Thí sinh tham gia một ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được tổ chức hồi tháng 3. Ảnh: Diệp An |
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, toàn hệ thống có hơn 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký, gần 550.000 chỉ tiêu. Trong đó, nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý có số lượng chỉ tiêu lớn nhất, trên 118.000, chiếm hơn 21% tổng chỉ tiêu của tất cả các nhóm ngành. Số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký cũng lớn nhất, chiếm 32,7%.
TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng, đất nước đang phát triển nên nhu cầu về nhân lực kinh tế vẫn còn rất lớn. Nhưng ông nhận định, các trường ĐH đang mở quá nhiều mã ngành liên quan kinh tế, dẫn đến những “rối loạn” không cần thiết cho thí sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng, nhiều sinh viên nhóm ngành kinh tế đang thất nghiệp, còn nhóm ngành công nghệ kỹ thuật đang rất đắt hàng. Theo ông, nhiều thí sinh thích học kinh tế hơn kỹ thuật là do không có định hướng từ trường phổ thông, công tác hướng nghiệp của các trường còn rất kém; cùng với đó là tâm lý ngại khó, ngại khổ của thí sinh.
Học kỹ thuật khó, phải làm thực hành nhiều, mỗi năm có tới 10% sinh viên phải thôi học. Việc thí sinh đổ dồn vào nhóm ngành kinh tế được ông Dũng dự báo sẽ gây ra hệ quả vô cùng lớn. Phần lớn các trường ưu tiên mục tiêu tuyển sinh, không quan tâm vấn đề việc làm của sinh viên ra trường. “Các trường đang chạy theo tâm lý chọn ngành của thí sinh”, ông nói.
Bộ GD&ÐT nên điều tiết
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, cho hay, số lượng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh chính là năng lực đào tạo của các trường. Nhà trường căn cứ vào nhu cầu xã hội để điều tiết nguồn lực, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của mình để dồn năng lực đào tạo vào những ngành nghề đó.
Nhưng khi tập trung quá nhiều nguyện vọng của thí sinh vào một số lĩnh vực, tạm gọi là thu hút, hấp dẫn, thì mức độ cạnh tranh chắc chắn sẽ rất cao và khả năng trúng tuyển của thí sinh cũng sẽ thấp hơn nhiều. Đây là những rủi ro, thách thức mà các em phải đối mặt. Thậm chí có thể dẫn tới việc các em không đỗ một trường nào, khi mà tất cả nguyện vọng đăng ký của mình đều dồn vào những ngành có mức cạnh tranh quá cao.
Ngoài ra, việc chạy theo trào lưu (đôi khi là tâm lý xã hội, tâm lý đám đông) mà không cân nhắc thực lực, sở trường, điều kiện cụ thể, đặc điểm của cá nhân, của gia đình có thể dẫn tới việc chọn sai trường, sai nghề mà điều này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực mới có thể sửa sai được. Bà Thủy nhìn nhận, hiện vẫn còn thiếu đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của những ngành nghề khác nhau, thiếu dự báo sự biến động về nhu cầu trong trung hạn và dài hạn.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, cho rằng, Việt Nam hiện có rất nhiều trường đào tạo về kinh tế; cung cao hơn cầu sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Vì vậy, cần sự điều tiết của Nhà nước. “Tự chủ ĐH không có nghĩa là Nhà nước bỏ rời vai trò này”, ông Vinh nói. Do đó, khi nhận thấy vấn đề cung cầu có sự chênh lệch lớn, Bộ GD&ĐT có thể điều tiết bằng cách ban hành các tiêu chuẩn để các trường thực hiện.
Ví dụ, tiêu chuẩn hiện nay là 25 sinh viên/giảng viên thì có thể điều chỉnh còn 15 sinh viên/giảng viên đối với ngành Kinh doanh và Quản lý. Ở các nước tiên tiến, Hội đồng trường ĐH phải chịu trách nhiệm khảo sát thị trường, nếu thị phần ngành đó không có thì không được phép đào tạo. “Bộ GD&ĐT cũng cần làm tốt công tác hậu kiểm xem căn cứ các trường đưa ra để mở ngành như thế nào, có dựa trên điều tra nhu cầu của thị trường hay không”, ông Vinh đề xuất.
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong