Lao vào lũ dữ
Anh Lê Văn Thành kể lại về hành trình cùng nhóm bạn cứu hơn 300 người dân mắc kẹt giữa lũ dữ |
Đêm 18/10, mưa như trút cộng thêm việc xả lũ của hồ Kẻ Gỗ khiến các khu vực hạ lưu như xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhanh chóng bị nước bao vây.
Đến sáng ngày 19/10, nước lũ đã đổ về ngập sâu hơn 1m khiến toàn bộ xã Cẩm Duệ chìm trong biển nước.
Lũ lên nhanh đến mức người dân chẳng kịp trở tay, nhiều gia đình neo người hoặc chỉ có người già đau ốm rơi vào tình thế nguy hiểm và bị mắc kẹt trong biển nước.
Sáng sớm 19/10, chiếc điện thoại của anh Lê Văn Thành (38 tuổi, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) liên tục reo. Bên kia đầu dây là những tiếng kêu cứu trong hoảng loạn.
Chiếc thuyền đã giúp anh di chuyển cứu người trong cơn lũ |
Chỉ kịp dặn dò, giao cho người vợ một chiếc thuyền nhỏ để “nếu có chuyện gì” thì đưa mẹ và các con lên chiếc thuyền rồi chờ anh về.
Dặn dò xong, anh Thành lái chiếc thuyền nhôm cùng người con trai đầu (15 tuổi) chở người bố bị bại liệt ra trụ sở UBND xã Cẩm Duệ sơ tán.
Bố của anh Thành bị bại liệt nên việc đi lại phải nhờ vào mọi người trong gia đình |
Xong việc gia đình, anh cùng nhóm bạn là Lê Văn Công (34 tuổi, em trai anh Thành), Đậu Văn Hoàng (27 tuổi) và Phạm Văn Đồng (36 tuổi), cùng ngụ tại xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) lao vào lũ dữ để tiếp cận những người đang bị mắc kẹt trong biển nước.
“Khi quyết định vào cứu dân tôi cũng lo cho ở nhà lắm, vì còn có mẹ già và 3 đứa con nhỏ, nếu nước vào thì rất khó để xoay xở. Nhưng ở nhà vẫn còn có chiếc thuyền nhỏ nếu có chuyện gì thì có thể đưa mọi người lên thuyền để cầm cự tiếp, chứ nhiều người còn cấp bách hơn”, anh Thành chia sẻ.
Anh Thành làm nghề đánh cá, biết lái thuyền, hơn nữa chỉ có thuyền của anh mới di chuyển được vào các khu vực dân cư nên người dân đã gọi điện anh cầu cứu rất nhiều.
Có những gia đình khi nhóm của anh tiếp cận thì nước đã đến tận cổ người lớn, chảy rất xiết. Đôi lúc thuyền của anh phải vật lộn với nước lũ hơn 30 phút mới tiếp cận được với các gia đình.
“Mình vào cứu người này thì nhà kế bên cũng kêu cứu. Mình vào đó không thể bỏ mặc họ được, mình không cứu họ có chuyện gì thì mình hối hận cả đời”, anh Thành nói.
Có những gia đình khi anh Thành tiếp cận nước đã quá ngực người lớn. Ngồi bên cạnh anh, chị Nguyễn Thị Tĩnh (vợ anh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi suýt mất đi người con vì lũ. |
Cứ 30 phút một lần, con thuyền của anh Thành và nhóm bạn lại chở được 5-6 người ra các khu vực an toàn. Cứ thế, suốt gần 3 ngày, anh cùng nhóm bạn đã cứu, đưa được hơn 300 người dân ra ngoài.
“Trong ngày 19/10, tôi cùng nhóm bạn đã cứu được gần 200 người. Đến ngày 20 và 21/10 cứu được thêm hơn 100 người nữa. Có những người vẫn cố bám trụ tôi phải chạy đi chạy lại 2 -3 lần để thuyết phục, họ mới chịu lên thuyền sơ tán”, anh Thành cho biết.
Và cũng suốt thời gian ấy, anh Thành và nhóm bạn dường như không ngủ, chỉ ăn vài mẩu lương khô, mì tôm cầm chừng.
“Lúc đầu giận lắm, sau thấy tự hào về chồng”!
Cơn lũ đã qua nhưng trong ánh mắt chị Nguyễn Thị Tĩnh (36 tuổi, vợ anh Thành) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi suýt chút nữa chị đã mất con, mất chồng vì lũ.
“Sáng sớm anh dặn dò vợ con được vài câu là lên thuyền đi. Đến 4h giờ chiều cùng ngày mới liên lạc được với anh. Lúc đó, trong đầu tôi đã nghĩ đến bao nhiêu tình huống xấu rồi, lúc đó tôi chỉ biết khóc”, chị Tĩnh nhớ lại.
Không biết chèo thuyền, trong lúc nhà còn người mẹ già và 3 đứa con nhỏ, chị Tĩnh như rơi vào hoảng loạn khi nước lũ ngày một lên nhanh, tràn vào trong nhà. Chị chỉ kịp bế các con lên chiếc thuyền nhỏ buộc ở phía sau nhà rồi chờ chồng trở về.
“Khi tôi đang dọn đồ đạc lên chỗ cao thì đứa con út (2 tuổi rưỡi) bị rơi xuống nước. Tôi liền vứt đồ rồi lao ra kéo con lên. Suýt tí nữa là tôi đã mất đi đứa con”, chị Tĩnh bàng hoàng nhớ lại.
Chị Tĩnh ôm những đứa con của mình sau khi lũ vừa qua |
Đến chiều, khi đã đưa được khoảng 60 người đi sơ tán an toàn, anh Thành về nhà. Đến nơi, nhà của anh đã ngập sâu khoảng 2m, mẹ và vợ con anh đang ngồi trên con thuyền nhỏ ướt sũng.
Vừa hoảng loạn vừa giận chồng vì bỏ mặc gia đình, nên khi anh Thành vừa về đến nhà liền bị chị Tĩnh mắng rồi bật khóc.
“Suýt chút nữa mình mất đi người con, anh biết không?.” chị Tĩnh chỉ kịp nói một câu, rồi 2 vợ chồng nhanh chóng chuyển gia đình đi sơ tán.
Đến giữa đêm, sau khi cứu, sơ tán được những hộ nguy cấp đến khu vực an toàn, anh Thành và nhóm bạn mới ăn vội gói mì tôm lót bụng.
Đến sáng sớm ngày hôm sau (20/10) anh Thành cùng nhóm bạn tiếp tục lên đường cứu dân.
“Vào chiều ngày 19/10 khi đang trên đường đi vào cứu người, chiếc thuyền đã bị lật úp. Lúc này trên thuyền có 4 người (3 thành viên trong đoàn và 1 người dân) nhưng rất may tất cả đều an toàn”, anh Thành kể.
Nói về hành động dũng cảm của người chồng, chị Nguyễn Thị Tĩnh lẫn lộn cảm xúc, vừa giận, vừa thương, vừa tự hào.
“Lúc đầu tôi giận lắm, nếu con có mệnh hệ gì chắc tôi sẽ không tha thứ cho anh. Giờ thấy anh cùng các bạn cứu được rất nhiều người tôi lại thương và tự hào về chồng lắm”, chị Tĩnh chia sẻ.
Rất may mọi người trong gia đình được an toàn, nhưng cơn lũ cũng khiến toàn bộ lưới đánh cá bị cuốn trôi và một số đồ dùng trong gia đình bị ngập nước.
Ông Lê Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết, hành động của anh Lê Văn Thành và nhóm bạn thật dũng cảm và rất đáng khen ngợi.
“Với hành động dũng cảm lao vào lũ dữ cứu người, ngày hôm qua (26/10), anh Thành và nhóm bạn đã được UBND huyện Cẩm Xuyên tổ chức lễ tuyên dương. Riêng anh Thành được UBND huyện Cẩm Xuyên trao tặng giấy khen”, ông Lê Ngọc Hải cho biết.
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn tin: Báo Dân trí