Trong nước

F0 cả nước tăng nhanh, vượt 30.000 ca/ngày, có đáng lo?

Liên tục trong 10 ngày sau Tết, F0 tại Việt Nam tăng nhanh, vượt 30.000 ca/ngày, điều này có đáng lo?

10 ngày sau Tết, số ca COVID-19 ở Việt Nam liên tục ở ngưỡng từ hơn 20.000 đến 30.000 ca/ngày. Cao điểm ngày 16/2, cả nước ghi nhận 34.723 ca, cao nhất từ khi xuất hiện dịch. Số ca mắc liên tục tăng khiến nhiều người lo dịch bùng phát mạnh trong thời gian tới.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, số ca bệnh tăng cao sau Tết Nguyên đán là điều được dự báo từ trước. Nguyên nhân, dịp nghỉ lễ người dân đi lại, giao lưu nhiều; Việt Nam cũng đang thực hiện nới lỏng, thích ứng an toàn, linh hoạt hơn với dịch COVID-19.

Học sinh nhiều tỉnh thành bắt đầu đến trường trở lại, trong cộng đồng đã có những người nhiễm bệnh không triệu chứng vô tình làm lây nhiễm cho người khác cũng là nguyên nhân làm gia tăng F0. "Tuy nhiên, đây cũng là điều chúng ta đã dự đoán trước", ông Phu nói.

Số ca bệnh tăng cao trong những ngày gần đây.

Không nên lo lắng

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dù số ca COVID-19 trong thời gian qua xu hướng tăng, nhưng số ca bệnh nặng không tăng nhanh, thậm chí có nơi số ca tử vong giảm sâu, đặc biệt là TP.HCM. Sau thời gian dài ghi nhận nhiều ca tử vong thì gần đây TP.HCM có thời điểm về 0 (ngày 14/2).

Vị chuyên gia này cho rằng đây là kết quả của chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử Việt Nam trong thời gian qua. Ngoài ra, nhờ hệ thống y tế được củng cố tốt hơn, giúp nhiều người dân được tiếp cận với y tế hơn cũng nên tỷ lệ bệnh nhân bị chuyển nặng, tử vong cũng giảm nhiều.

“Sự chung tay, tiếp sức của hệ thống y tế tuyến cơ sở giúp tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, chuyển nặng không nhiều. Nhờ đó, dù số ca bệnh vừa qua tăng cao nhưng tỷ lệ bệnh nặng và tử vong không nhiều. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Mọi người hãy nhắc nhở nhau biết cách tự cách ly, theo dõi chăm sóc sức khỏe tại nhà và thông báo cho cơ quan y tế ngay khi cần để được trợ giúp”, ông Phu nói.

F0 cao nhưng số ca nặng không tăng nhiều nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 và sự chung tay của y tế tuyến cơ sở. (Ảnh: Bộ Y tế)

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng cho rằng, số F0 tăng cao thời điểm sau Tết đã được dự báo từ trước. F0 tăng nhưng số ca bệnh nặng không tăng quá cao theo ông là tín hiệu không quá đáng lo.

Giảm tải y tế tuyến trên

Các chuyên gia dịch tễ nêu, thời gian tới, song song với việc tiêm vaccine phòng COVID-19, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cao, củng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở để giảm tải cho y tế tuyến trên, tránh tình trạng bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường hơn nữa về tuyên truyền cho người dân, tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế. Song song với đó, y tế các tỉnh, thành phố cần đặc biệt quan tâm tới nhóm người già, người bệnh lý nền, người chưa được tiếp cận vaccine và trẻ em.

“Điều cơ bản là chúng ta cần tuyệt đối tuân thủ 5K. Thời điểm này ý thức người dân vô cùng quan trọng vì sẽ giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các địa phương cũng cần kiểm soát được lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như ca tử vong. Đồng thời, phải chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền và trẻ em”, ông Phu nhấn mạnh.

Tác giả: Phạm Quý

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP