Pháp luật

Dự án xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh về quê Bác: Chính quyền 'đem dân... bỏ chợ'

Sau khi về nơi ở mới để triển khai dự án xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh về quê Bác, đã hơn một thập kỷ nay, hàng chục hộ dân ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) chỉ với lý do vướng quy hoạch của chính quyền sở tại và khoản lệ phí từ ‘trên trời rơi xuống’.

Hàng chục hộ dân ‘dài cổ’ chờ sổ đỏ

Đó là một trong những nội dung trong đơn thư phản ánh của nhiều hộ dân tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đến các ban, ngành chức năng; theo đó Dự án xây dựng “Đường mòn Hồ Chí Minh về Quê Bác” được quy hoạch và phê duyệt từ năm 2003, nhận thấy tầm quan trọng của dự án nên tất cả các hộ dân ở đây đều đồng thuận và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, bàn giao và giải phóng nhanh mặt bằng cho chính quyền và Ban quản lý dự án để sớm được triển khai.

bo cho 1
Mặc dù đã về nơi ở mới, bàn giao lại đất cho Dự án xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh về Quê Bác nhưng cho đến nay, hàng chục hộ dân tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Sau khi di dời về nơi ở mới (phía Nam đường nối quê Bác – đối diện với nơi ở cũ- PV), các hộ dân đã làm nhà sinh sống ổn định từ đó cho đến nay, một số hộ do không có nhu cầu ở tại đây nên đã chuyển nhượng lại cho người khác.

Đơn thư phản ánh của các hộ dân cũng nói lên những điều bất cập khi đã 13 năm rồi mà họ vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng Đất, và để làm được thì cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền sử dụng đất để được cấp sổ đỏ.

Trong đó, có 9 hộ dân lại nằm trong quy hoạch khu Đô thị Thanh Thủy (được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2006) nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được triển khai và xây dựng, việc cấp sổ đỏ cho những hộ dân này càng trở nên khó khăn hơn khi chính quyền cứ bảo do ‘vướng quy hoạch”. (?).

Bà Nguyễn Thị Hòa - Hiện là Bí thư chi bộ thôn 4, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương cho biết: “Năm 2000 địa phương có chủ trương quy hoạch, đo đạc để làm đường, đến năm 2003 thì chuyển sang khu tái định cư; thôn 4 chúng tôi có 9 hộ, còn trên địa bàn toàn xã thì có 43 hộ”.

Bà Hòa cũng cho biết thêm, ở thời điểm đó, đất ở đây rất rẻ vì là đất giải tỏa, nhưng không nhận được bất cứ hướng dẫn nào của địa phương về việc nạp tiền sử dụng đất. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.
bo cho 2
Đơn thư của các hộ dân gửi các ban, ngành chức năng

Liên quan vấn đề chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Cao Doãn Hải (SN 1969, trú thôn 4, xã Thanh Thủy) bức xúc: “Sau khi nhận đất Tái định cư, chúng tôi không nhận được bất cứ hướng dẫn nào về viêc nạp tiền sử dụng đất của địa phương để làm các thủ tục, địa phương cũng nói bây giờ mà muốn làm được sổ đỏ thì phải nạp khoảng 290 triệu đồng” (?).

Không được cấp sổ đỏ vì vướng quy hoạch?

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn xã Thanh Thủy hiện có 43 hộ chịu ảnh hưởng của dự án xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh về quê Bác chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi tái định cư, các hộ chủ yếu nằm ở các thôn: 3,4,5,7,8 và Thị tứ Thanh Thủy, mặc dù đã hơn 13 năm, nhiều lần lên xuống với chính quyền nhưng cho đến nay họ vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với Báo chí về vấn đề này, ông Phan Duy Trinh – Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương cho biết: “Từ năm 2000 thực hiện dự án Đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 46 về Quê bác, về việc giải phóng mặt bằng có liên quan đến 43 hộ trên toàn xã; đã thực hiện tái định cư vào năm 2002, đến 6/2006 có 9 hộ liên quan đến quy hoạch khu đô thị Thanh Thủy; liên quan vấn đề này UBND xã đã kiến nghị cho UBND huyện qua lần tiếp xúc cử tri, năm 2008 có đoàn về kiểm tra, năm 2009 địa phương đã lập hồ sơ trình huyện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng sau đó có quyết định 46 và 49 của UBND tỉnh Nghệ An cùng với đó là việc chưa nạp tiền sử dụng đất của các hộ nên việc này lại chưa được thực hiện”.

bo cho 3
Bản sơ họa mặt bằng hiện trạng công trình và Đất đường Hồ Chí Minh về Quê Bác

Ông Trinh cũng cho biết thêm, ở thời điểm đó (năm 2002 – 2004) giá đất chỉ 4000 ngàn đồng/m², nhưng đến thời điểm này (tức là năm 2016) thì lên tới 1.500.000 triệu đồng/ m²; như vậy người dân muốn làm được bìa thì phải đóng lên tới hằng trăm triệu đồng”.

Theo quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trong Luật đất đai và các văn bản hiện hành thì chính quyền đã làm trái quy định của nhà nước để tồn đọng và phát sinh tiền sử dụng đất là lỗi của chính quyền địa phương?.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng Đất huyện Thanh Chương cho biết: “Ở thời điểm đó (vào năm 2004-2006 - PV) có vụ án đất đai ở Thanh Thủy, cả Chủ tịch và cả địa chính bị tạm giam để cơ quan điều tra; khi nớ (đó) một số dân họ nộp qua xã để nhờ xã nộp vào kho bạc làm thủ tục để cấp bìa, khi nớ (đó) rục rịch Địa chính và Chủ tịch bị rứa (thế) là trả tiền lại cho họ, khi nớ (đó) địa chính và chủ tịch không ai hướng dẫn cho họ cả nên họ chưa nộp tiền để cấp giấy chứng nhận”.

Không riêng gì 9 hộ dân ở thôn 4 chịu ảnh hưởng trực tiếp mà toàn xã Thanh Thủy hiện có có 43 hộ cho đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ, khiến người dân vô cùng bức xúc. Hàng chục lần lên xuống với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.
bo cho
Quyết định về việc xây dựng khu đô thị Thanh Thủy, huyện Thanh Chương của UBND tỉnh Nghệ An.




Còn Ông Trình Văn Bằng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương khẳng định:“ Đối với những dự án phê duyệt kế hoạch rồi nhưng hằng năm chưa có kế hoạch sử dụng đất nên vẫn thực hiện cấp cho người dân bình thường, sắp tới sẽ giao cho xã rà soát và hướng dẫn cho các hộ dân thực hiện; nếu người dân kiến nghị đến các khoản thu thấp hay cao thì huyện sẽ tập hợp và báo cáo lên UBND tỉnh để được giải quyết”. Câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm thuộc về ai ? Cấp nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề trên ? và đến khi nào quyền lợi chính đáng của người dân nghèo nơi đây mới có được?

Thiết nghĩ chính quyền địa phương sở tại, UBND huyện Thanh Chương cùng các cấp ngành liên quan phải chăng đang thờ ơ với vấn đề mà cả xã hội quan tâm, đó là thực hiện tốt về chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân sau khi Tái định cư? Nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của bà con nơi đây đã hơn thập kỷ nay bị lãng quên, có khi nào người dân nơi đây đang bị “mang con bỏ chợ” (!?)

Báo điện tử Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc. /

Tác giả bài viết: Việt Hòa – Phạm Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP