Trả lời phỏng vấn của PV sau cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 2/8 quanh việc giải quyết số tiền cam kết bồi thường 500 triệu USD của Formosa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Đầu mối xử lý số tiền đền bù của Formosa là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo công bố mới nhất, Formosa đã chuyển bồi thường 250 triệu USD, số tiền còn lại sẽ chuyển sớm trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc giải quyết bồi thường cho người dân phải nhanh nhất có thể, không để cho người dân mong đợi. Hiện, các phương án cụ thể đang được đưa xuống từng tỉnh”.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc giải quyết bồi thường cho người dân phải nhanh nhất có thể, không để cho người dân mong đợi. Hiện, các phương án cụ thể đang được đưa xuống từng tỉnh”.
Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. (Ảnh VGP).
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định: “Vấn đề bồi thường cho người dân, chúng ta làm một cách hết sức minh bạch, công khai và đúng đối tượng, đúng người được hưởng. Phải xử lý một cách tổng thể từ thiệt hại, công ăn việc làm cho ngư dân, chuyển đổi nghề…
Tất nhiên, mức bao nhiêu thì vẫn đang làm báo cáo. Vấn đề bồi thường sẽ được công khai với người dân, rất minh bạch. Nếu làm không tốt sẽ tạo ra những bất ổn trong dân. Do đó, cách tính thiệt hại của người dân ở từng tỉnh cũng phải cụ thể, rõ ràng”.
Cũng liên quan đến Formosa, trả lời trong cuộc họp báo về việc cho Formosa thuê đất đến 70 năm, nếu xem xét trái với quy định pháp luật sẽ xử lý trách nhiệm như thế nào và có tiến hành thu hồi giấy phép không? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, cho biết, Luật Đất đai quy định có thể cho thuê đất dự án 70 năm.
“Tại Điều 47, Luật Đầu tư hiện hành năm 2014 đã quy định 5 trường hợp có thể bị cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư tạm ngừng hoạt động dự án. Trong đó có 1 trường hợp là tạm ngừng để khắc phục vi phạm về môi trường.
Khoản 1, Điều 48, Luật Đầu tư quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư: Dự án đầu tư có thể bị chấm dứt hoạt động nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục. Điều kiện ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý đăng ký đầu tư có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Có nghĩa là, đầu tiên tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường. Nếu không thể khắc phục thì theo quy định có thể dừng hẳn” Thứ trưởng Đào Quang Thu nhấn mạnh.
Bổ sung rõ hơn cho vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói: “Theo Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013, đối tượng như Vũng Áng (Hà Tĩnh) được coi là khu vực được xem xét ưu tiên.
Như vậy, thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố là được tới 70 năm. Còn đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt là cho doanh nghiệp nước ngoài, tỉnh được cấp phép 50 năm. Nếu trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, phải báo cáo xin phép và Chính phủ sẽ xem xét trên giác độ nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn… Thủ tướng Chính phủ mới là người ký cấp phép.
“Trường hợp Formosa, Thanh tra Chính phủ có thanh tra kiểm tra rồi. Với Hà Tĩnh, tôi cho rằng việc cấp giấy phép đầu tư 70 năm cùng với thuê đất 70 năm sai ở chỗ, cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp 70 năm. Đây là thẩm quyền của Chính phủ chứ không phải của tỉnh”.
Tác giả bài viết: Dương Thu – Đỗ Thơm