Chị N.H.H (29 tuổi, ở Khu đô thị Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết, ngày 29/1, chị H. có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ rồi đến sốt rét. Trong 2 ngày đầu, dù triệu chứng rõ rệt nhưng khi chị test nhanh kháng nguyên là âm tính. Sang ngày thứ 3, chị H. và chồng đã đến Bệnh viện Đa khoa Văn Giang để làm test PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Chị H. cho biết, sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, vợ chồng chị đã thông báo cho y tế địa phương. Sau đó chỉ có duy nhất 1 lần nhân viên y tế của Trạm y tế xã Phụng Công gọi điện hỏi về các triệu chứng biểu hiện, bệnh nền và hướng dẫn tự theo dõi ở nhà. Đến ngày 6/2, vợ chồng chị H. được nhân viên y tế của Trạm y tế xã đến test và thông báo âm tính. Họ hướng dẫn anh chị tự theo dõi thêm 7 ngày và gỡ cách ly y tế.
Một F0 tại Hà Nội tự xoay xở mua thuốc về điều trị tại nhà. |
Chị H. cho biết, từ khi vợ chồng chị mắc Covid-19 và tự theo dõi ở nhà nhưng y tế địa phương “thờ ơ như không”. Không được tư vấn, hướng dẫn về cách xử lý vấn đề, chăm sóc bản thân nên những ngày đầu, chị H. và chồng khá hoang mang, chưa kể họ cũng đã tốn kém một khoản khi phải mua một số thực phẩm hỗ trợ kháng virus được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội.
“Người mà chúng tôi giao tiếp nhiều nhất có lẽ là lễ tân khu toà nhà. Y tế địa phương không gọi điện, tư vấn gì. Vợ chồng tôi tự mua thuốc, tự theo dõi. Hỗ trợ F0 như thế kém khủng khiếp”- chị H. nói.
Ngày 13/2, anh B.Đ.L (23 tuổi, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) thấy biểu hiện sốt, khan họng, anh đã tự mua que test về xét nghiệm và kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Anh L. cho biết đã khai báo trên ứng dụng PC Covid và cứ đợi có người gọi để được tư vấn và hỗ trợ nhưng đến hôm nay (17/2) vẫn không thấy có cuộc gọi hay tin nhắn nào từ y tế cơ sở.
Khó khăn về nhân lực
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội mỗi ngày vẫn liên tiếp ở mức cao, gây khó khăn về nhân lực y tế tại các trạm y tế cơ sở. Cùng với đó là các quy định chưa nhất quán khiến cả nhân viên y tế tại địa phương và người dân lúng túng.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, bà Ngô Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, để phục vụ việc chăm sóc các F1, F0 tại nhà, UBND phường đã thành lập 2 tổ cán bộ y tế làm việc tại trạm y tế lưu động của phường với nhân sự là 13 người. Phường cũng huy động ở cộng đồng các lực lượng đoàn thể và dân cư tham gia trực cùng với các cán bộ của trạm y tế lưu động.
Để đảm bảo việc đưa thuốc và hỗ trợ các trường hợp F0, F1, ngoài lực lượng tại trạm y tế lưu động, UBND phường cũng huy động toàn bộ các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn tham gia công tác này.
Theo các chuyên gia y tế, việc tăng cường y tế cơ sở, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình là hướng đi cần thiết của ngành y tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khi số lượng F0 tại cộng đồng tăng cao, việc huy động sự vào cuộc của phòng khám, bệnh viện tư nhân rất quan trọng.
Các chuyên gia y tế cho rằng, y tế địa phương, từ trạm y tế đến trạm y tế lưu động, chỉ nên tập trung hướng dẫn, theo dõi, quản lý F0 diễn biến nhẹ, cung cấp thuốc. Khi có trường hợp F0 diễn biến nặng phải cấp cứu, trạm y tế hỗ trợ thở oxy và cấp cứu ban đầu, sau đó đưa F0 đến bệnh viện tuyến trên điều trị.
Từng chia sẻ về vấn đề này với báo chí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, ngành y tế Hà Nội cần ban hành quy định nhất quán, rõ ràng về điều kiện khi nào được cấp túi thuốc, ai được cấp thuốc kháng virus... để giúp người dân và F0 có sự chủ động khi bị nhiễm.
Các vấn đề về tư vấn, hỗ trợ F0, ông Hùng cho rằng, thành phố Hà Nội nên xây dựng hệ thống chăm sóc, điều trị từ xa với mạng lưới bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn sẵn sàng tình nguyện./.
Tác giả: Minh Khánh
Nguồn tin: vov.vn