Quần thể bức tượng này được đặt tên là “ Tứ bất tử của thế kỷ 20”, được dựng lên nhân dịp 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Hỏi về tác giả của quần thể này, không ai là không biết đến “lão thợ mộc gàn” Thái Văn Hùng (SN 1965), nhà ở cách đó có hơn trăm mét. Họ thi nhau kể chuyện về những sở thích quái lạ của dị nhân này.
Tôi đang tha thẩn ngắm những bức tượng được chạm khắc tinh xảo, thì bỗng một người đàn ông quần áo nhăn nhúm tiến lại, nở nụ cười sún hết cả hàm răng trên cất tiếng hỏi: “Cậu chụp làm cái gì đấy? đã xin phép chưa?”.
Mới biết đó là dị nhân mà mọi người đang bàn tán. Thấy tôi cũng có một chút ít kiến thức về hội họa, điêu khắc, lão khoái chí mời tôi về nhà nói chuyện, không quên thả thêm một câu: “Gặp người “trùng máu” tớ thích lắm, chứ người lạ hoặc vớ vẩn tớ đuổi thẳng cổ…”.
Tác phẩm "Tứ bất tử của thế kỷ XX"
Nhà chả có gì ngoài…tượng gỗ
Căn nhà từ ngoài cổng vào đến bên trong là liệt tượng là tượng, và những thanh gỗ đang đẽo dở. Chưa vội mời vào nhà uống nước, lão đã kéo tay tôi đi một vòng chỉ trỏ những tác phẩm tâm đắc nhất của mình, chỗ này là tác phẩm mang tên “Cô gái Việt” với hình ảnh người con gái với tà áo dài và cây đàn mang theo khát vọng mang âm nhạc Việt đi khắp toàn cầu, chỗ kia là bức “Tiên Dung – Chử Đồng Tử” phát mất 1 năm mới hoàn thành, chỗ kia nữa là bức “Nàng Kiều”…
Tôi quan sát kỹ, đúng là nhà chẳng có gì ngoài…tượng gỗ. Và nếu cất đi những bức tượng này, thì căn nhà trở nên trống huơ trống hoác, có lẽ phải xếp vào diện…hộ nghèo của xã.
"Dị nhân" Thái Văn Hùng
Chuyện lạ là, dị nhân không biết điêu khắc là gì, cũng không học qua lớp học nào về đúc tượng hay tạc tượng, chỉ đơn giản là một thợ mộc. Mà thợ mộc cũng không hẳn là nghề chính của lão. Hồi trẻ ông Hùng đi bộ đội, sau ra quân và định cư ở mảnh đất Tân Kỳ đầy nắng gió, rồi xây dựng gia đình với cô thôn nữ Lê Thị Thân. Thời gian đầu, để kiếm sống, ngoài việc chăn trâu chăn bò, lão còn theo đám thợ xây trong làng đi khắp nơi trát vữa xây nhà, rồi không biết học lỏm ở đâu mà bén duyên với nghề mộc. Thời gian sau muốn ở gần vợ con, lão chuyển về làm mộc ngay tại nhà.
Được cái lão khá khéo tay, nên cũng nhiều người nhờ vả. Hồi còn ở nhà làm mộc, công việc bận rộn cũng khiến cho lão lo cho gia đình một cuộc sống khá đầy đủ. Thế nhưng một ngày đẹp trời, dị nhân bỗng nổi hứng…tạc tượng. Rồi niềm đam mê với những bức tượng gỗ đã khiến lão quên mất vai trò của một người đàn ông trong gia đình, bỏ bê vợ con sống trong nghèo khó.
Tính ra cho đến bây giờ dị nhân đã tạc được hàng trăm bức tượng gỗ, tay nghề càng ngày càng tinh xảo. Và nguyên nhân khiến cho gia đình lão trở nên nghèo khó là vì lão tạc tượng chỉ để ngắm, hoặc thích thì tặng ai đó, chứ tuyệt đối không bán. Trong khi, tính ra đến giờ lão đã bỏ hàng chục, hàng trăm triệu mua gỗ, mua xi măng về trát, phục vụ thú vui của mình. Công việc làm mộc bỏ bê, chuyện cơm ăn và học hành của con cái, lão bắt một mình vợ…lo tất.
La liệt những tác phẩm đang gọt đẽo dở giữa sân nhà "lão thợ mộc gàn"
Căn nhà trống hoác, chả có gì ngoài...tượng gỗ
Thời gian đầu, vợ lão cũng phấn khởi, vì nghĩ rằng ông chồng mình sẽ ăn nên làm ra từ những bức tượng, nhưng lão chả thẻm bán dù nhiều người xúi giục, cứ suốt ngày than thẩn, nhìn ngắm, rồi lại đục đẽo, bỏ mặc con cái kêu khóc ầm ỹ. Bực mình, bà Thân mắng cho một trận, rồi bắt nhịn cả cơm, thậm chí cấm vận cả…chuyện ấy. Nhưng lão cứ nghiêm chỉnh đi làm mộc được vài ngày lại lén lút chui ra sau nhà đẽo tượng. Đến lúc vợ chán nản cũng mặc kệ, thế là lão suốt ngày chìm đắm bên những khúc gỗ vô tri, quên ăn quên ngủ, người queo quắt hết cả lại.
Những chuyện dở khóc dở cười vì thú vui… chẳng giống ai
Đẽo được bức tượng nào, lão bày ra khắp nhà. Những lúc nghỉ ngơi, dị nhân lại ngơ ngẩn nhìn ngắm những tác phẩm của mình, cùng với cái điếu cày. Thời gian đầu làng xóm tò mò, ai cũng đi qua xem và trầm trồ vì trình độ điêu luyện của lão. Hỏi mua thì lão tuyệt đối không bán. Ai hiểu và trò chuyện được thì lão hứng chí đem tặng. Được một thời gian, dị nhân lại mang hết những tác phẩm của mình xuống cái ao trước mặt, rồi hì hục đục đẽo cho ra đời những tác phẩm mới.
Có đợt, lũ quét qua cái ao trước nhà, kéo theo cả những bức tượng lão từng vứt xuống ao trôi nổi khắp nơi. Có người xóm dưới nhặt được và biết rõ nguồn gốc còn cười khoái chí: “mua thì chả bao giờ bán, thế mà tự dưng mình có được về nhà trưng bày…”.
Dị nhân bên tác phẩm "Thông điệp hòa bình" tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội Ảnh do nhân vật cung cấp
Hỏi về quần thể tượng được trưng bày ngoài đường mòn Hồ Chí Minh, dị nhân cho biết: “Bố mẹ là bộ đội, hồi bé hay kể những câu chuyện về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Tổng bí thư Trường Chinh, về Thủ tướng Phạm Văn Đồng…tớ trở nên ngưỡng mộ các bậc vĩ nhân của đất nước. Vì thế luôn đau đáu làm một điều gì đó thật ý nghĩa, coi như một món quà, từ tấm lòng thành của mình”.
Nghĩ là làm, trong những lần đi lang thang khắp nơi, dị nhân cố gắng nhìn thật kỹ những bức tượng về các vĩ nhân rồi “gói” ý tưởng đúc tượng trong đầu mang về nhà âm thầm thực hiện. Suốt 12 tháng mày mò quên ăn quên ngủ, tác phẩm “Tứ bất tử của thế kỷ XX” được hoàn thành đúng vào dịp 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Lão mang dựng ngay bên cạnh đường Quốc lộ để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Có doanh nghiệp thấy đẹp hỏi mua giá cao, dị nhân liền từ chối, rồi hàng ngày, rỗi rãi lại lượn qua lượn lại xem…có còn ở đó không?.
Tôi bảo đa nghi quá, lão cười, bảo tất cả cũng xuất phát từ chuyến đi ra Hà Nội mấy năm trước.
Dị nhân Thái Văn Hùng: Tôi tạc tượng vì đam mê chứ không phải vì tiền
Chuyện là, lão mất 2 năm để hoàn thành một bức phù điêu mang tên “Thông điệp hòa bình”, sau khi trưng bày ở Hội sinh vật cảnh của tỉnh, tác phẩm của lão được tuyển chọn mang ra Hà Nội triển lãm nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Không có chi phí đi. lão hộc tốc về nhà bán ngay con bê non lấy 4 triệu và hùng hục ra Bắc. Được chừng tuần lễ hết sạch tiền, lão lại về quê rồi đi khắp nơi vay mượn để ra dự Đại lễ, mặc cho vợ con khóc lóc.
Lần đó, tác phẩm “Thông điệp hòa bình” được giới nghệ thuật đánh giá khá cao, định giá tới 3000 USD, dị nhân không bán mặc cho nhiều người hỏi mua. Kết thúc triển lãm, lại có một doanh nghiệp tha thiết xin gặp, rồi ra giá 100 triệu. Mọi người đi cùng đều bảo lão đồng ý, vì số tiền mang về tha hồ trả nợ, lại mua sắm được đủ thứ, vợ con mát mặt, danh tiếng lão cũng nổi như cồn. Một lần nữa, lão lại từ chối rồi đùng đùng vác phù điêu về bày trước cửa nhà, bởi một lý do: đó là đồ kỷ niệm của ngày lễ thiêng liêng của đất nước, mình vinh dự được tham dự và được mọi người biết đến, chả mấy khi…
Thế nhưng, một đêm mưa gió bão bùng, chỉ mới nghe tiếng cho sủa gâu gâu trong nhà, lão vùng dậy ra mở cửa, thì tác phẩm “Thông điệp hòa bình” đã không cánh mà bay.
Một thời gian lão đau khổ, vật vã đi khắp làng khắp xóm truy tìm tung tích của bức phù điêu , làm đủ kiểu vẫn không thể phát hiện ra kẻ bất lương nào đã ăn trộm tác phẩm để đời của mình. Kể từ đó, lão nghi ngờ tất cả những người lạ mặt.
Cho đến giờ, hàng ngày “lão thợ mộc gàn” vẫn ngày ngày đẽo tượng, tâm huyết cho ra những tác phẩm nghệ thuật khác nhau. Tuy nhiên, khi được hỏi về những dự định sắp tới, lão buồn rầu tâm sự: “Trước cơm toàn vợ nuôi, gỗ vợ mua cho về mà đẽo, xi măng thì cũng nhờ công sức lao động của vợ. Mà vợ tớ chỉ làm nông, giờ cũng sức yếu rồi, có lẽ sắp tới tớ phải quay lại với nghề mộc thôi, còn lo kiếm miếng ăn, cái mặc. Cuối cùng, cái đam mê bất diệt của mình cũng có ngày chịu thua miếng cơm manh áo, tương lai cũng chả biết thế nào nữa”…
Nguồn tin: