Pháp luật

Giây phút kinh hoàng vụ sạt lở đất, 2 người chết, 5 người mất tích

Anh Vi Văn Ứ, 1 trong 3 người sống sót trong vụ sạt lở đất tại Nghệ An đã kể lại giây phút kinh hoàng và tiếng cứu cuối cùng của vợ đã bị lũ cuốn trôi.

Bà con lối xóm thăm hỏi chị Vi Thị Di may mắn sống sót trở về Ảnh Phạm Đức

Sáng 15.9, người thân và bà con lối xóm đã tổ chức mai tang cho anh Vi Đình Khoa (37 tuổi) và anh Lương Văn Thoải (22 tuổi), đều ngụ tại thôn Chiềng Cà 2 (xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, Thanh Hóa). Anh Khoa và anh Thoải là 2 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại khu vực rừng thuộc xã Châu Nga (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) vào rạng sáng 14.9.

Trong sáng 15.9, người dân thôn Chiềng Cà 2 cũng hoang mang lo lắng, ngóng tin từ lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn về 5 người trong thôn bị mất tích trong vụ sạt lở đất nêu trên. Trong căn nhà sàn của gia đình anh Vi Văn Ứ (46 tuổi ), 1 trong 32 người may mắn sống sót trở về, người thân và hàng xóm đến để chia sẻ, động viên anh vượt qua nỗi đau. Vợ anh, chị Vi Thị Nội (47 tuổi) đang mất tích sau vụ sạt lở đất ở xã Châu Nga. Thoát nạn sau khi bị nước lũ cuốn trôi, anh Ứ mắt đỏ hoe, ủ rũ đau buồn và luôn trách bản thân đã không kịp cứu được vợ mình.

Người dân thôn Chiềng Cà 2 chuẩn bị hậu sự cho các nạn nhân tử vong Ảnh Phạm Đức

Nắm chặt tay đứa con trai, anh Ứ giọng buồn bã cho biết, sáng 12.9, anh cùng vợ và anh Hoàng Văn Đông (chú họ anh Ứ), chị Vi Thị Di (38 tuổi, em dâu anh Ứ) rủ nhau vào rừng đào măng. Công việc đào măng phải ở lại trong rừng nhiều ngày, nên anh Ứ và người thân dựng lán trại giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa ngủ lại.

Trong ngày 13.9, trời mưa to nên cả 4 chú cháu không đi đào măng mà ở lại trong lán. Khoảng 3 giờ sáng 14.9, thấy trời mưa ngày càng lớn nên anh Ứ và anh Đông dậy dọi đèn pin kiểm tra bên ngoài nhưng thấy nước suối vẫn ở mức an toàn, nên quay vào ngủ tiếp.

“Mới ngủ thêm được khoảng 30 phút, chúng tôi giật mình bật dậy khi nghe tiếng ầm ầm như động đất. Chưa kịp biết chuyện gì đang xảy ra, thì cả 4 chúng tôi bị nước, đất đá, cây cối ập vào, cuốn trôi”, anh Ứ nói.

“Trời ơi, kiểu chi đây”. Đó là tiếng cứu xé toang màn đêm đen, cũng là những lời nói cuối cùng của vợ mà tôi được nghe”, giọng anh Ứ bỗng nghẹn lại, rồi ôm chặt con trai vào lòng khóc nức nở.

Anh Vi Văn Ứ đau buồn và tự trách mình không cứu được vợ trong vụ sạt lở đất kinh hoàng Ảnh Phạm Đức

Chị Vi Thị Di là người phụ nữ duy nhất sống sót trong vụ sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng rạng sáng 14.6. “Vừa nghe tiếng động, tôi đã bị nước cùng đất đá ập vào cuốn trôi và may mắn dạt vào bờ nên thoát nạn”, chị Di rùng mình kể lại.

“Thoát được lên bờ, tôi chạy theo quán tính, lần mò trong đêm tối. Vừa chạy tôi vừa kêu lớn: “Anh ơi!”, “Chú ơi!” và nghe chú Đông nói: “Chú và anh còn sống đây”. Ba chú cháu ôm chầm lấy nhau, nước mắt lưng tròng…”, chị Di bỏ lửng câu chuyện, rồi òa khóc.

“Sạt núi, mất hết rồi, không tìm thấy chị dâu”

Theo chị Di, sau khi thoát nạn, 3 chú cháu đứng dưới trời mưa lạnh đợi trời sáng. 5 giờ sáng, cả 3 người đến lán trại của anh Lương Văn Thoải (22 tuổi, cháu họ anh Ứ) cách lán của anh Ứ khoảng 1 km đường rừng, xin chi viện.

“Khi đến đây, trước mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn. Toàn bộ lán trại của anh Thoải biến mất. Đến gần hơn thì chúng tôi phát hiện thi thể anh Thoải và anh Vi Đình Khoa (37 tuổi, anh em họ với anh Thoải) nằm chết gần nhau với nhiều vết thương toàn thân”, chị Di nói và cho biết trong lán trại của anh Thoải có tất cả 6 người là anh em họ hàng ở với nhau.

Chị Vi Thị Di kể lại giây phút bị dòng nước lũ, đất đá cuốn trôi Ảnh Phạm Đức

Theo chị Di, do lán trại của anh Ứ và anh Thoải dựng dưới chân núi, gần khe nước, nên bị lũ cuốn trôi. “Cả 3 chú cháu vừa đói, vừa rét nhưng dìu nhau vượt gần 4 giờ đồng hồ mới về được tới nhà và báo cho chúng tôi câu được câu mất. Con dâu tôi (chị Di - PV) bảo sạt núi mất hết rồi, chị dâu không tìm thấy nữa, rồi òa khóc”, ông Vi Xuân Bộ (57 tuổi, anh ruột anh Ứ) cho hay.

Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã báo cáo lên cấp trên và huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích. Trung tá Phạm Văn Ánh, Ban chỉ huy quân sự huyện Như Xuân, cho biết, đến nay đã có hơn 150 người gồm lực lượng quân sự huyện, công an huyện, công an xã, dân quân tự vệ và người dân vẫn đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân.

Tác giả bài viết: Phạm Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP