Kinh tế

Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19

Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19 nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền.

Kinh doanh của các tiểu thương chợ An Đông chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19 - Ảnh: BÔNG MAI

Thông tin trên được nêu ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.

Theo dự thảo Thông tư, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23-1- 2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc, lãi trong khoảng từ ngày 23-1-2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19.

Bao gồm cả nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định trước đây.

Lý giải các mốc thời gian trong quy định này, NHNN cho rằng thời điểm bắt đầu đến hạn trả nợ gốc, hoặc lãi từ ngày 23-1-2020 là thời điểm mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19, phù hợp với thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với dịch COVID -19.

Thời điểm chốt hạn trả nợ gốc, lãi đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19 được quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng sau khi hết dịch.

Về các trường hợp được lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, dự thảo thông tư quy định hai trường hợp.

Một là khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc, lãi theo hợp đồng đã ký, do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hai là khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Ngoài ra các ngân hàng được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải đảm bảo một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, phải có quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện để thống nhất trong toàn hệ thống.

Đồng thời phải theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng…

Đối với số lãi phải thu của phần dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư này, ngân hàng không phải hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua báo cáo sơ bộ của 23 ngân hàng, có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch này.

Trong đó, một số ngành bị ảnh hưởng lớn gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục...

Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong vòng 3 tuần qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho trên 44.000 khách vay với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.

Tác giả: A.HỒNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP