Thế giới

Đức, Latvia tập trận đề phòng tấn công từ Nga

Binh sĩ Đức và Latvia tập trận chung tại khu vực cách không xa biên giới Nga để tăng cường năng lực phòng không, "đề phòng một cuộc tấn công từ Moscow".

Binh sĩ Đan Mạch và Đức ở Latvia. Ảnh: Defense 24.


Đức điều động khoảng 80 binh sĩ, 400 tấn thiết bị, trong đó có một trung tâm kiểm soát cơ động, tham gia đợt tập trận kéo dài tới tháng 10.

"Lo ngại lớn nhất là Nga khó dự đoán. Thông qua các sự kiện ở Gruzia, Crimea và miền đông Ukraine, Nga đã thể hiện rằng, dù lý do là gì thì họ cũng sẵn sàng có hành động quân sự", Reuters dẫn lời Trung tướng Raimonds Graube, chỉ huy các lực lượng vũ trang Latvia, nói ngày 6/9.

Latvia đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong hai năm qua và sẽ đạt mức mục tiêu của NATO, chi 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho quốc phòng, vào năm 2018.

Cuộc tập trận chung Đức - Latvia nằm trong đợt tập trận mang tên Persistent Presence (Hiện diện Thường trực) của NATO. Tham gia tập trận còn có Trung tâm Kiểm soát và Báo cáo Cơ động Đức, đơn vị đang tuần tra một phần không phận Baltic sử dụng radar Đức và một số radar Baltic, gồm ba quốc gia Estonia, Latvia và Litva.

Trung tướng Karl Muellner, đứng đầu không quân Đức, cho biết tập trận sẽ giúp hai nước thực hành tương tác phức tạp giữa công nghệ, binh sĩ và địa hình không quen thuộc trước khi điều động thực sự.

Các lãnh đạo NATO hồi tháng 7 nhất trí triển khai 4 tiểu đội, tổng cộng 3.000 đến 4.000 binh sĩ, đến các quốc gia Baltic và miền đông Ba Lan, tăng cường tuần tra trên không và trên biển để trấn an những nước này sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3/2014.

Moscow tuyên bố có kế hoạch điều động các tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân đến Kaliningrad, vùng lãnh thổ Nga nằm giữa Ba Lan và Litva, để đáp trả việc NATO kích hoạt lá chắn tên lửa do Mỹ sản xuất trên đất Ba Lan.

Graube nói một trong những căn cứ trực thăng Nga hiện đại nhất nằm ở Ostrow, cách biên giới với Latvia chỉ 25 km, nhưng vẫn nằm trong bán kính 350 km của một hệ thống radar cực mạnh mà Đức đưa đến tập trận.

"Tất nhiên điều đó khiến chúng tôi lo lắng. Thật tốt khi phía Đức có mặt tại đây để răn đe và gửi đi thông điệp rằng NATO mạnh và đoàn kết", Graube cho biết.

Vị trí các nước Baltic và Nga. Đồ họa: BBC.

Tác giả bài viết: Như Tâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP