Trong nước

Đề xuất Bộ trưởng Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cần thiết

Dự thảo Luật Cảnh vệ (sửa đổi) đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cần thiết với các trường hợp không thuộc diện được cảnh vệ

Chiều 20-5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Phạm Thắng


Theo Bộ trưởng Tô lâm, Luật Cảnh vệ được Quốc hội thông qua tháng 6-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung.

Những vướng mắc, bất cập tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Đại tướng Tô Lâm cho hay dự thảo bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, nhà nước. Còn Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ như đề xuất của Chính phủ. Việc bổ sung các chức danh, chức vụ mới là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực cho công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Do đó, tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng phù hợp (trong phạm vi, thời gian nhất định). Ngoài ra, trong thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia đòi hỏi pháp luật phải có những quy định để kịp thời điều chỉnh.

Thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, đề nghị của Đại sứ quán các nước tại Việt Nam không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 của Luật Cảnh vệ.

Do vậy, Bộ trưởng Công an cho rằng việc này cần được cụ thể trong Luật để đảm bảo hành lang pháp lý trong thực hiện nhiệm vụ. Việc thực hiện nhiệm vụ này không làm phát sinh nguồn lực tài chính vì thực tế đã và đang được thực hiện trên cơ sở cân đối nguồn lực, tài chính hiện tại.

Ủy ban Quốc phòng An ninh của Chính phủ cũng cho rằng việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp.

Thực tiễn từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 56 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Tác giả: Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP