Xã hội

Gặp pháo thủ số 1 trên xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

42 năm đã trôi qua, nhưng khoảnh khắc cánh cổng Dinh Độc Lập – biểu tượng quyền lực cuối cùng của chế độ cũ - bị xe tăng 390 của pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên và đồng đội húc đổ trưa ngày 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong kí ức của người cựu binh này.

copy of 1 1493357391544
Ông Ngô Sĩ Nguyên, người anh hùng đã cùng xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. ảnh: K.A

Trào nước mắt giây phút toàn thắng

Trước ngày 30/4 năm nay, chúng tôi tìm về nhà ông Ngô Sỹ Nguyên (SN 1952), người pháo thủ trẻ tuổi trong chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập của 42 năm trước. Vẫn còn vẹn nguyên những ký ức, ông bảo cuộc đời binh nghiệp của ông có nhiều kỷ niệm, tham gia nhiều trận đánh và giành nhiều thắng lợi nhưng sự kiện trọng đại nhất mà ông vinh dự được chứng kiến là vào đúng giây phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975. “Đó là ngày mà chiếc xe tăng 390 của chúng tôi húc đổ cổng Dinh Độc Lập và được chứng kiến giây phút Tổng thống Việt Nam Cộng hoà (VNCH) Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”, ông nhớ lại.

Sinh ra ở mảnh đất Nghệ An anh hùng, năm 1971, chàng trai tuổi 19 Ngô Sỹ Nguyên viết đơn tình nguyện xin gia nhập quân ngũ. Vì thân hình bé nhỏ, cân nặng chỉ vỏn vẹn 40kg, ban đầu chàng trai xứ Nghệ đã bị loại vì không đủ sức khỏe. Vậy nhưng khát vọng đóng góp một phần công sức vào công cuộc giải phóng đất nước, sau nhiều lần năn nỉ, anh cũng đã được thỏa ước vọng. Chịu khó học tập, rèn luyện nên chỉ sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, Ngô Sỹ Nguyên được chọn vào lính Tăng thiết giáp. Tháng 12/1971, ông và người đồng đội Nguyễn Văn Tập chính thức gắn bó với chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2.

Trên chiếc xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập ngày ấy, ông Nguyên được sát cánh cùng Trung úy Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên đại đội; Trung sĩ Nguyễn Văn Tập là lái xe và Thiếu úy Lê Văn Phượng - phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 (thay pháo thủ số 2 là anh Trường, lúc bấy giờ đang bị thương).

Sáng 10/4/1975 đơn vị ông bắt đầu hành quân từ Đà Nẵng vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên đường đi, đoàn quân đã tham gia giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết. Sáng 30/4, Tiểu đoàn tăng 1 do ông Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn, Đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập. Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại đây địch chống trả rất quyết liệt. Các loạt đạn từ xe tăng bắn ra liên hồi, máy bay thả bom chặn bước tiến của quân giải phóng. Quân ta bị tổn thất nặng, Đại đội 2 và 3 suy giảm sức chiến đấu bởi Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ đã hy sinh ngay trên tháp pháo khi chỉ huy chiến đấu.

Trong tình thế nóng bỏng, ban chỉ huy Đại đội gồm 3 người là Trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng), trưởng xe 843; Thiếu úy Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng Kỹ thuật và Trung úy Vũ Đăng Toàn là chính trị viên, trưởng xe 390, đã tiến hành hội ý, quyết định không thể chậm trễ, phải xốc lại đội hình, tổ chức Đại đội tiến vào bên trong. “Đi đầu đoàn quân tiến về Sài Gòn là xe tăng 866 của Trung đội trưởng Lê Tiến Hùng, tiếp theo sau là xe 390 của chúng tôi rồi xe 843 của Trung úy Bùi Quang Thận, lần lượt đi. Đến ngã tư Hàng Xanh xe 390 bắn pháo tiêu diệt 2 xe thiết giáp M113 của địch sau đó rẽ trái, tiến về hướng Dinh Độc Lập” ông Nguyên cho hay.

“Đến cầu Thị Nghè thì xe của Trung đội trưởng Lê Tiến Hùng bị địch bắn hỏng, phải dừng ở ngay cổng phụ Dinh Độc lập. Thấy vậy, đồng chí Tập hỏi có nên vào hay dừng lại, thì đồng chí Toàn khẳng khái: “Cứ tông vào đi”. Ngay lập tức, chiếc xe “chồm” lên, dũng mãnh húc đổ cánh cổng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chạy lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập. Trong lòng mỗi chúng tôi, ai cũng hạnh phúc trào nước mắt” ông Nguyên nhớ lại giây phút hào hùng ấy.

Đời thường của người góp mặt làm nên lịch sử

copy of xe tang 390 1493384084044
Chiếc xe tăng 390 từng húc đổ cổng Dinh Độc Lập (ảnh tư liệu).

Sau chiến thắng 30/4, Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên cùng 3 đồng đội là Trung úy Vũ Đăng Toàn, Trung sĩ Nguyễn Văn Tập và Thiếu úy Lê Văn Phượng tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam trên chiếc xe tăng 390. Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, họ lại về Bắc phục vụ 4 năm bảo vệ biên giới. Và cứ như thế, hết Nam lại Bắc, hết cuộc chiến này tới cuộc chiến khác, ông Ngô Sỹ Nguyên đã có 10 năm gắn bó với xe tăng 390.

Tự hào là vậy, nhưng suốt 20 năm, 4 người lính trên chiếc xe tăng 390 vẫn sống lặng lẽ với chiến công của mình bởi có một thời gian dài, lịch sử ghi nhận xe tăng 843 mới là chiếc đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào Ngày giải phóng đất nước. Ngày học lớp 5, khi nghe cô giáo giảng bài xe tăng 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, cậu bé Thịnh (con trai ông Nguyên) đã nói với cô giáo và bạn bè rằng, xe tăng 390 do bố mình làm pháo thủ mới là xe đầu tiên húc đổ cổng dinh.

Mãi đến năm 1995, lịch sử mới tìm lại công bằng cho những người lính trên chiếc xe tăng 390, khi phóng viên người Pháp Francoise De Mulder trở lại Việt Nam, tìm gặp 4 người lính trên kíp xe tăng 390 năm xưa để trao tặng bức ảnh xe tăng của ông Nguyên cùng đồng đội húc đổ cổng Dinh Độc Lập đầu tiên.

Và đến năm 2012, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 chính thức được lịch sử thừa nhận là chiếc xe đầu tiên húc tung cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập được nhà nước ta công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Nguyên cũng trở về với cuộc sống thường nhật. Tháng 1/1982, ông là 1 trong 24 sĩ quan của đơn vị được nhận nhiệm vụ mới về làm nhân viên xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Phà Đen (Cảng Hà Nội ngày nay). Và giai đoạn này ông mới có nhiều thời gian hơn để nghĩ đến tình cảm đôi lứa. Ông đi tìm cô gái Nguyễn Thị Bé (người Nam Định) với mái tóc tết đuôi sam, thùy mị, nết na mà mình đã thầm để ý khi còn làm pháo thủ của xe tăng 390. Mối nhân duyên đã cho 2 người gặp lại nhau và nên duyên vợ chồng năm 1983. “32 tuổi tôi lấy vợ, cái thời đó tuổi như tôi bị người ta gọi là ế rồi. May mà bà ấy vẫn để ý và yêu thương tôi. Chúng tôi lần lượt đón những đứa con vào năm 1985 và 1986. Hai cháu đến nay cũng đều đang làm trong quân đội”, ông nhớ lại.

Cuộc sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, 4 miệng ăn trong gia đình chủ yếu trông vào đồng lương của vợ nên vào tháng 10/1992, ông quyết định thôi công tác tại Cảng Phà Đen, mua một chiếc xe ba bánh về chở hàng. Năm 1996, ông Nguyên bán xe lam, “lên đời” chiếc xe Gaz 69 để chở hàng hóa thuê. Rồi ông học lái ôtô lấy bằng E và chính thức chuyển sang lái xe buýt cho Xí nghiệp xe buýt 10/10 vào năm 2002, đảm nhận lái xe tuyến 28 và 37 của Thủ đô.

Sau một thời gian dài cống hiến, năm 2012 ông nghỉ hưu, về tĩnh dưỡng tuổi già, vui vầy bên con cháu. Cuộc sống của ông thường ngày chỉ giao lưu gặp gỡ bạn bè, trông nom những đứa cháu và phụ giúp vợ việc nhà. Có thời gian ông cũng tìm về với chiến trường xưa, với những người đồng đội cũ.

“30/4 sắp tới tôi lại có cơ hội về lại chiến trường xưa, đây là dịp để mọi người cùng ôn lại những kỉ niệm một thời kháng chiến oai hùng và cũng là dịp để tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống. Mình được trở về lành lặn với gia đình nhưng có những đồng đội đã nằm xuống mãi mãi nơi chiến trường, xương máu của họ đã đổi lấy hòa bình cho đất nước” ông Nguyên bồi hồi xúc động.

“Dù 843 hay 390 là xe đầu tiên tiến vào Dinh không quan trọng vì tất cả chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính, đó là chiến thắng chung của nhân dân Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam.Chiến thắng đó đã đổi bằng bao xương máu, bao công lao của toàn quân, toàn dân đất nước Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng thật may mắn khi được lịch sử lựa chọn có mặt trong giây phút vô cùng thiêng liêng ấy. Có những lúc tôi vẫn thấy nó như một giấc mơ vì một anh lính trẻ chỉ mới 24 tuổi đầu như tôi lại có được những vinh dự ấy” ông Nguyên xúc động nhớ lại.

Tác giả bài viết: Kim Oanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP