Giáo dục

ĐH Fulbright: “Giấc mơ Mỹ tại Việt Nam” sẽ đi về đâu?

Giữa những luồng tranh cãi quyết liệt về Bob Kerrey, nhiều học giả Việt cho rằng, điều nên quan tâm không phải cựu Thượng nghị sĩ này sẽ ngồi ở "ghế" nào mà có lẽ là chất lượng vận hành và tương lai của ĐH Fulbright – mô hình giáo dục được kì vọng sẽ đem đến đột phá tại Việt Nam.

Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) sẽ vận hành thế nào, làm sao để nó có thể trở thành một điểm sáng, một "điển hình xuất sắc" về giáo dục Mỹ ngay tại Việt Nam?

Phó giáo sư Lê Bảo Long (Viện Khoa học quốc gia - ĐH Quebec, Canada) và Tiến sĩ Trần Vinh Dự (Chủ tịch Trung tâm Quốc tế của Đại học Broward College - Mỹ tại Việt Nam; Chủ tịch Trường Cao đẳng Việt Mỹ) cho rằng, nhìn từ các yếu tố của Fulbright hiện tại, có những điều vẫn đáng để “lo”.

ĐH Fulbright - giấc mơ của trí thức hay giấc mơ của học sinh?

dh fulbright giac mo my tai viet nam se di ve dau
TS Vinh Dự Trần nhận định, ở thời điểm hiện tại, FUV dường như mới chỉ là “giấc mơ của giới trí thức”.


TS Trần Vinh Dự, tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế tại University of Texas at Austin (Mỹ) chia sẻ về “giấc mơ” cá nhân trước đây (khi sắp tốt nghiệp và nghĩ đến chuyện làm việc ở đâu): “Ngày đó, tôi chỉ ước Việt Nam có những trường Đại học quốc tế, trả lương cao, văn phòng đẹp, giảng dạy vừa phải, lại có tự do học thuật, tự do nghiên cứu, có cộng đồng những người cùng mặt bằng trình độ, không phải lo đến chuyện “cơm áo gạo tiền”. Nhưng tiếc là khi đó ở Việt Nam không có chỗ nào như vậy”.

TS Trần Vinh Dự bày tỏ: “Do đó, ĐH Fulbright ra đời có lẽ khiến nhiều người giống như tôi hồi trước rất mừng rỡ. Lương giáo viên ở Fulbright ngay từ hồi trước (khi còn là chương trình Fulbright chứ chưa lên đại học như bây giờ) đã cao hơn hẳn mặt bằng ở các cơ sở đào tạo khác (cả công lập và tư thục) trong thành phố HCM. Nguồn tài chính mạnh đến từ Mỹ, đất thành phố HCM cho không. Việc tự do học thuật được ưu tiên.

Đây thực sự là một giấc mơ đã thành hiện thực của những người làm giáo dục và nghiên cứu (và là nỗ lực lớn của những người đã vận động cho dự án này).

Chính vì vậy mà có lẽ là, theo quan sát nho nhỏ của tôi, sự hào hứng cũng như các cuộc tranh luận về Fulbright vừa qua chủ yếu là trong cộng đồng các trí thức, cả những người học trong và ngoài nước, các nhà giáo...

Điểm thú vị là tôi hầu như không thấy sự quan tâm đáng kể nào từ phía các em học sinh cấp 3 – những khách hàng tiềm năng của ĐH Fulbright. Điều này xem ra cũng không quá khó hiểu:

ĐH Fulbright có thu học phí không? Có chứ, thậm chí rất cao là khác.

ĐH Fulbright có tốt không? Cái này chưa biết, vì vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị.

ĐH Fulbright có alumni mạnh (các cựu sinh viên thành đạt) không? Chưa có, vì giờ mới thành lập.

Học ở ĐH Fulbright có vui hay không? Môi trường có trẻ trung, năng động, có gần gũi với lớp trẻ hay không? Hay sẽ mang màu sắc kinh viện? Cái này cũng chưa biết. Chỉ biết các thầy cô trong nhóm sáng lập thì đều đã trung tuổi, thậm chí già (như bác Bob Kerrey).

Bằng cấp của ĐH Fulbright là loại gì? Là bằng Việt Nam chứ không phải bằng Mỹ, vì Fulbright là trường của Việt Nam, Mỹ chỉ hỗ trợ tiền”.

Vị tiến sĩ này nhận định, chính vì nhiều cái còn chưa rõ như thế nên dễ hiểu, các khách hàng của ĐH Fulbright xem ra còn thờ ơ với ngôi trường này: “Thế nên, cho đến giờ, nói không quá thì nó vẫn là một cái “game” của giới trí thức với nhau, và là một món quà chính trị của giới chính khách hai quốc gia”.

“Vì thế, bỏ qua một bên chuyện lùm xùm quanh vụ Bob Kerry, ĐH Fulbright sẽ còn rất nhiều việc phải làm để trở thành một lựa chọn có ý nghĩa cho các bạn học sinh tốt nghiệp phổ thông.

Những việc các thầy cô làm vừa qua, dường như hướng nhiều vào môi trường làm việc mà các thầy cô muốn tạo dựng cho mình, chứ chưa tập trung nhiều lắm vào việc nghiên cứu xem khách hàng của mình có quan tâm không, quan tâm nhiều đến mức nào”, TS Trần Vinh Dự đánh giá.

Đại học quốc tế đẳng cấp tại Việt Nam: Liệu có quá lạc quan?

dh fulbright giac mo my tai viet nam se di ve dau2
PGS Lê Bảo Long nhấn mạnh, còn quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp để biến FUV trở thành đại học danh tiếng tầm quốc tế trên đất Việt.

Đa phần mọi người đều hiểu các điểm mạnh của giáo dục Mỹ, với các đại học và đội ngũ giáo sư, các nhà khoa học đông và xuất sắc nhưng PGS Lê Bảo Long (Viện Khoa học quốc gia - ĐH Quebec, Canada) cho rằng, về chất lượng của FUV thì còn quá nhiều câu hỏi chưa có lời đáp.

Theo PGS Lê Bảo Long, một đại học tốt thì nó ít nhất cần làm tốt một số mặt quan trọng: 1) Cơ sở vật chất đủ tốt và hiện đại; 2) Chi phí vận hành đủ lớn; 3) Đội ngũ GS và các nhà quản lý xuất sắc; 4) Các nguồn lực phát triển như các quỹ nghiên cứu khoa học; 5) Chương trình học và tầm nhìn tốt.

“Nhìn vào các yếu tố này thì lo nhiều hơn mừng cho FUV”, ông nhận định.

“Thấy loáng thoáng cam kết từ 2 chính phủ cho một khoản kinh phí khoảng 70 triệu USD cho các hoạt động ban đầu: một số tiền có thể nói là quá ít để hy vọng về một đại học (nghiên cứu) xuất sắc. Làm sao với số tiền như thế chúng ta có thể đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hiện đại, tuyển và sử dụng đội ngũ GS và các nhà quản lý xuất sắc?

Tôi không hy vọng nhiều về việc các GS Mỹ xuất sắc sẽ sang Việt Nam làm việc cho FUV (kể cả khi FUV có kinh phí khá hơn), thế thì FUV sẽ tuyển chọn đội ngũ GS thế nào, làm sao họ đảm bảo có một đội ngũ xuất sắc, kinh phí từ đâu ra để trả lương,... (không hy vọng nhiều vào chuyện có thể thu được học phí đủ cao từ sinh viên, ít nhất cho đến khi FUV có thương hiệu tốt hơn).

Điểm có thể thuận lợi nhất là về chương trình học và tầm nhìn, vì FUV được sự hỗ trợ từ phía Mỹ, nhưng chắc chắn chỉ riêng nó không đủ cho một ĐH xuất sắc”, PGS này nhấn mạnh.

PGS Lê Bảo Long phân tích: “Nhìn sang Singapore, khi họ lập một đại học mới là SUTD thì cách làm và đầu tư đều rất tốt và bài bản: họ tuyển ngay GS Thomas Magnanti, một giáo sư Mỹ nổi tiếng của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) làm Chủ tịch (chức vị cao nhất); đầu tư một khoản tiền lớn để xây dựng cơ sở và các phòng thí nghiệm, tuyển dụng ngay một đội ngũ GS rất xuất sắc (nhiều người học hoặc đã làm việc tại các ĐH hàng đầu thế giới).

Ngoài việc được tiếp cận các quỹ khoa học đang có, chính phủ cấp thêm các quỹ nghiên cứu đặc biệt cho SUTD, họ cũng thành công trong việc sắp xếp các chương trình trao đổi cho GS và SV SUTD với MIT để nâng cao chất lượng hàn lâm,... Tính ra các chi phí trong vài năm đầu tiên vận hành, Singapore phải chi cho SUTD ở mức vài tỷ đô la.

Trở lại câu chuyện Bob Kerrey và FUV, chúng ta trông chờ một vài người Mỹ có thể giúp "kiếm" tiền (gây quỹ) cho trường (một điểm mà Bob Kerrey có vẻ làm "được" và đó cũng là một phần của tranh luận: có nên giữ lại Bob Kerrey cho FUV dù ông ta có một lịch sử gây tranh cãi tại Việt Nam!)”.

Vậy, hy vọng nước Mỹ có thể giúp tạo ra một đại học đẳng cấp cho Việt Nam mà chúng ta không phải "xắn tay vào làm quyết liệt" hay "đầu tư đủ lớn" thì liệu có quá lạc quan?

Tác giả bài viết: Lệ Thu (ghi)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP