|
Mới đây, TAND Q.3 (TP.HCM) đã nhận đơn khởi kiện của bà Huỳnh Thanh Thủy (ngụ Q.11, TP.HCM) khởi kiện Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam chi nhánh trung tâm kinh doanh VNPT TP.HCM (gọi tắt là VNPT) để yêu cầu khôi phục, trả lại cho bà thuê bao điện thoại số 091xxx8888.
Đang dùng bỗng mất sóng, mất số đẹp
Theo đơn kiện, vào năm 2012 bà Thủy mua sim điện thoại di động trả trước có số 091xxx8888 sử dụng liên tục, ổn định. Thời điểm mua sim, bà Thủy có đưa chứng minh nhân dân để điểm giao dịch thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng.
Lúc 13h ngày 1-2-2020, máy điện thoại của bà Thủy đột ngột mất sóng và số thuê bao không hoạt động được. Vì vậy, bà Thủy đến Trung tâm kinh doanh số 1 của VNPT (Q.5, TP.HCM) khiếu nại.
Qua trung tâm này, bà Thủy mới biết vào ngày 19-9-2019, cửa hàng số 5 của VNPT (đường Nguyễn Thị Thập, Q.7) đã chuyển số thuê bao cho chủ mới tên N.T.N. ngụ tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Bà Thủy quá bất ngờ vì hoàn toàn không biết ông N. là ai và cũng chưa hề cho ai khác mượn sim hoặc làm gián đoạn thuê bao của mình. Ngạc nhiên hơn, sau đó bà Thủy được biết số điện thoại trên còn được tiếp tục chuyển qua tên nhiều người trong thời gian ngắn. Ngay lập tức bà Thủy làm đơn khiếu nại nhà mạng.
Đến cuối tháng 3-2020, VNPT có văn bản trả lời cho bà Thủy khẳng định cửa hàng số 5 đã thực hiện chuyển tên cho người khác đúng quy định tại nghị định 49/2017/NĐ-CP nên không trả lại số thuê bao trên cho bà Thủy. Bà Thủy tiếp tục khiếu nại. Đến giữa tháng 4-2020, VNPT tiếp tục có văn bản trả lời khẳng định việc sang tên số thuê bao là đúng quy trình.
Đến đầu tháng 6-2020, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM có buổi làm việc giải quyết khiếu nại của bà Thủy. Thanh tra sở có biên bản đề nghị VNPT rà soát các lần đổi chủ thuê bao 091xxx8888, từ ngày 19-9-2019 đến ngày 1-1-2020, để giải quyết khiếu nại của bà Thủy.
Khách vẫn giữ sim, nhà mạng nói làm đúng
Sau khi có biên bản đề nghị của thanh tra sở, ngày 7-7, VNPT có văn bản trả lời khiếu nại cho bà Thủy và phúc đáp đề nghị của thanh tra sở. Theo đó, nhà mạng này cho rằng theo quy định, ông N. phải cung cấp cho điểm giao dịch (cửa hàng số 5) mã xác thực OTP khi hệ thống gửi tin nhắn đến cho thuê bao trên thì hệ thống mới cho phép cập nhật lại thông tin thuê bao. Đồng thời, căn cứ vào trạm phát sóng của nhà mạng gần điểm giao dịch thì thấy thời điểm thuê bao nhận mã OTP, trạm phát sóng tại đây có ghi nhận. Như vậy có cơ sở xác định ông N. có mang theo sim khi đến cửa hàng số 5.
Bên cạnh đó, căn cứ danh sách 10 số thuê bao mà ông N. kê khai thường xuyên liên lạc theo quy định, nhà mạng thấy trùng khớp với lịch sử cuộc gọi của thuê bao này phát sinh từ tháng 4-2019 (trước thời điểm thay đổi tên ngày 19-9-2019) đến ngày 31-1-2020. Điều này có cơ sở xác định ông N. dùng sim này liên tục trước và sau thời điểm đổi sim. Ngoài ra, VNPT rà soát lại các lần thay đổi của thông tin thuê bao sau ngày 19-9-2019 thì thấy các lần thay đổi này đều đúng quy trình và được lưu trữ đầy đủ trên hệ thống.
Cuối cùng, nhà mạng VNPT cho rằng sự việc xảy ra là do bà Thủy sơ suất trong việc bảo quản sim dẫn đến người khác lợi dụng để chiếm đoạt sim. Tuy nhiên, bà Thủy khẳng định phía VNPT cho rằng ông N. có mang theo xác sim đến cửa hàng để chuyển quyền sử dụng thuê bao là không thuyết phục, bởi lẽ thực tế xác sim này bà vẫn đang giữ.
Vì vậy ngày 23-7, bà Thủy khởi kiện yêu cầu tòa án xét xử buộc Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam chi nhánh trung tâm kinh doanh VNPT TP.HCM phải phục hồi, trả lại số thuê bao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho bà.
SIM điện thoại số 091xxx8888 vẫn đang được bà Thủy giữ - Ảnh: Th.A. |
Trách nhiệm của nhà mạng?
Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cách giải thích của nhà mạng như trên là chưa thuyết phục. Nghị định 49/2017/NĐ-CP hướng dẫn một số điều luật viễn thông và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định trách nhiệm của nhà mạng phải lưu giữ cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền đầy đủ các thông tin thuê bao về hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời phải bảo đảm khả năng truy nhập vào cơ sở dữ liệu về thông tin thuê bao của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra thông tin của các thuê bao.
Như vậy, thông tin thuê bao của bà Thủy dùng từ năm 2012 phải có trên hệ thống dữ liệu của nhà mạng. Nguyên tắc khi có người đang sử dụng ổn định, liên tục thì không thể có người thứ 2 được đăng ký tên sử dụng đối với thuê bao đó.
Thông thường với lý do bị mất điện thoại (kèm mất sim) hoặc sim hư hỏng thì khách hàng có thể đến điểm giao dịch để làm lại sim. Theo quy định, điểm giao dịch phải rà soát CMND, thông tin thuê bao, chụp hình ảnh cá nhân, đối chiếu với hệ thống dữ liệu thuê bao chặt chẽ mới cấp lại. Đây là yêu cầu chung theo quy định với bất kỳ sim thuê bao nào. Nhất là sim số đẹp như của bà Thủy thì càng phải kiểm tra kỹ (vì sim số đẹp cũng là tài sản có giá trị không hề nhỏ), rà soát kỹ.
Vì vậy, trong khi đến tháng 9-2019 ông N. mới đến điểm giao dịch yêu cầu sang tên mà giao dịch viên vẫn giải quyết thì có thể do nhầm lẫn từ giao dịch viên. Trách nhiệm nhà mạng là phải bảo đảm quyền sử dụng thuê bao đã ký kết hợp đồng với khách hàng. Khi khách hàng đang sử dụng thuê bao ổn định, liên tục mà bỗng dưng bị mất quyền sử dụng vào tay người khác thì nhà mạng phải xem lại trách nhiệm của mình.
Sau khi nhận được văn bản trả lời của nhà mạng VinaPhone - VNPT, bà Huỳnh Thanh Thủy tỏ ra khá bức xúc. Bà Thủy nói: "Tôi không mua bán, tặng cho bất kỳ ai. VinaPhone tự ý thay đổi thông tin và ngang nhiên cắt sim của tôi sang cho người khác là không đúng. Việc này ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của tôi, gây thiệt hại kinh tế, uy tín và tạo sự ức chế cho tôi. Vì vậy tôi phải khởi kiện ra tòa". |
Tác giả: THÁI AN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ