Xã hội

Giật mình 9.000 đồng suất cơm, công nhân phải ăn thực phẩm ôi thiu?

Phần lớn doanh nghiệp thuê công ty dịch vụ nấu ăn nhưng vì “cắt xén” nên nếu bữa là 12.000 đồng thì thực chất ra đến miệng người lao động chỉ còn 9.000 đồng. Với số tiền đó người lao động ăn gì?

Gần đây các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể khá nghiêm trọng tại các doanh nghiệp, tổng LĐLĐ Việt Nam đã vào cuộc chấn chỉnh về vấn đề đảm bảo an toàn trong bếp ăn tập thể.

Tại cuộc giao ban báo chí mới đây khi nói về quyền lợi của người lao động, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch tổng LĐLĐ Việt Nam đặt câu hỏi: “Lúc nào doanh nghiệp cũng mong muốn lao động tăng ca, tăng năng suất lao động nhưng lại không muốn đầu tư cho lao động. Bữa ăn giữa ca có 9.000 đồng thì ăn gì?”

bua an cong nhan 1491653446
Bữa ăn của công nhân tại các doanh nghiệp nghèo nàn chất dinh dưỡng (Ảnh minh họa).

Thực tế khảo sát của tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, trong số các doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca cho công nhân có 18.248 doanh nghiệp có bữa ăn giữa ca từ 15.000 đồng trở lên (chiếm 71%). Còn lại 7.297 doanh nghiệp có bữa ăn giữa ca thấp hơn 15.000 đồng.

Đó là thực trạng đáng buồn đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cả nước. Ông Chính chia sẻ: “Đa phần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân thuê công ty dịch vụ nấu ăn. Trong khi đó, các công ty dịch vụ còn phải trừ các chi phí điện nước, nhân công, lợi nhuận, nên nếu bữa là 12.000 đồng thì thực chất ra đến miệng người lao động chỉ còn 9.000 đồng. Giá cả như thế buộc các công ty dịch vụ phải mua thực phẩm ôi thiu, cá chết… điều này dẫn tới tăng nguy cơ ngộ độc trong bữa ăn của công nhân”.

Theo ông Mai Đức Chính, hiện nay quy định của pháp luật không bắt buộc phải có bữa ăn giữa ca cho người lao động nên tổng LĐLĐ Việt Nam đang vận động đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể để doanh nghiệp buộc phải có bữa ăn giữa ca cho người lao động.

ngo doc thuc pham 1491653868
Công nhân ở Tiền Giang bị ngộ độc thực phẩm phải nằm viện.

Hiện tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu công đoàn cơ sở phải song song tham gia thương lượng về tiền ăn và giám sát chất lượng, số lượng bữa ăn, tránh việc các công ty dịch vụ cấu kết với quản lý "ăn bớt" suất ăn của người lao động.

“Việc giám sát có thể giúp đảm bảo để các bếp ăn không được sử dụng thực phẩm ôi thiu, bốc mùi, ngâm hóa chất. Không thể để bữa ăn giữa ca chỉ có vài miếng đậu phụ, vài cọng rau muống. Ăn như vậy thì lao động lấy sức đâu để tăng ca, tăng năng suất lao động, nói gì đến đảm bảo sức khỏe”, ông Chính thẳng thắn nói.

Cũng theo đại diện tổng LĐLĐ Việt Nam, sắp tới khi sửa bộ luật Lao động, đơn vị này sẽ kiến nghị để Chính phủ đưa bữa ăn giữa ca thành quy định bắt buộc giống tiền lương. Khi đó, doanh nghiệp bắt buộc phải đưa nội dung này vào thỏa ước lao động, tương tự chế độ lương thưởng.

Tác giả bài viết: N.Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP