Bạn cần biết

Đừng chủ quan, trì hoãn điều trị các chấn thương khớp gối

Vừa qua, tại khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh, PGS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Chi trên và Y học thể thao, Phó Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, PGĐ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã phẫu thuật cho 8 trường hợp.

Trong đó, có hai trường hợp bị thoái hóa khớp gối chỉ định thay khớp gối, một trường hợp hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi chỉ định thay toàn bộ khớp háng, một trường hợp bị đứt cơ tứ đầu đùi và bốn trường hợp chấn thương khớp gối được chỉ định mổ nội soi khớp gối.

Chia sẻ về các trường hợp đã phẫu thuật, PGS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh cho biết về một số ca đặc biệt như sau:

Trong hai ca thay khớp gối có một trường hợp người bệnh nữ, 65 tuổi, ở thị trấn Nam Đàn bị tai nạn ngã cách đây sáu tháng. Sau chấn thương, người bệnh bị gãy xương và vỡ lún phần mâm chày ngoài gối trái và được bó bột ngay sau đó. Tuy nhiên, người bệnh không được nắn chỉnh và điều trị kịp thời do vậy tạo nên sự mất cân bằng chênh lệch giữa mâm chày trong và mâm chày ngoài khớp gối. Thêm vào đó, tiền sử người bệnh bị thoái hóa khớp gối trước đó nên tình trạng thoái hóa khớp gối tiến triển rất nhanh và gây những cơn đau không thể đi lại được.

Các chấn thương gối cần được can thiệp và điều trị kịp thời

Tại khoa Ngoại CTCH, các Bác sĩ khám thấy người bệnh bị biến dạng vẹo ngoài khớp gối - là một trong những tổn thương ít gặp. Đa phần các trường hợp thoái hóa khớp gối là vẹo trong (khớp gối của người bệnh hình chữ O - chân vòng kiềng). Nhưng trường hợp này ngược lại là vẹo ra ngoài, biến dạng hình X. Những tổn thương như thế này thường sẽ khó xử trí hơn so với những trường hợp biến dạng vẹo trong. Do vậy, Bác sĩ đã chỉ định thay toàn bộ khớp gối, cắt chỉnh sửa cả phần lồi cầu xương đùi cũng như phần mâm chày để khớp về thẳng trục như trước khi người bệnh bị chấn thương. Cuộc mổ đã diễn ra thuận lợi trong khoảng 30 phút và đã được thay toàn bộ khớp gối trái.

Trường hợp đặc biệt thứ hai, người bệnh nam, 41 tuổi, ở Trường Thi, TP. Vinh là vận động viên chạy Marathon. Tháng 10/2022, trong quá trình luyện tập chạy cự ly 100m, sau khi tăng tốc đột ngột, người bệnh bị khuỵu hẳn khớp gối, toàn bộ chức năng đùi và khớp gối không được như bình thường nữa. Sau bảy tháng bị chấn thương, người bệnh đến Bệnh viện thăm khám với triệu chứng yếu cơ, teo cơ đùi và yếu các động tác duỗi gối khi chạy nhanh hoặc thực hiện các động tác xoay khớp gặp nhiều khó khăn, không còn linh hoạt như bình thường.

Trên phim cộng hưởng từ (MRI) cho thấy hình ảnh điển hình của một ca đứt cơ thẳng trước đùi, hai phần đầu cơ bị co rút rất xa nhau, ước tính khoảng 20 cm. Đây là một trường hợp khá đáng tiếc vì người bệnh đến muộn và tình trạng co rút lâu ngày dẫn đến không thể có khả năng nối trực tiếp hai đầu bị đứt. Đối với trường hợp này, các Bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật Tendondesis – Cố định lại đầu trung tâm phần đứt vào phần gân cơ lân cận, cụ thể: Nối cơ thẳng trước đùi và cơ thẳng trong. Sau mổ, người bệnh có thể tập vận động sớm khi điểm nối cơ liền trở lại.

Các bác sỹ đang tiến hành ca phẫu thuật cho bệnh nhân

Tuy nhiên, Bác sĩ khuyến cáo đối với những ca như trên, người bệnh không nên chủ quan, điều trị muộn. Bởi vì tình trạng tổn thương diễn biến nặng dẫn đến phẫu thuật phục hồi và tập phục hồi chức năng sẽ rất khó khăn không thể đạt 100% như bình thường.

Ngoài ra, trong bốn ca chấn thương khớp gối, có một trường hợp người bệnh nam, 26 tuổi, ở Nam Anh, Nam Đàn là một vận động viên đấu vật của tỉnh Nghệ An. Khám lâm sàng và trên phim chụp cộng hưởng từ (MRI) xác định người bệnh bị đứt dây chằng chéo trước. Đây cũng là một trường hợp điều trị tương đối muộn, từ lúc người bệnh bị chấn thương đến nay là ba năm, dẫn đến không thể vận động chân linh hoạt như bình thường, cũng như gây ảnh hưởng đến tình trạng trong khớp, làm tăng nặng thoái hóa khớp gối. Đối với trường hợp này, Bác sĩ đã thực hiện tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng kỹ thuật Allinside, cố định vòng treo cả 2 hai đầu.

Ngoài ra còn một trường hợp người bệnh nữ, 23 tuổi, ở Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu bị tai nạn xe máy và cũng bị bong điểm bám dây chằng chéo trước cách đây bốn tuần. Do người bệnh có vết thương đụng dập và trầy da trước gối nên phải chăm sóc vết thương lành và sạch, sau đó thực hiện phẫu thuật nội. Vì vậy, thời điểm điều trị tương đối muộn.

Những trường hợp bong điểm bám dây chằng chéo trước làm tổn thương dây chằng chéo trước cũng là một trường hợp gãy xương cấp cứu. Do vậy nếu chúng ta có điều kiện mổ sớm, cố định sớm được mảnh gãy sẽ giúp cho mảnh xương dễ liền hơn. Người bệnh cũng rút ngắn được thời gian bất động và có thể tập phục hồi chức năng được sớm hơn và sinh hoạt, vận động trở lại như bình thường.

Tác giả: Kim Chung

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP