Không có được giọng nói trầm, khàn đặc trưng của phái mạnh là nỗi khổ của không ít nam giới. Anh T.H.K. (28 tuổi, quê Hậu Giang) tìm đến bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cầu cứu các bác sĩ "chỉnh" lại giọng nói cho mình. Anh K. tâm sự với bác sĩ: "Mắc cỡ lắm vì mỗi khi cất giọng nói lên người ta cứ tưởng là cô nào đang nói".
Anh K. chia sẻ, anh bị đổi giọng từ năm lên 10 tuổi. Hồi đó mới học lớp 5, đi học mỗi khi nói chuyện là bị bạn bè cười trêu. Thấy xấu hổ lắm nhưng không biết làm sao để thay đổi. Đi học ngại nói chuyện lắm, chỉ ngồi một góc thôi".
Anh mang tâm lý mặc cảm, tự ti khi ra trường, đi làm, anh vẫn có một giọng nói không bình thường như những người đàn ông khác. Nhiều khi vừa mở miệng, nhiều người xung quanh đã cười ồ lên, thậm chí là chế giễu anh. Anh dần thu mình, hiếm khi thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân ở cơ quan, tập thể.
K. bộ bạch: "Tôi cũng không dám quen bạn gái luôn, sợ bị chê cười. Cách đây 1 năm, tôi được bạn bè khuyên nên bác sĩ điều trị thử xem, qua tìm hiểu, tôi tìm đến bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để điều trị".
BS Trần Thị Thu Trang, Trưởng đơn vị Thanh học Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: "Sau khi được bác sĩ kiểm tra, phân tích giọng nói, K. được tiến hành điều trị bằng phương pháp luyện giọng. Trường hợp của K. hơi phức tạp nên phải mất đến 7 buổi luyện giọng, mỗi buổi từ 30-40 phút thì em mới thay đổi được giọng nói, quay về đúng giọng nam trầm".
Tương tự là trường hợp của em T.Đ.T.S. (sinh viên năm 2, ngụ Sài Gòn), em cũng được gia đình đưa đến BV cầu cứu bác sĩ vì em mang giọng nói the thé của một cô thiếu nữ.
S. tâm sự: "Không hiểu sao giọng của em như con gái, đi học cứ bị bạn bè chọc ghẹo. Em không tự tin giao tiếp nữa nên gia đình mới đưa em đi điều trị".
Rơi vào hoàn cảnh éo le tương tự là em T.T.T. (21 tuổi), vì làm nghề buôn bán linh kiện điện tử, thường xuyên giao tiếp qua điện thoại; nhưng mỗi lần cất tiếng lên nói là ai cũng tưởng là... chị.
Tâm lý của anh K., em T. hay em S. cũng là tâm lý của một số nam giới khi họ chẳng may mắn sở hữu một giọng nói mà dân gian vẫn gọi nôm na là “giọng mái”. Nhiều bệnh nhân tìm đến với bác sĩ chỉ ước mình có giọng nói bình thường như những người đàn ông khác chứ không phải giọng nói “nửa nam, nửa nữ” như hiện tại”.
BS Trần Thị Thu Trang, Trưởng đơn vị Thanh học Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: "Trường hợp bị rối loạn giọng nói không phải là hiếm, đặc biệt là ở tuổi dậy thì. Bệnh viện cũng vừa điều trị thành công cho một trường hợp khá lớn tuổi, bệnh nhân 42 tuổi, bị rối loạn giọng nói từ thuở dậy thì nhưng không biết cách thay đổi giọng nói mà âm thầm chịu đựng, không dám có bạn gái luôn. Mãi đến năm 42 tuổi mới biết thông tin và đi điều trị. Nhưng chỉ sau 1 buổi được các bác sĩ luyện giọng, anh đã khắc phục được giọng nữ cao, trở về đúng giọng nam trầm. Đáng mừng là anh vừa gọi điện khoe là đã có bạn gái".
Tìm lại giọng nói đàn ông
Theo số liệu, lượng bệnh nhân đến luyện giọng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM thuộc nhiều độ tuổi, từ trẻ con đến những thanh niên, thậm chí đàn ông trung niên. Họ khao khát đi tìm giọng nói trầm, khàn đặc trưng của phái mạnh.
Trong thời buổi cái gì cũng có thể… sửa, giọng nói cha sinh mẹ đẻ cũng không là ngoại lệ nếu người ta muốn tập luyện cho nó khác đi. Tìm lại giọng nói đàn ông giúp họ tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.
BS Trần Thị Thu Trang, Trưởng đơn vị Thanh học Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: Trung bình mỗi tháng BV Tai Mũi Họng tiếp nhận điều trị cho khoảng 10 trường hợp rối loạn giọng nói.
Sau khi khám nội soi thanh quản và kết luận không có bệnh lý về thanh quản mà phần nhiều do tâm lý ảnh hưởng, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ điều trị bằng cách đơn giản: luyện giọng.
Đầu tiên, bệnh nhân được ghi âm giọng nói vào băng cassette. Sau đó, họ được tiến hành luyện giọng theo phác đồ: Thư giãn; Tập thở bụng, đằng hắng, phát âm; Tập đọc nhỏ, to, thấp, cao; tập kể chuyện; Tập động tác môi miệng; Tập phong cách; Tập hát và phát âm theo đàn.
Mỗi đợt tập bắt đầu bằng một buổi học tại Trung tâm Tai Mũi Họng, sau đó bệnh nhân tự tập ở nhà 2 lần/ngày, mỗi lần nửa tiếng. Bệnh nhân được ghi âm giọng nói để đánh giá sau 5 đợt tập, ghi âm và tái khám soi thanh quản sau 10 đợt tập.
"Mới đầu bệnh nhân khá lúng túng khi phải tập thở dài, tập nói “ồ”, “ùm” kéo dài để đẩy hơi ra ngoài. Nhưng chỉ sau khoảng 30 phút luyện giọng, nhiều trường hợp đã tìm lại được giọng nam trầm đặc trưng của nam giới", bác sĩ Trang chia sẻ.
BS Trần Thị Thu Trang cho biết thêm: "Trung bình mỗi bệnh nhân chỉ cần luyện nói với bác sĩ 3 buổi, mỗi buổi khoảng 30-40 phút là có thể 'chỉnh' được giọng. Có trường hợp nhanh, chỉ tập một buổi là được, cũng có người khó hơn, phải luyện với bác sĩ đến 10 buổi. Tuy nhiên, 100% các trường hợp mà chúng tôi điều trị đều thành công, các bệnh nhân đều tìm lại giọng nói đàn ông, giúp họ tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Mỗi buổi luyện giọng chỉ mất phí 50 ngàn đồng".
“Ngoài việc tìm lại giọng nói nam cố định, bệnh nhân còn còn được hướng dẫn thay đổi phong cách và lối sống, mạnh mẽ và tự tin hơn”, bác sĩ Trang cho biết.
Theo BS Trang, tập trên lớp một buổi 30 - 40 phút chỉ là bước đầu, quan trọng là người tập phải tự luyện ở nhà. Cuối mỗi buổi tập, bác sĩ đều ghi bài tập về nhà cho học viên: đứng trước gương tập đếm, tập lấy hơi.
Những bài tập tưởng chừng đơn giản như tập hít thở cho đúng, phát âm trầm, kiểm soát luồng hơi... nhưng nếu không tập đúng theo cách chỉ dẫn của bác sĩ và thiếu sự quyết tâm thì bệnh nhân cũng sẽ vất vả hơn, lâu đạt được mục tiêu như mong muốn.
Bệnh nhân K. chia sẻ: “Giọng tôi đã trầm hơn, cảm giác tự tin và bây giờ có tiếp xúc với mọi người mà không phải tự ti, mặc cảm như trước".
Điều trị rối loạn giọng tuổi dậy thì Theo Trần Thị Thu Trang, Trưởng đơn vị Thanh học Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, rối loạn giọng tuổi dậy thì là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Nói cách khác, bệnh nhân có thanh quản trưởng thành nhưng lại không có giọng nói trưởng thành, khiến cho một số người mặc cảm và hạn chế sự giao tiếp trong xã hội. Điều làm tổn thương họ nhất là những lời chọc ghẹo của người xung quanh và sự hiểu lầm giới tính khi họ nói chuyện qua điện thoại. Chưa có nguyên nhân rõ ràng gây ra việc rối loạn giọng nói ở nam giới. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu cho thấy, do tâm lý bối rối không chấp nhận giọng nói mới khi dậy thì; sinh ra trong gia đình chó nhiều chị em gái;... Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể cải thiện giọng nói hoàn toàn vì sau khi dậy thì, giọng nói và cách nói đã thành thói quen khó sửa. Vì vậy nếu thấy giọng mình có vấn đề, mọi người nên có biện pháp điều chỉnh sớm. Nếu không được điều trị, vấn đề có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, hạnh phúc của cá nhân. Đối với những trẻ vị thành niên, điều chỉnh rối loạn giọng tuổi dậy thì thường có tỷ lệ thành công rất cao, việc điều chỉnh cũng rất thuận lợi, nhanh chóng hơn. Càng lớn tuổi, khi giọng nói đã cố định, đã thành thói quen lâu ngày thì việc điều chỉnh càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu cố gắng, việc lấy lại giọng nói đàn ông là điều có thể trong một thời gian không quá lâu. BV Tai Mũi Họng TP.HCM hiện là nơi duy nhất ở TP.HCM điều trị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì. Các bác sĩ, điêu dưỡng tại đây thường xuyên được tập huấn từ các chuyên gia về thanh học, âm ngữ trị liệu đến từ Australia. |
Tác giả bài viết: Ngô Đồng
Nguồn tin: