Trong tỉnh

Giám đốc "lôi cổ" nhân viên khỏi công ty: Hợp đồng lao động trái luật

Diễn biến vụ Giám đốc "lôi cổ" nhân viên cũ ra khỏi công ty, Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ - vệ sỹ Bảo An Nghệ An soạn thảo hợp đồng lao động có rất nhiều nội dung vi phạm luật lao động.

Ông Ngô Xuân Phấn - nhân viên Công ty bảo vệ Bảo An (TP.Vinh-Nghệ An) và lá đơn tố cáo về việc bị Giám đốc đánh đập. Ảnh: Quang Đại

Như Báo Lao Động đã thông tin, ngày 7.5.2020, ông Ngô Xuân Phấn – nhân viên Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ - vệ sỹ Bảo An Nghệ An đến văn phòng công ty đòi nợ tiền lương, không những không đòi được tiền, mà còn bị Giám đốc “lôi cổ” ra khỏi công ty.

Cụ thể, theo Hợp đồng lao động không số, ngày 20.2.2020, giữa Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ - vệ sỹ Bảo An Nghệ An do bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc làm đại diện và ông Lương Văn Hải, sinh năm 1980 trú xã Tri Lễ - huyện Quế Phong (Nghệ An).

Theo đó, người lao động làm việc theo giờ gồm: 5,6,8 và 12 tiếng/ngày, làm việc tất cả các ngày trong tháng kể các ngày lễ tết, chủ nhật. Tuy nhiên, người lao động không được hưởng chế độ làm việc thêm giờ, làm việc ban đêm, làm việc ngày nghỉ và lễ tết theo quy định.

Vào làm việc, người lao động phải nộp tiền mua trang phục, công cụ hỗ trợ (người lao động phản ánh nộp 1,5 triệu đồng).

Người lao động được hưởng mức lương 5 triệu/tháng, không được đóng bảo hiểm.

Đồng thời, cùng với hợp đồng nói trên, người lao động và đại diện Công ty cùng ký vào bản cam kết có một số nội dung như: nếu vi phạm các quy định thì bị phạt tiền mức từ 50-500 nghìn/lần, đình chỉ công việc có thời hạn hoặc thanh lý hợp đồng. Có trường hợp bị phạt từ 1 triệu đến 1 tháng lương.

Ông Ngô Xuân Phấn – nguyên Trưởng phòng tuyển dụng và nhân sự Công ty cho biết có rất nhiều trường hợp nhân viên bảo vệ bị phạt tiền do vi phạm quy định.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải (Trưởng văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự - Nghệ An) cho biết: Pháp luật về lao động hiện nay đã quy định rõ về trách nhiệm, quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động.

Theo đó, người lao động được nghỉ 24 tiếng liên tục cho một tuần làm việc, được hưởng các chế độ làm việc ban đêm, làm việc thêm giờ, làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ tết, được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, được nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể. Bộ luật Lao động năm 2012 cấm dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

“Nhiều nội dung trong hợp đồng lao động giữa Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ - vệ sỹ Bảo An Nghệ An và ông Lương Văn Hải là không đúng quy định của bộ Luật Lao động 2012. Các nội dung hợp đồng trái pháp luật lao động là vô hiệu, các chế độ được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật” – Luật sư Nguyễn Trọng Hải cho biết.

Theo Luật sư Hải, các nội dung liên quan tranh chấp quan hệ lao động, người lao động cần khởi kiện ra tòa án để được giải quyết.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP