Trong nước

Động viên quan hưu sớm: Chi 200 triệu việc liệu có ‘xuôi’?

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ thái độ tích cực và mạnh dạn của Đà Nẵng trong việc khuyến khích nghỉ hưu sớm, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, nhưng cũng muốn chỉ ra những nguy cơ để cùng suy nghĩ, tìm giải pháp.

Sắp xếp lại bộ máy cơ quan Nhà nước, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đang là yêu cầu, được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương. Đây là công việc bức bách nhưng cũng là khó khăn nhất, bởi lẽ đơn giản, nó đụng chạm trực tiếp vào quyền lợi của đội ngũ cán bộ công chức và chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng không dễ gì giải quyết.

Khó nhưng buộc phải làm nếu chúng ta muốn tồn tại và tiến lên. Cải cách mà không có sự phản đối thì không phải là cải cách. Vì vậy, để hiện thực hóa quyết tâm đòi hỏi những người có trách nhiệm phải động não, suy nghĩ, tìm giải pháp.

Việc Đà Nẵng đưa ra chính sách hỗ trợ cho các cán bộ “ngấp nghé” tuổi nghỉ hưu, nghỉ hưu sớm, khoan hẵng nói về tính hợp lý và khả thi của nó, là điều đáng trân trọng, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người có trách nhiệm, nên được ủng hộ. Cái gì mới chẳng gặp cản trở, khó khăn và những gì mà Đà Nẵng dự kiến đưa ra hẳn không phải là suy nghĩ “bồng bột” nhất thời, mà chắc chắn đã được tranh luận và cân nhắc kỹ càng.

Những ai đã từng tham gia việc xây dựng văn bản pháp luật hoặc hoạch định chính sách dễ dàng thấu hiểu và chia sẻ điều này. Ủng hộ những ý tưởng mạnh dạn, lắng nghe và phản biện khoa học mới là điều cần thiết trong lúc này.

"Thưởng lớn" cho cán bộ tự nguyện thôi việc liệu có hiệu quả. Ảnh minh họa

Mặt khác, xem qua về phương án mà Đà Nẵng đưa ra được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng thấy một số điều cần cân nhắc thêm khi thực hiện chính sách này.

Thứ nhất, chính sách này chỉ áp dụng với đối tượng là đội ngũ lãnh đạo với những người trên 55 tuổi đối với nam và trên 50 tuổi đối với nữ, với điều kiện: 1. Tự nguyện; 2. Được cấp có thẩm quyền đồng ý; 3. Dự kiến được nhân sự thay thế.

Có thể thấy chính sách này đơn giản chỉ là nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo bằng cách thay thế (có hỗ trợ) trên cơ sở tự nguyện của các cán bộ đứng tuổi. Để thực hiện được thì rào cản lớn nhất là làm sao để họ tự nguyện và vượt qua khó khăn này, vì thế Đà Nẵng dùng biện pháp tạm gọi là “đòn bẩy kinh tế”.

Thực ra việc này không phải là mới, từ lâu các cơ quan nhà nước đã áp dụng chính sách cho nghỉ hưu trước tuổi với một khoản tiền tính theo thời gian công hiến (thường gọi là “về một cục”), vừa thỏa mãn nhu cầu của công chức vì lý do cá nhân không muốn tiếp tục làm việc, vừa là một cách để giảm bớt biên chế vốn ngày càng eo hẹp tại các cơ quan.

Điều khác ở đây là, đối tượng Đã Nẵng dự kiến chỉ áp dụng đối với các “quan”. Nhưng khác với chính sách về “một cục” thì ở đây việc cho nghỉ hưu sớm kèm một khoản tiền “khuyến mại” lại không có được cái lợi thứ hai là tinh giản biên chế. Bởi lẽ vị trí nghỉ hưu sớm đó sẽ lập tức được thay thế bằng một cán bộ đã được quy hoạch.

Đây là điều rất đáng suy nghĩ trong bối cảnh chúng ta đang sắp xếp lại bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế, nhất thể hóa một số chức danh. Với xu hướng sáp nhập hiện nay thì rất có thể số lãnh đạo “dôi dư” trong hệ thống chính trị là không hề nhỏ. Việc thí điểm sáp nhập một số cơ quan, tổ chức tại Quảng Ninh và mới đây là Yên Bái cho ta thấy điều này. Đây mới là điều đáng làm hơn cả trong tình hình hiện nay mà có lẽ Đà Nẵng nên suy nghĩ để kết hợp vừa trẻ hóa đội ngũ, vừa tinh giản biên chế trong điều kiện sắp xếp lại bộ máy.

Thứ hai, việc trẻ hóa đội ngũ cũng nên có sự phân hóa tùy theo tính chất công việc. Không phải mọi vị trí cán bộ trẻ đều tốt và ngược lại. Các cụ nói “thày giáo già, con hát trẻ”, những vị trí đòi hỏi sự mạnh mẽ năng động sẽ thích hợp với tuổi trẻ, còn những công việc cần đến sự tỉ mỉ, thận trọng lại cần kinh nghiệm của những người lâu năm.

Tuy nhiên đó cũng chỉ nên coi là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải ứng vào từng trường hợp cụ thể do tập thể bàn bạc quyết định. Thế giới biết đến Tổng thống Pháp ở độ tuổi chưa đến 40, nhưng cũng chứng kiến Tổng thống Mỹ thắng cử ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, thậm chí Thủ tướng Malaysia nhậm chức khi bước sang tuổi 92!

Thứ ba, hiện nay một trong những quyết tâm rất lớn của chúng ta là đấu tranh với nạn “chạy chức, chạy quyền”. Việc khuyến khích nghỉ hưu để “nhường ghế” cho người khác (trẻ hơn, đã được quy hoạch) liệu có tạo ra một nguy cơ người trẻ muốn được bổ nhiệm thì sẽ “chạy” để được nhường ghế hay không?

Vô hình trung có thể sẽ tạo ra một kiểu “xã hội hóa chức vụ”. Người tự nguyện về hưu sớm vừa được hưởng hỗ trợ của Nhà nước, vừa được hưởng những sự “cảm ơn” (vật chất) của những người dự kiến thay thế mà khó có thể quy kết rằng họ vi phạm. Hãy nhớ rằng, con người luôn hành động vì lợi ích của mình và vì thế nguy cơ này là không hề nhỏ. Điều tệ hại là nó sẽ lại tạo ra nguy cơ một “thị trường mua quan, bán chức”, một phong trào và tâm lý chạy chọt của cán bộ trẻ. Khi đó mục đích xây dựng một đội ngũ cán bộ tâm huyết, có đức có tài sẽ khó thực hiện được.

Xin nhắc lại chúng tôi hoàn toàn ủng hộ thái độ tích cực và mạnh dạn của Đà Nẵng trong việc khuyến khích nghỉ hưu sớm, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Nhưng chúng tôi đồng thời cũng muốn chỉ ra những nguy cơ để cùng suy nghĩ, tìm ra giải pháp phù hợp có thể hiện thực hóa những ý tưởng, mong muốn, mục đích của một chủ trương mới của một trong những thành phố luôn đi đầu cả nước trong những cải cách, tiến bộ.

Tác giả: TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP