- Đồng hành với Táo quân suốt 11 năm qua, công việc này có ý nghĩa gì với anh?
- Táo quân với tôi như một kỳ thi cuối năm. Nguyên liệu để tạo nên nội dung thực sự không nhiều, ví dụ tắc đường năm nào cũng diễn ra, nhưng bạn luôn phải tìm cách thể hiện khác. Tình trạng "bí" ý tưởng diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Chúng tôi phải làm việc bất kể thời gian, nhiều lúc 2h sáng nghĩ ra ý tưởng gì hay cũng phải gọi điện ngay cho nhau. Thời gian hoàn thành kịch bản nhiều lúc kéo dài tới một tháng. Cũng may mắn, nhờ sự phát triển của công nghệ, chúng tôi tiếp cận được dễ dàng hơn những nguồn sáng tạo hài hước từ cộng đồng và đưa vào tác phẩm.
Công việc dù rất vất vả nhưng đó là việc phải và nên làm. Sau mỗi kỳ thi như thế, tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều. Tôi được tham gia vào một êkíp với áp lực công việc lớn, số lượng tài liệu tham khảo nhiều và những người đồng hành tài năng.
Đinh Tiến Dũng (trái) thân thiết với "Táo" Chí Trung. |
- Tiến độ kịch bản Táo quân 2018 được anh và êkíp thực hiện đến đâu?
- Thực ra tôi không nắm rõ toàn bộ nội dung. Mọi thông tin hiện tại đều do đạo diễn Đỗ Thanh Hải nắm. Tôi chỉ biết năm nay cũng có khá đông người viết kịch bản. Tôi cũng không biết êkíp gồm những ai, chỉ có anh Lê Đình Lộc là quen vì làm cùng công ty FPT.
Việc thực hiện kịch bản cho Táo quân cũng giống như xây một ngôi nhà. Công việc có nhiều module (đầu việc) khác nhau và mỗi người thợ như chúng tôi lại phụ trách một hạng mục. Tôi thường phụ trách các tình huống có sự tham gia thoại của đông người. Tất cả dựa trên thiết kế do tổng công trình sư là đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẽ nên. Anh ấy là người quyết định phần nội dung nào cần xây cao, thấp hoặc phải làm lại. Thời gian chuẩn bị cho chương trình rất gấp nên anh Hải phải chỉ đạo nhiều việc cùng lúc.
- Chương trình năm nay đông người tham gia hơn, dự kiến mỗi người chỉ có 5-10 phút trên sân khấu. Điều này tạo khó khăn gì cho anh khi viết kịch bản với mật độ thoại dày và liên tục thay đổi?
- Khó khăn duy nhất chỉ là đảm bảo để mọi diễn viên không đứng trên sân khấu quá lâu mà không được nói gì. Đây là sản phẩm thông qua nhiều lớp sáng tạo. Mỗi người biên kịch chỉ nắm khoảng 25% nội dung. Khi đưa cho đạo diễn Đỗ Thanh Hải, kịch bản sẽ dày thêm 25%. Còn khi lên sân khấu, các diễn viên sẽ dùng tài năng của họ để bù đắp và tạo ra 25% tiếp theo. Cuối cùng, khán giả là người nắm 25% nội dung còn lại. Những phản hồi của người xem sẽ giúp đạo diễn Đỗ Thanh Hải có cái nhìn tổng quát và đưa ra được chỉnh sửa kịp thời, hợp lý.
- Nhiều năm, Táo quân được khen về nội dung khi ghi hình nhưng lại bị chê lúc phát sóng do bị cắt gọt. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ mọi người đòi hỏi hơi cao việc một chương trình kéo dài 120 phút như Táo quân phải có đầy đủ các sự kiện trong năm. Đây trước hết là một tác phẩm nghệ thuật nên nó phải tối ưu về thời lượng và nội dung để phục vụ khán giả. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người giỏi trong việc cân đối này.
Việc bị chê nhạt hay khen hay, tôi không quá đặt nặng. Bởi một sản phẩm dù được khen hay chê, người thực hiện như tôi đều phải thấy mình cần cố gắng hơn nữa. Trong 10 kịch bản tôi viết, chắc chỉ có bốn phần được khen tốt, còn lại thì bị chê (cười).
Thực ra, những năm đầu làm Táo quân, tôi căng thẳng lắm. Lúc viết kịch bản, có thể tôi tự ngồi cười trước một tình huống nào đó. Nhưng đến khi thấy diễn viên trên sân khấu, tôi lo lắng vì không biết mọi thứ có diễn ra suôn sẻ không.
- Anh đánh giá thế nào về các diễn viên Táo quân những năm qua?
- Đó là những gương mặt quá quen thuộc với khán giả. Vì vậy, người xem cảm thấy yên tâm về những món ăn tinh thần mình sẽ được phục vụ.
Ngoài tài năng, các diễn viên còn có tình yêu và đam mê lớn với nghề, với chương trình. Sau một ngày làm việc vất vả, họ đến chỗ tập từ 10h tối rồi luyện tập với nhau tới 4-5h sáng hôm sau. Lần nào đến thăm, tôi đều thấy người thì tập, người thì tranh thủ chợp mắt, người lại bấm điện thoại chờ tới lượt diễn. Thử tưởng tượng xem cứ ngày đi làm, đêm tập suốt 10-15 hôm như vậy trước buổi ghi hình chính thức, nếu không phải vì lòng yêu nghề, họ sẽ chẳng làm được như vậy.
- Công việc ảnh hưởng thế nào đến đời sống riêng của anh?
- Những năm đầu tiên tham gia Táo quân, tôi chưa lấy vợ nên chỉ có giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn. Còn khi lấy vợ con, tôi có gặp đôi chút vất vả nhưng vẫn cố gắng vượt qua. Vợ tôi nhiều lúc cũng xót chồng. Tuy vậy, cô ấy vẫn ủng hộ hết mình chứ không cằn nhằn, giận dỗi. Nhiều lúc, bà xã cũng hay hỏi han tôi muốn ăn uống gì để lấy sức làm đêm nhưng tôi sợ béo và muốn vợ con được ngủ yên nên đều từ chối (cười).
Tác giả: Đức Trí
Nguồn tin: Báo VnExpress