Sáng nay, anh Thái Xuân Thanh (49 tuổi) ở xóm 4, xã Tân Thành, huyện Yên Thành dậy sớm hơn mọi ngày để hông xôi, làm gà chuẩn bị đi cúng Rằm ở nhà thờ đại tôn thuộc xã Vĩnh Thành cách nhà hơn 20 km.
Để tỏ lòng thành kính, từ mấy ngày nay, vợ chồng anh đã chọn, mua sắm lễ vật là những cân nếp ngon và một con gà đẹp để làm mâm cỗ thật chu đáo, tươm tất.
Anh Thanh cho biết: “Ngày xưa, nấu xôi bằng nồi đất khá vất vả, nay nhờ có nồi nhôm tiện lợi, nên việc hông xôi, luộc gà làm cỗ đơn giản hơn nhiều”.
Theo quan niệm dân gian, mọi lễ vật khi đem đi cúng, đều được xách tay hoặc đội trên đầu, do đó khi đi cúng xa cỗ xôi gà thường được buộc trước xe máy chứ không để cột sau xe như các vật dụng khác.
Người dân Yên Thành đội cỗ đi cúng Rằm tháng Bảy. |
Cùng với gia đình anh Thanh, cạnh đó gia đình chú em Thái Xuân Tùng cũng làm một cỗ xôi gà tương tự. Cả hai anh em sẽ khởi hành cùng lúc về Vĩnh Thành.
Từ bao đời nay, người Yên Thành vẫn giữ tục lễ đội cỗ đi cúng như xưa. Ngày Rằm, ngày Tết, nhà nhà làm mâm, làm cỗ, trên đường làng, người người gánh cỗ, đội cỗ đi cúng khá đông vui, tạo nên một nét đẹp riêng trong ngày lễ cổ truyền ở quê lúa.
Nhà thờ họ Thái đại tôn ở Vĩnh Thành có 3 ngôi, hơn 170 hộ. Dịp lễ này, các ngôi từ đường được bày kín các mâm cỗ: cỗ đựng vào rá, cỗ bày lên mâm, cỗ để trên lá chuối… Trong hương hoa nghi ngút cùng tiếng trống tế rộn ràng, đội hành lễ với quần áo mũ mão truyền thống chỉnh tề tiến hành các nghi thức tế lễ tại nhà thờ một cách long trọng trang nghiêm.
Mâm cỗ trên bàn thờ họ Thái ở xã Vĩnh Thành. |
Với quê biển Nghi Lộc, việc ăn Rằm tháng Bảy cũng có nhiều nét độc đáo. Anh Hoàng Xuân Tuấn (38 tuổi) ở xóm Đình, xã Nghi Thiết kể: Làng Trung Kiên quê anh là một làng cổ còn giữ được nguyên vẹn các di tích như đền, đình chùa, miếu mạo hàng trăm năm tuổi. Dịp Rằm này, các gia đình ngoài việc mua sắm lễ vật, làm mâm làm cỗ, cúng tế tại gia, tại nhà thờ họ như bao miền quê khác, còn tổ chức cúng tế ở các di tích trong làng, từ đền Thượng cho đến đình Trung Kiên.
Do đó, việc đón Rằm, ăn Rằm ở làng biển khá vui vẻ, ấm cúng. “Mỗi năm đến Rằm tháng Bảy ở quê tôi vui lắm. Những phong tục, nét đẹp làng xưa vẫn đang được mọi nhà gìn giữ, lưu truyền phát huy trong cuộc sống mới hôm nay” – anh Tuấn chia sẻ.
Trước Rằm mấy ngày bọn em đã xôn xao chuyện về quê, được về quê ăn Rằm với gia đình là cảm thấy vui rồi. Linh thiêng biết bao khi đứng trước bàn thờ gia tiên dâng hương cúng ông bà tổ tiên trong ngày Rằm tháng Bảy. Về sum họp với gia đình trong ngày này, cảm giác như được về với chính lòng mình”.
|
Mâm cỗ 3 tầng ngày Rằm của người dân huyện Yên Thành. |
Ngược về Thanh Chương, người dân nơi đây cũng chuẩn bị Rằm và làm Rằm khá tươm tất. Anh Nguyễn Văn Nhật (33 tuổi) ở xóm 3, xã Ngọc Sơn cho biết: Anh là con trai trưởng trong nhà nên làm việc ở tận Bắc Ninh cũng phải hành quân về Rằm để cúng bố mẹ và tổ tiên. Từ chiều ngày 14, anh em trong họ Nguyễn Văn đã tập trung về nhà thờ họ dưới chân núi Nguộc để lau chùi dọn dẹp. Sáng 15, mỗi nhà sắm sửa một cỗ xôi gà đội về nhà thờ họ để cúng.
Trong ngôi nhà thờ 3 gian được chia thành 3 bàn thờ, cúng 3 dòng. Ở giữa là cánh trưởng, hai bên là cánh thứ. Mặc dù việc tế tổ ở nhà thờ không có nhiều thủ tục, lễ nghi, như nhiều họ khác, nhưng việc chuẩn bị cỗ lễ của các gia đình đều chu đáo. Sau khi cúng tế xong, cỗ nhà ai sẽ mang về nhà đó, mọi người sẽ hội tụ đến chúc tụng từng nhà. Theo anh Nhật, ở Ngọc Sơn quê anh cũng như ở Thanh Chương nói chung, Rằm tháng Bảy là một ngày lễ lớn, đông vui như Tết.
“Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”, không chỉ ở Yên Thành, Nghi Lộc, Thanh Chương… mà nhiều vùng quê khác ở xứ Nghệ cũng tổ chức làm Rằm, ăn Rằm với không khí nhộn nhịp, tưng bừng.
Trước Rằm, thường là chiều 14, anh em trong các gia đình, họ tộc đến nghĩa trang thắp hương cho người đã khuất, “mời” tổ tiên, người thân về gia đường sum họp. Chuẩn bị đón Rằm, bên cạnh việc mua sắm thực phẩm, nhà nào cũng lo sửa sang, bài trí bàn thờ, bày mâm ngũ quả... Tùy vào phong tục, tín ngưỡng của mỗi vùng quê mà mỗi nơi có những lễ cúng khác nhau, đó là cúng thổ công, đức Phật, gia tiên và cô hồn lưu lạc.
Người dân Thanh Chương bê mâm cỗ đi cúng ngày Rằm. |
Ngày xưa, mỗi dịp Rằm về, các nhà thường chung nhau mổ lợn, xay nếp thật nhiều. Các mẹ chăm lo từng sọt giá đậu, cho cây mập trắng, nở bung vào đúng sáng 15… Ngày nay, Rằm tháng Bảy, cái “ăn” không còn đặt nặng như xưa, nhưng mọi người vẫn chuẩn bị chu tất cái “lễ” bằng cả tấm lòng thành kính, theo hướng bảo tồn, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của ông cha.
Mâm cỗ ngày Rằm là mâm cỗ mặn với đầy đủ các món xào nấu, nhưng không thể thiếu “xôi hông, gà luộc”, gia đình phật tử còn bày soạn thêm mâm cỗ chay để cúng đức Phật.
Lễ tế tổ Rằm tháng Bảy của một dòng họ ở Thanh Chương. |
Cúng Rằm là một nghi lễ quan trọng trong ngày Rằm tháng Bảy. Mọi gia đình đều cúng thần - Phật trước, nếu không phải gia đình phật tử thì cúng thổ công trước, rồi mới đến cúng gia tiên. Sau khi chuẩn bị mâm cỗ tươm tất, bàn soạn chu đáo, con cháu nội ngoại tập trung chỉnh tề tại gia đường, nghe đọc văn tế, tưởng nhớ tiền nhân, thắp hương vái lạy thần, Phật, tổ tiên, cầu mong sức khỏe bình an, may mắn.
Mỗi dịp cúng Rằm cũng là thời điểm để mọi người quây quần, giao lưu, trao đổi về nguồn gốc, vai vế họ hàng, huyết thống, thăm hỏi sức khỏe, công việc làm ăn, học hành của con cháu gần xa. Việc phá cỗ, phát lộc, ăn Rằm cũng diễn ra giữa không khí quây quần, đầm ấm.
Rằm tháng Bảy - Tết Trung Nguyên - lễ Vu Lan báo hiếu từ lâu đã đi vào tâm thức của người Việt, là ngày chúng ta hướng về cội nguồn bằng tình cảm thiêng liêng đối với gia đình, dòng tộc, quê hương, lễ tạ công đức sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam, thể hiện tinh thần đạo hiếu, nhân văn sâu sắc của dân tộc.
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An