Trong nước

ĐBQH: Nhiều bác sĩ trực đêm phải rủ chồng con theo vì sợ bệnh nhân gây khó

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết, trực cấp cứu đêm ở y tế xã rất phức tạp, nhiều bác sĩ nữ phải rủ chồng, con đi theo vì sợ bệnh nhân gây khó khăn.

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận về quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) thẳng thắn đánh giá, mạng lưới y tế cơ sở của nước ta hiện nay tuy được tổ chức đồng bộ, bao phủ rộng khắp đến từng xã, khu phố nhưng hệ thống này chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt trong dịch COVID-19 cho thấy y tế cơ sở xảy ra quá tải, nguyên nhân do thiếu nhân lực cũng như trang thiết bị cơ sở vật chất.

Bà Nhi nêu thực tế tình trạng trạm y tế xã biên chế mỗi đêm trực chỉ một người, trong khi đây là tuyến đầu cấp cứu ban đêm cho các bệnh nhân đánh nhau, tai nạn giao thông... rất phức tạp, nên các nhân viên y tế, nhất là nữ không thể trực một mình. Nhiều bác sĩ nữ đi trực phải rủ mẹ, chị em hoặc chồng, con đi theo vì sợ bệnh nhân gây khó khăn.

Trong khi đó, tiền trực mỗi đêm chỉ 25.000 đồng, tiền ăn 15.000 đồng, chế độ rất khiêm tốn với cống sức đội ngũ này bỏ ra. Đây là phản ánh của các trạm y tế khi đoàn giám sát tỉnh đi khảo sát.

"Chế độ chính sách thấp rất khó thu hút, giữ chân người làm việc ở y tế cơ sở", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi băn khoăn.

Nữ đại biểu này cũng chia sẻ nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ cơ hữu do có sự chuyển dịch đội ngũ bác sĩ sang khu vực tư nhân và các đô thị lớn hay nhiều bác sĩ đến tuổi về hưu trong khi sinh viên mới ra trường rất ít chịu về công tác cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu sáng 29/5.

Thứ hai, điều kiện để lực lượng tại chỗ đi học để nâng cao trình độ ngày càng khó khăn, thu hẹp dần cánh cửa. "Với tình trạng trên tôi nghĩ nếu chúng ta không sớm có chính sách phù hợp thì khoảng 10 - 15 năm nữa, trạm y tế xã không có bác sĩ làm việc", đại biểu tỉnh Bến Tre lo ngại.

Thứ ba, chính sách lương và phụ cấp rồi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập, công sức lao động điều kiện môi trường làm việc. Một sinh viên đại học ngành y hiện nay học phải đến 6 năm với chi phí khá cao, gần 200 triệu đồng mỗi năm, nhưng ra trường đi làm chỉ nhận mức lương trên dưới 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, ở cơ sở các trang thiết bị phương tiện làm việc chưa tốt nên không có môi trường thuận lợi để đội ngũ này nâng cao tay nghề phát triển nghề nghiệp.

Bên cạnh việc thiếu nhân lực thì cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho y tế cơ sở còn thiếu thốn cũ kỹ và chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị, Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, trình các cấp ban hành chế độ chính sách có thể thu hút giữ chân cán bộ y tế cấp cơ sở, cũng như tạo điều kiện để đội ngũ nhân lực y tế cơ sở hiện nay được tham gia đào tạo nâng cao trình độ, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cơ sở đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Trịnh Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cũng nêu những khó khăn ở cơ sở y tế cấp xã. Bà nhận định, khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, chính sách và cơ chế phát triển nhân lực ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Tỷ lệ người dân đến y tế cơ sở để được tư vấn, chăm sóc sức khoẻ rất thấp.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phát biểu sáng nay.

Nguyên nhân trực tiếp là chất lượng, dịch vụ và lòng tin của người dân. Nguyên nhân gián tiếp là cơ chế, chính sách và đầu tư của nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điệu kiện cho y tế cơ sở phát huy tiềm năng, khả năng dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho để được chăm sóc sức khỏe. Bệnh viện tuyến trên lại quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện.

Bên cạnh đó, nhân lực y tế được xem là tiêu chí rất quan trọng quyết định sự thành công của sự phát triển y tế tuyến cơ sở. Thế nhưng, hiện 11% số trạm y tế xã chưa có bác sĩ cơ hữu. Do đó, ngành y tế phải có giải pháp cử bác sĩ của đơn vị tuyến trên về hỗ trợ tăng cường làm việc. Nhiều xã phường của các thành phố, đặc biệt khu vực đô thị mật độ dân cư, tỷ lệ 10 bác sĩ/30.000-50.000 dân (tiêu chuẩn theo quy định là 10 bác sĩ/15.000 dân).

Đại biểu Trịnh Tú Anh cũng cho biết thêm, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở chưa được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng, thu nhập cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu từ lương phụ cấp nghề trung bình 5 - 7 triệu đồng tháng. Khi tham gia chống dịch, cán bộ y tế được hưởng kinh phí hỗ trợ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Tác giả: HÀ CƯỜNG - NGỌC ANH

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP