Pháp luật

Giải mã "nút thắt" phía sau những vụ án

Là lực lượng không trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện với tội phạm nhưng trong mỗi vụ án, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Viện Khoa học hình sự (KHHS) đã góp phần quan trọng giải mã được "nút thắt", giúp cơ quan điều tra xử lý tội phạm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các anh đã sử dụng ứng dụng thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

1. Lực lượng Kỹ thuật hình sự (KTHS) hiện được tổ chức thành 3 cấp từ Trung ương (Viện KHHS) tới địa phương (Đội KTHS Công an cấp huyện). Hằng năm, lực lượng KTHS tham gia khám nghiệm hiện trường khoảng 70 nghìn vụ việc các loại, giám định khoảng 100 nghìn vụ việc thuộc 10 lĩnh vực KTHS và pháp y, đưa ra kết luận các vấn đề chuyên môn góp phần quan trọng làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án, vụ việc góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trong các chuyên án hình sự, kinh tế, ma túy, trộm cắp tài sản, khai thác khoáng sản, buôn bán động vật trái phép.

Tổ công tác của Phòng 8 tổ chức khám nghiệm hiện trường một vụ án.

Hoạt động khám nghiệm luôn được thực hiện chủ động về lực lượng, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra trong mọi thời điểm để thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ, đánh giá đúng tính chất, nguyên nhân, phương thức, thủ đoạn của vụ án. Trong đó, nghiên cứu ứng dụng kịp thời các thành tựu khoa học công nghệ có ý nghĩa hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác điều tra, khám phá tội phạm.

Trung tá Lê Viết Việt, Trưởng phóng Khám nghiệm hiện trường (Phòng 8, Viện KHHS) cho biết, mỗi vụ án, vụ việc hiện trường khác nhau, các anh lại phải tìm tòi, nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm tích lũy cũng như áp dụng các máy móc, trang thiết bị hiện đại để nhanh chóng tìm ra các loại dấu vết tại hiện trường, giúp CBCS đảm bảo an toàn, đỡ vất vả hơn.

Trước đây, để ghi nhận hiện trường thường tiến hành trên nền 2D (2 Dimensional - 2 chiều), hình ảnh thể hiện không gian theo chiều ngang và chiều cao, không thể hiện được chiều sâu, do đó việc xác định vị trí, khoảng cách của các dấu vết, vật chứng trên hiện trường trong một số trường hợp có độ chính xác không cao.

Với sự phát triển của khoa học, phát triển kỹ thuật 3D trong ghi nhận, tái dựng hiện trường nên cán bộ khám nghiệm đã áp dụng kỹ thuật hiện đại này để nhanh chóng đưa ra kết quả chính xác gửi cơ quan điều tra.

Máy quét giúp rút ngắn thời gian việc vẽ sơ đồ hiện trường, làm giảm áp lực phải hoàn thiện sơ đồ, biên bản khám nghiệm đối với lực lượng làm công tác khám nghiệm hiện trường, qua đó làm giảm nguy cơ phơi nhiễm chất độc hại, ô nhiễm cũng như giảm nguy cơ đối mặt với nguy hiểm khác tại hiện trường mà lực lượng làm công tác này phải đối mặt.

Tất cả các chi tiết của hiện trường sẽ được ghi lại, giúp quá trình nghiên cứu, đánh giá hiện trường được chính xác và khách quan hơn. Kỹ thuật này có thể được tiến hành ở những địa hình phức tạp, trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi nên đáp ứng các yêu cầu, đặc biệt do hệ thống quét 3D giúp chính xác nên làm giảm thiểu nguy cơ phải khám nghiệm lại hiện trường cũng như rất thuận lợi khi phải phân tích đi, phân tích lại hiện trường đối với các vụ trọng án, vụ khó đánh giá diễn biến hoặc khó nhận định lối vào, ra khỏi hiện trường của đối tượng.

Kể lại vụ việc ứng dụng kỹ thuật 3D, trong công tác khám nghiệm hiện trường, Thiếu tá Vũ Đình Tiến, Phó trưởng Phòng 8 cho hay, năm 2022, trên địa bàn huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã xảy ra vụ việc có người chết trong hố thang máy tại một công trình đang xây dựng.

Đáp ứng yêu cầu của cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì, Viện KHHS đã chỉ đạo Phòng 8 cử tổ công tác tham gia khám nghiệm. Hiện trường là toà nhà 4 tầng đang trong quá trình thi công, thang máy đã lắp đặt nhưng chưa hoàn thiện. Do đang trong quá trình thi công nên điều kiện về an toàn để khám nghiệm rất hạn chế, khó khăn để tiếp cận, ghi nhận các dấu vết tại hiện trường.

Sau khi nhận định đánh giá tính tình, tổ công tác đã sử dụng thiết bị quét 3D để chụp ảnh dấu vết cũng như ghi nhận vị trí, kích thước trên hiện trường, dữ liệu được lưu lại dưới dạng đám mây điểm, việc đo đạc, phân tích, đánh giá dấu vết có thể tiến hành trên máy tính và phần mềm chuyên dụng của thiết bị. Qua đó, tổ công tác hoàn thành công tác khám nghiệm rút ngắn thời gian, đảm bảo an toàn cho cán bộ trong quá trình khám nghiệm và vẫn ghi nhận được đầy đủ các nội dung cần thiết về hiện trường, xác định tính chất vụ việc hỗ trợ cơ quan điều tra hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục điều tra làm rõ.

Hoặc vụ sập giàn giáo công trình đang xây dựng dở tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh vào năm 2021, đã làm cho 2 công nhân bị tử vong. Nhận được yêu cầu của Công an TP Bắc Ninh, Viện KHHS đã cử tổ công tác của Phòng 8 xuống hỗ trợ khám nghiệm hiện trường, tiến hành giám định nguyên nhân sập đổ công trình. Hiện trường sập trên 1 diện tích lớn và gồm nhiều kết cấu bằng thép, bê tông khác nhau, để xác định vụ việc thì cán bộ khám nghiệm hiện trường phải đo đạc mất rất nhiều thời gian chụp ảnh, ghi nhận tại hiện trường, đồng thời vụ sập rất lớn với khối bê tông đồ sộ phía dưới nên nếu phải đào bới sẽ rất tốn thời gian, công sức.

Tổ công tác của Phòng 8 đã sử dụng thiết bị bay không người lái (flycam) để chụp ảnh chi tiết hiện trường từ trên cao bao gồm ảnh tổng thể, ảnh từng vị trí nơi sụp đổ gây tử vong cho 2 công nhân.

Qua sử dụng flycam để có góc quan sát rộng hơn, tổng thể hơn, chụp ảnh dấu vết tại những vị trí hầu như không thể tiếp cận hoặc nguy hiểm khi tiếp cận, kết hợp với các phân tích của các cán bộ khám nghiệm, các anh đã nhanh chóng xác định được cơ chế hình thành, khu vực sập đổ đầu tiên. Từ đó, xác định được ví trí trọng tâm cần khai thác tại hiện trường để xác định nguyên nhân sập đổ công trình.

2. Công tác giám định được tiến hành nhanh chóng, khoa học, chính xác, khách quan, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, giúp các cơ quan trưng cầu có đủ chứng cứ khoa học để giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật. 100% kết luận giám định chính xác, không để xảy ra sai sót dẫn đến oan sai, khiếu kiện.

Theo Phòng Giám định tài liệu (Phòng 5), năm 2018, đơn vị này nhận được trưng cầu giám định bài thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT của các thí sinh của 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang với tổng số khoảng 800 bài thi.

Sau khi tiếp nhận, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Viện KHHS, cán bộ Phòng 5 đã tập trung công sức, trí tuệ, liên tục gần 9 tháng liền không có ngày nghỉ ở trong phòng thí nghiệm tìm ra phương án làm chính xác cho ra kết quả.

Để triển khai công tác giám định bài thi, Phòng 5 cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức do đây là lần đầu tiên trong lịch sử giám định tài liệu mà đối tượng giám định lại là các nét tô tại phần đáp án của bài thi trắc nghiệm, bên cạnh đó thủ đoạn tẩy xóa, sửa chữa bài thi của các đối tượng rất tinh vi. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với các cán bộ giám định không những phải truy nguyên ra người tô tại các đáp án hiện tại mà còn phải xác định dưới mỗi nốt tô đó có nét tô của người khác đã bị tẩy đi hay không?

Ngoài ra, số lượng đối tượng giám định quá nhiều, trung bình mỗi bài thi có từ 50 đến 120 câu đáp án, mỗi câu đáp án lại có 4 phương án tô. Như vậy mỗi bài thi, cán bộ giám định sẽ phải nghiên cứu từ 200 đến 480 ô và tổng cộng với gần 800 bài thi sẽ phải nghiên cứu hàng trăm nghìn đối tượng giám định, chưa kể một số lượng rất lớn các nét tô của các đối tượng mẫu so sánh.

Do khối lượng công việc quá lớn, với thực tế trang thiết bị máy móc chuyên dụng phục vụ giám định tài liệu tại thời điểm đó dù có hoạt động 24/24h cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu về thời hạn của công tác điều tra. Để tháo gỡ những khó khăn trên, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời trang bị cho các phương tiện, thiết bị giám định hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác như máy kiểm tra tài liệu, kính hiển vi soi nổi, kính hiển vi 3D… Lãnh đạo Viện KHHS đã chỉ đạo tập trung toàn bộ nhân lực, phương tiện ưu tiên phục vụ công tác giám định bài thi.

Nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo các cấp giao phó, tập thể Phòng Giám định tài liệu đã động viên nhau khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống của đơn vị, tập trung toàn lực tiến hành giám định. Phòng đã chủ động chia ca kíp tranh thủ thời gian làm thêm ngoài giờ hành chính và cả thứ bảy, chủ nhật.

Kết quả sau gần 9 tháng tập trung cao độ tiến hành giám định, đơn vị đã đưa ra kết luận chính xác đối với toàn bộ gần 800 bài thi bảo đảm các yêu cầu về pháp luật và nghiệp vụ. Kết luận giám định đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác điều tra, truy tố và xét xử, sớm giải tỏa dư luận xã hội.

Đơn cử, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã trưng cầu Viện KHHS Bộ Công an giám định đối với các bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh. Căn cứ kết luận giám định, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm lại các bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh.

Kết quả các thí sinh đều bị hạ điểm. Bị hạ điểm nhiều nhất là thí sinh N.A.T, 3 môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh bị hạ 26,55 điểm. Thí sinh T.D.H cũng là 3 môn giống N.A.T và bị hạ 22,15 điểm… Từ kết quả đó, Công an tỉnh Sơn La đã làm rõ các đối tượng liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến bài thi tại tỉnh Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã trưng cầu Viện KHHS Bộ Công an tiến hành giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm. Kết luận giám định xác định bài thi của 56 thí sinh đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Các bài thi này đã được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/ một môn thi. Ngày 21/5/2020, TAND tỉnh Hoà Bình ra phán quyết với 15 bị cáo trong vụ án nâng điểm 165 bài thi tại kỳ thi THTP 2018, sau 6 ngày xét xử.

Có thể nói với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và sử dụng thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm, các đơn vị đã góp phần xây dựng hình ảnh lực lượng CSND tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ, mưu trí, dũng cảm, bản lĩnh và nhân văn.

Tác giả: Minh Hiền

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: nút thắt ,giải mã ,vụ án

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP