thả” malware vào máy tính của bạn. Nguy cơ này còn tăng cao hơn nữa khi bạn quyết định tải phim về thay vì xem trực tuyến mà không biết rõ về nguồn gốc cũng như đơn vị đã đăng tải file phim đó.
Tất nhiên là không phải trang phim nào cũng như vậy. Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu muốn, hacker hoàn toàn có thể lợi dụng những website chuyên cung cấp phim miễn phí để tấn công người dùng. Chỉ với vài quảng cáo hấp dẫn kiểu như: “Click vào đây để xem miễn phí những bom tấn mới nhất” là máy tính của bạn đã có thể nhiễm malware lúc nào không hay.
Đặt mật khẩu quá đơn giản, dễ đoán
Ngày nay, đa số các thiết bị điện tử như máy tính, smartphone đều đã có cơ chế khóa màn hình bằng mật khẩu khá tiện lợi. Tuy nhiên, nếu những mật khẩu mà chúng ta sử dụng quá đơn giản, dễ đoán thì cũng có thể tạo cơ hội để hacker tấn công và khai thác thông tin. Nên nhớ, các đoạn mã khóa màn hình di động hiện nay thường chỉ có từ 4 - 6 kí tự, và hacker hoàn toàn có thể tiến hành tấn công brute force để mở khóa một cách dễ dàng.
Không quét USB khi cắm vào máy tính
Đa số chúng ta có thói quen cắm USB vào máy tính và sử dụng ngay lập tức mà không thực hiện quá trình quét virus. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng virus và malware đặc biệt thích ẩn mình trong USB để có thể dễ dàng lây lan qua nhiều thiết bị. Vì thế, nếu không sử dụng một chiếc USB hoàn toàn mới, hãy luôn dành ra một chút thời gian để quét virus trước khi bạn copy bất cứ file nào từ USB sang thiết bị của mình.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta nên đặt mật khẩu có độ dài ít nhất là 8 kí tự để khiến quá trình hack diễn ra khó khăn và tốn thời gian hơn. Android cho phép người dùng để mật khẩu lên đến 16 kí tự (truy cập vào Settings > Security > Screen Lock), trong khi với iOS thì là 37 kí tự (Settings > Touch ID & Passcode hoặc Face ID & Passcode).
Luôn quét USB ngay khi vừa kết nối với máy tính. Ảnh: saostar |
Với sự phát triển của công nghệ đám mây hiện nay thì vai trò của USB không còn quá quan trọng như trước đây nữa. Tuy nhiên, đây vẫn là một thiết bị “chữa cháy” trong những tình huống khẩn cấp, không có kết nối mạng. Vì thế, hãy luôn quét USB mỗi khi sử dụng, đặc biệt là những chiếc USB đã được sử dụng trên nhiều thiết bị khác.
Không che micro và webcam máy tính
Mặc dù đây không phải là một phương thức tấn công được các hacker ưa chuộng, tuy nhiên có không ít người đã trở thành nạn nhân bởi vì webcam, micro trên thiết bị điện tử được hacker khai thác để đánh cắp thông tin.
Các nhà nghiên cứu mới đây cho hay, dịch vụ video call phổ biến Skype có thể được sử dụng để nghe lén các tổ hợp phím. Các hacker làm điều đó bằng cách thu lại thanh âm của một tổ hợp phím nhất định từ nạn nhân, và rồi tái tạo lại để xem nạn nhân đã gõ gì. Tất cả được thực hiện thông qua một cuộc gọi VoIP.
Hacker có thể nghe được những gì chúng ta gõ. Ảnh: GenK |
Hacker có thể rình nghe lén mật khẩu của người dùng khi bạn đang gọi Skype. Một bản báo cáo chi tiết từ trường University of California Irvine (UCI) và 2 trường đại học Italia khác mới đây đã phát giác ra rằng, kẻ xấu có thể tấn công bằng cách thu âm những tổ hợp phím trong cuộc gọi Skype rồi giải mã chúng thành các kí tự dựa vào âm thanh của chúng. Hacker không cần phải chiếm quyền điều khiển của người dùng mà vẫn lấy được mật khẩu bạn gõ, đơn giản chỉ dựa vào âm thanh bàn phím.
Giai điệu của bàn phím trước đây cũng đã từng được cảnh báo sẽ trở thành một vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, nếu như trước đây, các nghiên cứu tập trung vào việc hacker sẽ tiếp cận nạn nhân để định hình kiểu cách gõ phím của nạn nhân, thì những bằng chứng gần đây gây nên nhiều lo ngại hơn, khi mọi việc hacker cần làm chỉ là nghe lén tiếng gõ phím trong một cuộc gọi Skype. Cách tốt nhất chúng ta nên làm là sử dụng một miếng băng dính nhỏ để che camera và đầu micro của máy tính lại trong trường hợp không cần sử dụng.
Không thường xuyên cập nhật phần mềm
Đây là một sai lầm vô cùng tai hại mà đa số người dùng máy tính hiện nay đều mắc phải. Chúng ta phải nhớ rằng các bản cập nhật phần mềm cung cấp tính năng mới thì ít mà giúp giải quyết và cải thiện các vấn đề bảo mật thì nhiều. Vì thế, nếu không chịu cập nhật thì đồng nghĩa với việc người dùng chấp nhận sống chung với những lỗ hổng bảo mật mới mà hacker có thể lợi dụng và tấn công bất kỳ lúc nào.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia bảo mật nhận định, tình hình này sẽ còn tồi tệ hơn trong nhiều năm tới bởi hacker có thể khai thác triệt để những lỗ hổng an ninh mạng cũng như phát tán mã độc tới người dùng với những cách thức mới tinh vi hơn. Để hạn chế những cuộc hỏi thăm bất ngờ từ các hacker, người dùng cần từ bỏ những thói quen tưởng chừng như vô hại này.
Tác giả: Hạnh Vũ (T/h)
Nguồn tin: vietQ.vn