H’lonh ôn bài chuẩn bị đến lớp (ảnh: Trần Hiếu) |
Đinh Thị H’lonh (xã Đăk Smar, H.Kbang, Gia Lai) không có hai tay nhưng để bù lại hai chân rất khéo léo. Ngay từ 4 - 5 tuổi, H’lonh đã tập dùng chân để đánh răng, gấp áo quần và lớn lên chút nữa em đã lên rẫy phụ ba mẹ làm những việc lặt vặt.
Thấy anh trai và bạn bè ở làng đến trường, H’lonh lấy bút vở của anh và dùng chân nguệch ngoạc những con chữ đầu đời. Chỉ cần vài tháng được anh trai dạy là H’lonh có thể viết được bằng chân khá thạo. Em còn đòi người nhà cho đi học. Chiều con, ba H’lonh đưa con đến trường.
Dù học chậm một năm nhưng H’lonh luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Ngặt nỗi cơ thể hơi nhỏ so với bạn đồng lứa, lại không có đôi tay nên việc đến trường rất vất vả. Lắm khi ngày mưa, đường trơn, H’lonh bị ngã ướt bẩn cả quần áo.
Lên THPT, xã không có trường nên H’lonh phải ra huyện trọ học. Ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh khi biết được hoàn cảnh của em đã giúp đỡ bằng cách cho H’lonh cùng hai bạn học ở xã Đăk Sơmar ở miễn phí trong khu tập thể giáo viên cách trường chỉ vài trăm mét.
H’lonh có thể dùng chân nhặt rau phụ bạn nấu ăn, gấp chăn màn, giặt áo quần và tự làm vệ sinh cá nhân cho mình. H’lonh kể: “Gia đình em còn thuộc hộ nghèo. Nhà chỉ có hai con bò được nhà nước cấp và một ít rẫy là đáng giá. Mùa vừa rồi thu được ít thôi, còn khổ lắm. Em được đọc sách về thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ đẹp bằng chân thấy thích lắm. Em muốn như được thầy Ký, trở thành giáo viên”.
Những học sinh cùng lớp 10A9 của Trường THPT Lương Thế Vinh luôn giúp đỡ người bạn học đặc biệt này. Thầy cô trong trường cũng luôn chú ý để phụ đạo những môn H’lonh còn chậm.
Thầy Nguyễn Ngọc Quản, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường có gần 1.300 học sinh và có 6 em khuyết tật. Nhưng như em H’lonh thì thật đặc biệt. Vài chục năm đi dạy, tôi mới tận mắt thấy và phục em đã có những cố gắng phi thường để đến trường. Đầu năm học, chúng tôi gặp em để hỏi ý em có muốn trường đóng riêng một cái bàn để em có thể ngồi thoải mái hơn để viết bài vì em viết bằng chân. Song, em từ chối và nói rằng muốn ngồi bàn như bình thường. Dĩ nhiên, chúng tôi tôn trọng ý kiến của em”.
Tác giả: Trần Hiếu
Nguồn tin: Báo Thanh Niên