Giáo dục

Đề xuất không miễn học phí sinh viên sư phạm: Lãng phí?

Ra đời với ý đồ rất thiện chí nhưng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm trong gần 20 năm qua chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

Đề xuất bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Theo PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐHDL Phương Đông cho rằng, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã kéo dài gần 20 năm và hoàn thành nhiệm vụ của nó, đã đến lúc dừng chính sách này lại.

"19 năm trước, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là đúng đắn bởi lúc đó đầu ra chưa tác động mạnh đến cuộc sống xã hội như hiện nay.

Muốn có giáo viên giỏi, có những người tâm huyết với sư phạm cần phải giải quyết điều kiện làm việc của giáo viên là chính chứ không phải giải quyết đầu vào cho có người học, trong khi sinh viên học xong không theo nghề sư phạm.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là ví dụ, 90% sinh viên sư phạm giỏi đi ra đều làm công ty, xí nghiệp, như thông tin mà thầy hiệu trưởng nhà trường nói trong một cuộc hội thảo.

Trong một thời gian dài, Việt Nam chỉ quan tâm đến đầu vào, từ tuyển sinh đến đào tạo đại học... Nhưng càng hội nhập, kinh tế thị trường càng lan rộng thì đầu ra, cái lâu dài mới mang tính quyết định.

Ra đời với ý đồ rất thiện chí nhưng nếu nhìn lại hiệu quả của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm trong gần 20 năm qua thì có thể nói là chưa đạt được, cuối cùng gây lãng phí ngân sách. Thực tế cho thấy, những chính sách cào bằng thường không mang lại hiệu quả, không tạo được động lực", PGS.TS Bùi Thiện Dụ nói.

Muốn có giáo viên giỏi, có những người tâm huyết với sư phạm cần phải giải quyết điều kiện làm việc của giáo viên

Bởi vậy, thay vì thực hiện miễn học phí theo kiểu đại trà như hiện nay, Hiệu trưởng ĐHDL Phương Đông đề nghị thu gọn lại đối tượng hưởng chính sách này theo cách đưa trực tiếp đến cho từng người chứ không phải theo loại đối tượng.

"Lâu nay, ở Việt Nam hay có tình trạng ưu đãi cho loại đối tượng, kiểu như sinh viên vùng KV1, KV3. Thế nhưng thực tế là trong KV1, KV3 cũng có người giàu, người nghèo, thậm chí nhiều người rất giàu như vị lãnh đạo ở Yên Bái sở hữu biệt phủ mấy chục tỷ đồng, bao nhiêu người mơ cũng không được như báo chí nêu trong thời gian qua.

Thế nên, khi thực hiện chính sách ưu đãi, không nên đánh đồng số đông mà cần nhằm đích danh đối tượng.

Bây giờ, đối với sinh viên nghèo, ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, muốn học sư phạm mà không có tiền thì Nhà nước cho vay nhiều hơn sinh viên bình thường, điều kiện vay dễ dàng, thuận lợi hơn.

Lưu ý rằng, chính sách này áp dụng cho từng đối tượng và gắn với trách nhiệm của đối tượng đó. Nếu sau này sinh viên đó ra trường làm đúng ngành sư phạm, lương được giải quyết tốt hơn thì hoàn toàn có khả năng trả nợ, và như vậy các vấn đề về an ninh xã hội, công bằng được đảm bảo, không gây rạn nứt, xích mích", PGS.TS Bùi Thiện Dụ đề xuất.

Ông cũng lưu ý, khi sinh viên vay tiền để học ngành sư phạm không cần ký cam kết theo kiểu phong trào bởi về nguyên tắc, khi đã đăng ký vay thì sau này người vay phải trả nợ dù không có tờ cam kết.

"Đừng yêu cầu rằng học phí ngành sư phạm phải thấp hơn học phí các trường khác. Hãy để các trường đại học tự chủ, học phí thu đủ mà vẫn có người học, hãy để các sinh viên có điều kiện bỏ tiền túi ra học nếu như họ yêu sư phạm.

Lúc ấy, nó sẽ phải cân bằng giữa nhu cầu, khả năng của xã hội và yêu cầu của bản thân nhà trường, xã hội sẽ không bị rối loạn", PGS.TS Bùi Thiện Dụ nhấn mạnh.

Cũng bàn về đề xuất này, GS.TS Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn lại thể hiện một quan điểm khác.

Theo GS Phố, đối với ngành sư phạm, nhiều nước nước đều có ưu tiên và miễn học phí cả bậc đại học.

Do đó, Việt Nam cũng nên thực hiện chính sách này vì ngành sư phạm nhiều khi khô khan, làm ra tiền khó, nhiều người không muốn đi.

Mặt khác, muốn đào tạo một người thầy có kiến thức và đạo đức để làm việc, phải ưu tiên cho họ, còn nếu cào bằng như các ngành khác thì sẽ không có ai vào ngành sư phạm.

"Việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm là rất cần thiết. Không những thế, phải tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm về các vấn đề khác như ăn ở, sinh hoạt... thì mới đào tạo được giáo viên cũng như những thế hệ sinh viên sau đó mới tốt, giỏi được", GS.TS Phạm Phố bày tỏ quan điểm.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu các ngành khác sản xuất ra sản phẩm thì ngành sư phạm đào tạo ra con người nên phải hết sức thận trọng. Điều kiện trước tiên để đào tạo ra người giỏi thì phải có người thầy giỏi. Muốn đào tạo con người tốt thì trước tiên người thầy phải tốt, phải mẫu mực. Chính vì thế, ông cho rằng không nên bàn chuyện ngừng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm làm gì.

"Nhờ miễn phí sư phạm nên sinh viên an tâm học, Việt Nam đào tạo ra được một lượng lớn giáo viên để về dạy ở các hệ từ mầm non, đến THCS, THPT và một số dạy ở bậc đại học.

Trong số đó tránh được có những giáo viên làm không đúng, đạo đức không hoàn mỹ nhưng đa số đào tạo ra cung cấp được một lượng nhân sự lớn cho ngành giáo dục. Việt Nam phải tiếp tục làm điều đó.

Đành rằng ngân sách khó khăn, nhưng muốn không lãng phí ngân sách thì phải chống tham ô, chống lãng phí, những cái đó mới khiến ngân sách thâm hụt lớn", GS.TS Phạm Phố lưu ý.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP