Ngày 15/9, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, công bố điểm trúng tuyển đợt 1. Ngành Hàn Quốc học một lần nữa lấy điểm chuẩn 30 điểm cho tổ hợp xét tuyển C00.
Đây là năm thứ hai ngành này lấy điểm chuẩn ở mức tuyệt đối. Nhưng đây chưa phải kỷ lục điểm chuẩn năm nay.
Ngành Hàn Quốc học, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, hai năm liên tiếp lấy điểm chuẩn 30. |
Một ngành trường ĐH Hồng Đức có điểm chuẩn 30,5
Mức điểm trúng tuyển cao nhất năm 2021 theo thang điểm 30 mà Zing ghi nhận được là 30,5. Đây mà điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).
Theo đề án tuyển sinh của trường, ngành này tuyển 15 chỉ tiêu theo các tổ hợp xét tuyển C00 (Văn, Sử, Địa), C19 (Văn, Sử, GDCD), C20 (Văn, Địa, GDCD) và D01 (Văn, Toán, Tiếng Anh).
Ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao của ĐH Hồng Đức cũng lấy điểm chuẩn rất cao, lên đến 29,75, tức trung bình 9,92 điểm/môn.
Ngành này tuyển 15 chỉ tiêu theo các tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), C03 (Văn, Sử, Toán), C19 (Văn, Sử, GDCD) và D14 (Văn, Sử, Tiếng Anh).
Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, ĐH Hồng Đức quy định điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn, thang 30, không nhân hệ số, cộng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng (nếu có).
Một trường khác cũng có điểm trúng tuyển trên 30 là Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Cụ thể, điểm chuẩn đối với thí sinh nữ ở khu vực xét tuyển phía bắc, đăng ký vào ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo tổ hợp C00 lên đến 30,34 điểm.
Với thí sinh nữ ở phía nam cùng tổ hợp xét tuyển, điểm chuẩn thấp hơn nhưng vẫn ở mức rất cao - 29,55 điểm. Năm ngoái, trường không xét tuyển theo tổ hợp C00.
Khối trường công an còn ghi nhận điểm chuẩn xấp xỉ 30 ở Học viện An ninh Nhân dân khi xét tuyển thí sinh nữ.
Cụ thể, với ngành Nghiệp vụ an ninh, ở tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), điểm trúng tuyển đối với thí sinh địa bàn 1 là 29,99, tức chỉ thiếu 0,01 điểm là đạt mức 30, thí sinh địa bàn 2 là 29,84, tức trung bình 9,95 điểm/môn. Ở tổ hợp D01, điểm trúng tuyển với thí sinh địa bàn 1 là 29,26, địa bàn 2 là 29,3 điểm.
Ngành An toàn thông tin của Học viện An ninh Nhân dân cũng lấy đến 29,39 điểm đối với thí sinh nữ ở phía bắc xét tuyển theo tổ hợp A01.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển của học viện không chia theo địa bàn, ngành An toàn thông tin không tuyển nữ. Nhưng với ngành Nghiệp vụ an ninh, điểm chuẩn đối với thí sinh nữ xét tuyển theo tổ hợp A01 là 27,7 điểm. Như vậy, một số thí sinh sẽ phải đạt điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn năm ngoái đến 2,29 điểm mới đỗ.
Điểm chuẩn tăng cao đã được dự báo từ sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi và phổ điểm. Ảnh minh họa: Nhật Sinh. |
Thủ khoa vẫn trượt nếu không có điểm cộng
Việc thí sinh phải có tổng điểm xét tuyển từ 30 trở lên mới trúng tuyển vào một số ngành khiến nhiều người bất ngờ và lo ngại.
“3 môn 10 điểm cũng không đỗ thì đáng phải suy ngẫm”, “3 điểm 10 không có điểm cộng vẫn trượt ĐH là có thật…”, “30 điểm vẫn trượt như thường”, “Càng ngày càng thấy thi đại học như đùa" là 5 trong số hàng loạt bình luận trước việc điểm chuẩn đại học năm nay của một số ngành lấy đến 30, thậm chí hơn.
Trên thực tế, với ngành lấy điểm trúng tuyển trên 30 trở lên, thí sinh chắc chắn phải được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích mới có thể trúng tuyển.
Ngoài ra, ở tổ hợp C00, nếu trường lấy điểm trúng tuyển trên 29,25 điểm, nhiều khả năng, thí sinh cũng cần đến điểm cộng mới có thể đỗ do trong kỳ thi tốt nghiệp đợt 1 (đợt 2 không có số liệu thống kê), hai thủ khoa cả nước đạt mức điểm này.
Ở tổ hợp A01, điểm của thủ khoa đợt 1 là 29,55, tức nếu đợt 2 không có thí sinh nào đạt điểm cao hơn, những thí sinh nữ ở địa bàn 1 và địa bàn 2 đăng ký vào ngành Nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh Nhân dân cũng cần đến điểm ưu tiên, khuyến khích để trúng tuyển.
Ở tổ hợp D01, thủ khoa đợt 1 có điểm là 29,15, tức thấp hơn điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của ĐH Hồng Đức và ngành Nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh Nhân dân đối với thí sinh nữ ở địa bàn 1 và 2.
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Văn Thi, Hiệu trưởng ĐH Hồng Đức, cho hay trường thực hiện theo nguyên tắc lấy từ trên xuống đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển và đưa ra mức điểm chuẩn 30,5 cho ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao.
Ông nói thêm ngành này chỉ tuyển 15 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường không thống kê số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành hay những em nằm trong danh sách trúng tuyển đăng ký xét tuyển theo tổ hợp nào.
Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, nhận định điểm chuẩn từ 30 trở lên là đã “đụng đến ngưỡng vô lý”, khiến mọi người thấy thi cử là chuyện buồn cười khi thí sinh đạt điểm tuyệt đối mới đỗ.
Theo ông Tùng, điểm trúng tuyển cao cho thấy đề thi quá dễ. Tuy nhiên, điều này cũng đúng vì đề thi chủ yếu phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp, tính chất đề thi phân hóa để phục vụ xét tuyển đại học không thể hiện rõ. Thực tế, năm nay, điểm chuẩn của các ngành đều rất cao.
Những trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT căn cứ vào vào chỉ tiêu, thí sinh đăng ký, lấy điểm từ trên xuống dưới. Do đó, điểm thí sinh cao, điểm chuẩn sẽ cao. Nếu số lượng thí sinh có điểm xét tuyển đạt 30 nhiều, trường sẽ phải lấy điểm chuẩn ở mức đó.
“Với cách tuyển sinh như vậy, các trường không thể làm gì khác. Nếu hạ điểm chuẩn xuống 29, số lượng em đủ điểm đỗ có thể tăng gấp rưỡi, vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Điều này vi phạm quy định của bộ, chưa kể đến trường không đủ cơ sở vật chất, giảng viên để đảm bảo chất lượng”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận việc xác định điểm chuẩn ở mức 30 trở lên dẫn đến bất cập. Với mức điểm chuẩn này, thí sinh giỏi hơn, thậm chí thủ khoa khối thi, vẫn có thể trượt đại học.
Ông ví dụ khi trường lấy điểm trúng tuyển là 30, khá nhiều em có điểm ưu tiên. Có thể, thí sinh 28 điểm, cộng điểm ưu tiên vào thành 30 và đỗ. Thí sinh 29,5 điểm nhưng không có điểm ưu tiên lại trượt.
Với những bất cập đó, TS Lê Trường Tùng cho rằng năm sau, các trường nên có sự điều chỉnh. Theo ông, chủ trương hiện tại là các trường tự chủ tuyển sinh. Về mặt nguyên tắc, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT không phải là làm thế nào để đề thi tốt nghiệp THPT phù hợp với việc tuyển sinh đại học. Tuyển sinh là trách nhiệm của các trường.
Vì thế, ông Tùng gợi ý có thể điều chỉnh ở khía cạnh điểm ưu tiên. Ông nhiều lần đề xuất nên dành tỷ lệ nhất định trong chỉ tiêu tuyển sinh, ví dụ khoảng 20%, cho những thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Những thí sinh còn lại xét tuyển riêng.
“Trường cộng điểm ưu tiên rồi mới đưa vào xét tuyển sẽ thiệt thòi cho những em không có điểm ưu tiên. Với những ngành lấy điểm chuẩn 30, thí sinh chắc phải cộng vào mới đạt mức điểm đó. Thủ khoa có thể trượt nếu không có điểm ưu tiên”, ông Tùng nhận định.
Bên cạnh đó, ông chia sẻ tại ĐH FPT, việc tuyển sinh áp dụng quy tắc top 50, tức chỉ những em nằm trong top 50% điểm cao nhất cả nước mới đủ điều kiện để đăng ký xét tuyển vào trường. Thí sinh căn cứ vào công cụ trường cung cấp để xác định mình có nằm trong top 50 không.
Theo TS Lê Trường Tùng, các trường khác cũng có thể áp dụng như vậy. Ví dụ, trường tốp trên có thể chỉ tuyển những thí sinh trong top 10%, 5% cả nước. Nếu số lượng thí sinh đông, trường có thể có thêm tiêu chí phụ khi xét tuyển.
Tác giả: Nguyễn Sương
Nguồn tin: zingnews.vn