Làm công tác chủ nhiệm không ai là không ngán ngẩm vì suốt năm suốt tháng cứ bước vào lớp là phải ra rả đòi nợ các khoản tiền học sinh phải đóng.
Giáo viên chủ nhiệm lớp phải đảm đương thêm việc thu các loại tiền trường. |
Thu tiền học sinh cực khổ quá, con không vào sư phạm đâu!
Thời điểm này, các trường học đang vào "mùa" thu hộ tiền bảo hiểm y tế học sinh năm 2022. Năm 2022, mức đóng của học sinh là 804.600 đồng, nhà nước hỗ trợ 30% là 241.380 đồng, học sinh đóng 70% với số tiền phải đóng là 563.220 đồng.
Để thu được khoản tiền tưởng chừng không đáng là bao với gia đình có điều kiện thì với những phụ huynh khó khăn không dễ một chút nào. Một cô bé học lớp 9 (ở Đồng Nai) mẹ cứ khuyên vào sư phạm ra đi dạy khi thấy ba gọi điện cho phụ huynh "nài nỉ" họ nộp tiền cho con đã thẳng thừng nói: "Mẹ thấy không, lớp ba có hơn 40 học sinh mà đến ngày hết hạn vẫn còn cả 10 em chưa đóng. 3 tuần nay hết nhắn tin điện thoại rồi zalo, mấy ngày nay gọi điện thoại tới lui cũng không xong. Chỉ mỗi việc thu tiền học sinh đã cực như vậy con không học sư phạm đâu".
Quả là quá gian nan, vất vả với việc thu tiền học sinh. Có hàng trăm nỗi buồn đằng sau việc thu hộ các khoản trong nhà trường. Cô giáo N.H.T (ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: "Giáo viên chúng tôi ngại nhất là việc thu tiền. Những năm trước, đầu năm là các khoản quần áo đồng phục, quần áo thể dục, phù hiệu, bảo hiểm tai nạn, sách giáo khoa, vừa xong lại đến quỹ phụ huynh, tiền vệ sinh trường lớp và thu tiếp tới khoản bảo hiểm y tế.
Năm nay dịch bệnh, không thu trực tiếp được, phụ huynh phải chuyển khoản, tưởng giáo viên nhàn nhã ai ngờ càng cực hơn vì phải đốc thúc, tìm mọi cách phải đạt 100%. Nhiều giáo viên không muốn làm chủ nhiệm là sợ việc thu tiền học sinh".
Một thầy giáo có gần 30 năm dạy tiểu học thì cho biết: "Dạy học tôi thấy không cực bằng việc thu hộ các khoản tiền học sinh. Quả là thu đủ 100%, thu đúng thời hạn như hái sao trên trời. Không thiếu những kinh nghiệm tôi phải đưa ra mong làm sao làm tròn nhiệm vụ trường giao. Nhắc nhở có, năn nỉ có, dùng biện pháp này nọ có, gặp phải lớp có học sinh khó khăn là nhờ phụ huynh khá giả giúp đỡ còn không thì thầy bỏ tiền túi hỗ trợ các em".
Những giáo viên tiểu học tôi gặp và đặt vấn đề thu tiền đều nhận được cái lắc đầu ngao ngán. Thật buồn vì chưa ai nói là công việc này nhẹ nhàng cả.
Không thu đủ tiền bị cắt thi đua?
Nhiều giáo viên thắc mắc và không ít băn khoăn bởi cho rằng, trong các thông tư, văn bản hướng dẫn chẳng tìm đâu ra điều khoản giáo viên phải có nhiệm vụ thu các khoản tiền trường. Hỏi hiệu trưởng cũng chỉ trả lời lấy lệ, qua quýt kiểu "lướt sóng".
Thực tế, nhà trường nào cũng có bộ phận kế toán, thủ quỹ đầy đủ. Đáng lí ra những vị trí việc làm này phải thu các khoản tiền học sinh. Thế nhưng, nhiều hiệu trưởng bắt giáo viên trực tiếp thu để học sinh dễ đóng, đạt chỉ tiêu cao. Có nhiều trường ngược đời là giáo viên vừa thu vừa viết danh sách, biên lai, ai không viết được lại bỏ tiền ra "thuê" ngay kế toán, thủ quỹ!
Thế nên, đầu năm học ai cũng hồi hộp xem mình được phân công lớp nào, lớp con em nhà giàu có hay nghèo chỉ vì cực thu các khoản tiền của học sinh, rồi còn hồ sơ thu chi.
Một số giáo viên phải đi cửa sau hiệu trưởng để chạy chủ nhiệm lớp "ngon" cho không vất vả việc thu tiền. Thôi thì đủ loại tiền: bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, dụng cụ học tập, đồng phục, quỹ cha mẹ học sinh trường, lớp. Giáo viên chủ nhiệm cứ phải toát mồ hôi vào những ngày đầu năm học để thu tiền. Hiệu trưởng ấn xuống bắt thu chứ không ai muốn. Những việc ngoài chuyên môn làm thầy cô rối, mất thời gian, ảnh hưởng đến việc giảng dạy.
Một giáo viên chia sẻ, thực tế theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2011 của Bộ GD-ĐT về việc Ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh thì quỹ cha mẹ học sinh là tự nguyện.
Theo đó, tại điểm a, khoản 1, điều 10 quy định: "Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp".
Tuy nhiên, nếu làm vậy thì rất khó thu và thu được số tiền quỹ theo kế hoạch của trường là không thể. Thế nên, nhiều trường giao mức trần thấp nhất cho mỗi phụ huynh phải đóng. Để có danh sách phụ huynh đóng quỹ, giáo viên chỉ việc "biến hóa" vài con số như phụ huynh này mức thấp, phụ huynh kia cao, thế là có danh sách tự nguyện đóng quỹ "đẹp".
Song, đạt được theo chỉ tiêu kế hoạch là khó khăn vô cùng. Đòi học sinh không xong, giáo viên gọi điện thoại, gặp trực tiếp phụ huynh. Nhiều phụ huynh không muốn đóng thành ra chặn cuộc gọi của giáo viên, tránh mặt mỗi lần đưa đón con đi học. Trong suy nghĩ của không ít phụ huynh cho rằng thu tiền cho chính giáo viên.
Đã có nhiều câu chuyện "dở khóc, dở cười" quanh chuyện hiệu trưởng trừ điểm thi đua giáo viên. Việc thu hộ tiền bảo hiểm y tế học sinh cũng không là ngoại lệ.
Thu không đủ 100% thì đừng nói đến danh hiệu thi đua này nọ, tất cả những thành tích cả năm học coi như đổ sông đổ biển. Chưa hết, không thu đủ, thu nhanh là giáo viên bị hiệu trưởng cho là làm chủ nhiệm yếu kém nên nhiều thầy cô ngày ngày lên lớp là bỏ ra 5-10 phút ra rả đọc tên đòi nợ học sinh.
Thời gian giảng dạy đã bị giáo viên lấy đi rất nhiều. Trên trang mạng xã hội của một nhóm giáo viên, cô giáo N. H giãi bày: "Chuyện không của riêng ai. Mình chỉ là người thu hộ mà phụ huynh cứ nghĩ là thu cho giáo viên". Còn thầy L.T thì: "Áp lực nhất là thu BHYT và bán sách cho học sinh". Cô T.T.D: "Không đủ chỉ tiêu thì giáo viên sẽ bị trừ điểm thi đua"…
Mới đây, người viết gặp một giáo viên (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), cô tâm tư: "Trường tôi có giáo viên thu không được bảo hiểm y tế 6 tháng của 1 học sinh thế là trừ điểm, mất luôn chiến sĩ thi đua. Một năm phấn đấu không mệt mỏi, chỉ vướng chỉ tiêu thu bảo hiểm y tế là mất tất cả".
Ai làm công tác chủ nhiệm rồi sẽ cảm thấy vất vả với ba cái khoản tiền thu không dễ dàng này. Thầy là chủ nợ, học sinh thành con nợ. Việc thu các khoản tiền trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiết dạy, làm hình ảnh người thầy phai nhạt dần trong mắt học trò.
Tác giả: Vũ Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí